Những làng nghề từng thu hút 4.000-5.000 lao động tứ xứ giờ hoạt động cầm chừng, những làng quê rộn rã về nghề gạch ngói, nung vôi giờ lao động ngồi chơi... Hệ lụy của nó là cuộc sống của người nông dân càng thêm khó khăn.
Làng gỗ ảm đạm
Làng gỗ Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) bao đời nay vẫn nức tiếng là một làng nghề thủ công mỹ nghệ đạt hiệu quả cao nhất cả về chất và lượng sản xuất đồ gỗ trên toàn miền Bắc. Các dòng sản phẩm gỗ nơi đây không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu đi Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… Những tháng sản xuất cao điểm, làng thu hút từ 4.000-5.000 lao động tứ xứ tới làm thuê. Vậy mà giờ đây, không khí trong làng ngày ngày khá yên ắng…
|
Không khí ảm đạm và vắng vẻ với nhiều cửa hàng đồ gỗ đóng cửa ở làng gỗ Đồng Kỵ.
|
Vòng quanh làng Đồng Kỵ, đâu cũng thấy cảnh đồ gỗ bày la liệt trong các showroom mà không một bóng người mua. “Ế ẩm lắm. Trước kia phía Trung Quốc tiêu thụ hàng đến hơn 80% nhưng mấy tháng nay đã ngừng hẳn. Hầu hết các doanh nghiệp giảm đến 60% lượng hàng so với cùng kỳ năm ngoái”- anh Vũ Văn Minh - chủ một xưởng sản xuất đồ gỗ tại Đồng Kỵ cho hay. Xưởng đồ gỗ anh Minh trước đây thuê khoảng hơn 20 công nhân thì giờ chỉ còn giữ 2-5 người làm cầm cự. Thợ chuyên nghiệp trong làng đã vãn đi một nửa.
Ngoài thợ chuyên nghiệp, làng Đồng Kỵ bình thường thu hút 400-500 lao động tới từ Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… làm công nhật. Chị Nguyễn Thị Vân là người may mắn có việc làm (đánh giấy ráp) công nhật chia sẻ: “Xưởng tôi làm trước đây thường có 5 người làm đánh giấy ráp. Nhưng từ mấy tuần nay, ông chủ chỉ thuê một mình tôi thôi. Đánh ráp nốt cái ghế này, tôi cũng về đây. Chủ có trả đủ 1 ngày công đâu”. Những lao động khác không có việc làm đành giết thời gian bằng những ván bài, hay túm tụm ngồi chơi.
Nửa làng ngồi chơi
Tình cảnh tương tự đang diễn ra ở các xã Hương Vĩ (Yên Thế, Bắc Giang) nơi gần 500 lò nung vôi đang trong cảnh tắt lửa, rỗng lò. Nguyên do là than tăng giá gấp đôi, gấp 3, giờ lên tới hơn 2 triệu đồng/xe nhưng không phải lúc nào cũng đủ than mua. Cùng với than, đá sản xuất để nung vôi cũng có giá mới. Trong khi đó, vôi làm ra không tăng được giá, và cũng không bán được do tốc độ xây dựng chững lại. Đồng vốn xoay vòng khó khăn, nhiều chủ lò đành đóng cửa.
Ông Lã Duy Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vĩ cho biết: “Cả xã có 7 làng làm nghề nung vôi với hơn 500 đầu lò, trước đây giải quyết việc làm cho hơn 1.500 nhân công trong xã và khoảng 200-300 lao động các xã lân cận. Giờ hơn 250 lò vôi đã đóng cửa, kéo theo gần 1.000 lao động thất nghiệp”.
Theo Sở LĐTBXH Hà Nội, từ cuối năm 2011 tới đầu năm 2012, số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng bất thường: Năm 2011 có 16.000 người đăng ký thất nghiệp; đầu năm 2012, con số đăng ký đã lên tới 8.000 người. Trong đó, từ cuối năm 2011 có doanh nghiệp có cả ngàn lao động đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp như Công ty Dệt 8.3 (có hơn 1.000 lao động), Công ty Hanosimex có khoảng 2.000 - 3.000 lao động...
|
Ông Nguyễn Xuân Thanh - chủ lò vôi ở thôn Rừng ngao ngán nói: “Theo giá nguyên liệu hiện nay, một lò vôi bán thu về chỉ hòa vốn. Giờ ít việc, nhà tôi tự đóng gạch từ khối lượng xỉ thải để vớt lại mấy trăm ngàn tiền lãi nên không dám thuê nhân công”. Đứng chơi đầu làng, chị Nguyễn Thị Hương (thôn Rừng) thở dài: “Trước đây đều việc, thu nhập của một thợ lò đạt từ 3 – 4 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Mấy ai biết nghề này cũng có lúc lao đao. Cả tuần nay, tôi chỉ có 3 buổi có việc. Mấy người làm cùng tôi nghỉ cả tháng nay rồi”.
Cảnh thất nghiệp còn rõ ràng hơn khi cả trăm lao động làm thuê từ các xã Đồng Kỳ, Hồng Kỳ, Đồng Lạc vẫn đổ về ngồi chật hai bên đường trung tâm thị trấn Bố Hạ (huyện Yên Thế). Những người thợ lò ấy vốn đã quen từ lâu với việc thức dậy từ hơn 3 giờ sáng chuẩn bị đạp xe đi 10-20km sao cho kịp đến chợ lao động Bố Hạ “họp” trước 5 giờ. Ai cũng mang một tâm lý đi sớm để chọn chỗ ngồi đẹp, hy vọng may mắn sẽ được các chủ lò để mắt tới. Hy vọng để rồi thất vọng vì nào có ai thuê...
Theo Nông thôn ngày nay
Nguồn:http://danviet.vn/85506p1c34/lao-dong-nong-thon-lay-lat-vi-that-nghiep.htm