|
Nông dân ĐBSCL vận chuyển mía về nhà máy bằng ghe
|
Theo Bộ NN&PTNT trong thời gian từ tháng 3 đến giữa tháng 4 Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 220.000 tấn đường, tăng gần 147.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Số đường này chủ yếu là qua Trung Quốc. Trong thời gian tới, nếu Việt Nam tiếp tục xuất khẩu đường với số lượng lớn như nói trên thì đến tháng 8,9 năm nay Việt Nam thiếu đường cung cấp cho thị trường trong nước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, không phải hiện tại mà lâu nay, Việt Nam không thể thống kê được lượng đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới Tây Nam cũng như lượng đường xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc. Vì thế, số liệu mà Bộ NN&PTNT đưa ra có thể là lấy từ các công ty thương mại kinh doanh và xuất khẩu đường, trong đó, không loại trừ một số đường xuất khẩu sang Trung Quốc là đường lậu từ Thái Lan.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, hiện Trung Quốc đang thiếu khoảng 2 triệu tấn đường, trong đó, nước này đang có kế hoạch mua dự trữ khoảng 1 triệu tấn đường để bán ra thị trường khi cần thiết. Do đó, chuyện doanh nghiệp Việt Nam tìm cách xuất khẩu đường sang Trung Quốc là do nhu cầu tăng, do giá bán cũng cao hơn so với thị trường trong nước. Vì thế, việc hạn chế doanh nghiệp đường xuất sang Trung Quốc sẽ khó khăn vào thời điểm hiện tại.
Theo Bộ NN&PTNT, vụ mía đường 2011/12 cả nước sẽ sản xuất được khoảng 1,313 triệu tấn, tuy nhiên, theo Hiệp hội mía đường Việt Nam do năm 2011 giá mía nguyên liệu tăng cao nên một số hộ dân chuyển sang trồng mía ở những khu vực ngoài quy hoạch nên đến phải đến tháng 7 (chậm hơn 2 tháng so với mọi năm) Việt Nam mới kết thúc vụ mía đường.
Do đó, Hiệp hội mía đường Việt Nam vẫn giữ mức dự báo là 1,4 triệu tấn đường và đáp ứng dư nhu cầu tiêu thụ trong nước (khoảng 1,2 -1,3 triệu tấn đường).
Ông Hải cho biết, tính đến 25-4, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là 400.000 tấn, và khi kết thúc vụ đường năm nay, Việt Nam sẽ có khoảng 600.000 tấn, trong khi, nhu cầu tiêu thụ bình quân mỗi tháng vào khoảng 100.000 tấn đường. Cộng thêm 70.000 tấn được nhập khẩu theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vì thế, không có chuyện thiếu đường.
Vụ mía đường 2011/12 lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được một lượng đường vượt quá nhu cầu tiêu thụ trong nước. Chính vì vậy, giữa Hiệp hội mía đường Việt Nam và cơ quan quản lý là Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương luôn có những tranh cãi trong việc xuất nhập khẩu đường.
Nguồn gốc của những tranh cãi này là do Hiệp hội mía đường Việt Nam đứng trên lợi ích của các nhà máy đường còn Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương lại đứng trên quan điểm người tiêu dùng nên chần chừ trong các quyết định cho xuất khẩu đường.
Theo Hiệp hội mía đường, nguồn cung trong nước dư thừa nên cần phải xuất khẩu. Cơ quan quản lý lo thiếu đường nên tìm cách hạn chế.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Nguồn:http://www.thesaigontimes.vn/Home/nongsan/tintucthitruong/75793/Thieu-hay-thua-duong-Hiep-hoi-mia-duong-noi-nguoc-Bo-NN&PTNT.html