Tuy nhiên, có một điều rất lạ là trong thời gian mua tạm trữ thì giá lúa cứ đủng đỉnh mà khi kết thúc thì giá lúa lại tăng lên.
Bất ngờ giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đã khởi sắc trở lại khi chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vừa kết thúc (kết thúc sơm hơn dự kiến). Điều này khiến không ít thương lái kinh doanh lúa gạo vừa ngạc nhiên vừa mừng, trong khi đó nông dân thì ấm ức vì lúa đã bán xong.
Anh Nguyễn Thành Hơn, thương lái mua lúa tại xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, Tiền Giang - chuyên mua lúa tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp cho biết, hiện lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp có giá 4.500 - 4.600 đồng/kg, tăng 100 - 200 đồng/kg so với mức giá hồi tuần trước; lúa IR 50404 khô cũng tăng 100 - 200 đồng/kg lên mức giá 5.350 - 5.400 đồng/kg.
|
Bất ngờ giá lúa khởi sắc trở lại khi chương trình tạm trữ lúa gạo kết thúc.
|
Nếu so với mức giá bình quân trong thời gian mua tạm trữ thì hiện tại mỗi kí lô gam lúa hàng hóa đã tăng 200 - 350 đồng (tùy loại).
Riêng đối với các loại mặt hàng lúa thơm đặc sản, lúa chất lượng cao hầu như bây giờ còn rất ít, giá cũng đã tăng mạnh trở lại, lên mức giá 5.200 - 5.300 đồng/kg đối với lúa thơm nhẹ OM 4900 thu hoạch bằng máy gặt liên hợp (lúa tươi).
Anh Nguyễn Văn Hải, thương lái mua lúa tại chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang tỏ ra ngạc nhiên: “Thật sự rất là bất ngờ, cánh thương lái chúng tôi không nghĩ giá lúa tăng trở lại trong lúc này đâu. Hiện chúng tôi cũng chưa xác định rõ được nguyên nhân vì sao giá lúa tăng lên nữa nhưng gần đây giá gạo nguyên liệu (gạo lức) được các doanh nghiệp kinh doanh lương thực thu vào đã tăng lên”.
Tại khu vực xã Tân Bình, huyện Cai Lậy và khu vực chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, giá gạo nguyên liệu và thành phẩm của giống IR 50404 đã vượt qua cả mức giá trong thời gian diễn ra chương trình mua tạm trữ.
Cụ thể, gạo nguyên liệu có giá 7.000 - 7.150 đồng/kg (tùy khu vực); gạo thành phẩm loại xô có giá 7.700 - 7.950 đồng/kg; gạo thành phẩm loại tốt (có thể “đá” vào làm gạo 5% tấm) có giá 8.250 - 8.400 đồng/kg.
Một câu hỏi được đặt ra là: Ai được hưởng lợi từ chính sách mua tạm trữ lúa gạo? Tiếp tục duy trì mua tạm trữ với hình thức cho doanh nghiệp vay ưu đãi hay sử dụng vốn này cho nông dân vay để đầu tư sản xuất?
Theo ý kiến của các chuyên gia ngành nông nghiệp, chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ đông xuân năm nay đã thất bại hoàn toàn. Lý do được đưa ra để khẳng định điều này là vì trong suốt thời gian thực hiện chương trình giá lúa gạo hàng hóa hầu như không tăng được bao nhiêu. Thậm chí có thời điểm giá lúa còn giảm khá mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của nông dân.
Đứng trên lập trường của người nông dân, bà Nguyễn Phúc Ánh, Giám đốc doanh nghiệp kinh doanh gạo nội địa Tấn Tài III, chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang cho rằng, Nhà nước không nên cho doanh nghiệp vay ưu đãi để tạm trữ mà nên sử dụng đồng vốn này hỗ trợ nông dân mua phân bón, vật tư nông nghiệp sẽ tốt hơn.
Các doanh nghiệp hội viên VFA được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được quyền quyết định giá thu mua lúa cho nông dân, được quyền mang sản phẩm đem đi mặc cả với đối tác. Trong khi đó, nông dân chẳng được quyền gì ngoại trừ quyền được quyết định bán hay không bán nhưng nếu không bán lấy tiền đâu trả nợ tiền vật tư nông nghiệp? Như vậy rõ ràng trong lần tạm trữ này chỉ có doanh nghiệp được lợi chứ người nông dân chẳng được lợi ích gì.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng, chính sách mua tạm trữ lúa gạo hiện nay không đạt được hiệu quả, dù chúng ta tham gia xuất khẩu khá lâu và cũng là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng hệ thống kho tàng, bến bãi vẫn rất yếu kém.
Giáo sư-Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo - một chuyên gia nông nghiệp cho biết: “Kinh nghiệm nhiều năm nay cho thấy giá lúa do VFA định thường chỉ bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp hội viên để họ cạnh tranh bán rẻ cho thương lái quốc tế, mà coi nhẹ lợi ích của người nông dân phải cực khổ một nắng hai sương làm ra hạt lúa”.
Theo Tiền phong
Nguồn:http://www.thesaigontimes.vn/Home/nongsan/tintucthitruong/75375/La-ky-gia-lua-tam-tru.html