Vốn cho tạm trữ gạo được sử dụng như thế nào?

03/05/2012

Bộ Tài chính đã công bố dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay tại ngân hàng thương mại cho 88 doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân nhằm vực dậy giá lúa trong nước giảm sâu.

Trực tiếp làm ra hạt lúa nhưng quyền lợi của nông dân vẫn chưa được bảo vệ hiệu quả
Chắc chắn các doanh nghiệp được lợi lớn từ đồng vốn rẻ, còn quyền lợi của người nông dân gắn với giá lúa thì vẫn cứ bấp bênh.
Hưởng lợi từ vốn rẻ
Theo nội dung thông tư 65 của Bộ Tài chính, các khoản vay được hỗ trợ lãi suất là các khoản vay trả nợ trước và trong hạn tại thời điểm hỗ trợ lãi suất (lãi suất thương mại tính tối đa 14%/năm). Thời gian được hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng là thời gian tạm trữ thực tế tính từ thời điểm mua cho đến thời điểm bán lúa gạo tạm trữ, kéo dài đến ngày 15-6.
Đây được xem là sự hỗ trợ “vàng”, đúng lúc đối với các doanh nghiệp lương thực, đặc biệt khi từ cuối tháng 3 trở đi khi thị trường xuất khẩu gạo đã nhộn nhịp trở lại trong khi giá thu mua lúa trong nước vẫn thấp.
Chương trình mua tam trữ 1 triệu tấn gạo bắt đầu từ ngày 15-3 và kéo dài trong đúng 1 tháng. Vào cuối tháng 3, giá lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp được thương lái thu mua tại ruộng chỉ còn dao động quanh mức giá 4.350 - 4.400 đồng/kg và 5.050 - 5.100 đồng/kg đối với lúa khô. Tình hình xuất khẩu gạo cũng chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Giám đốc một doanh nghiệp lương thực xuất khẩu ở Vĩnh Long cho biết, chi phí lãi vay của công ty ông trong quí 1 đã giảm đến hơn 50% so với cùng kỳ năm 2011 vì hoạt động xuất khẩu ở thời điểm này đang rất khó khăn. “Không doanh nghiệp nào khi ấy lại đi mua vào để ôm lấy gánh nặng tồn kho, trả lãi vay mặc dù biết khi đó giá lúa đang rẻ”, ông nói.
Tuy nhiên, tình hình qua tháng 4 đã thay đổi với lượng hợp đồng dồi dào, góp phần giúp giá lúa trong nước phục hồi.
Vào ngày 23-4, tức hơn 1 tuần sau khi kết thúc chương trình tạm trữ lúa gạo, giá lúa tăng mạnh so với trong thời điểm mua tạm trữ. Giá lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp có giá 4.500 - 4.600 đồng/kg, lúa IR 50404 khô có mức giá 5.350 - 5.400 đồng/kg.
Nguyên nhân là do tháng 3 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm kỷ lục, cụ thể gạo 5% tấm giảm còn 427 đô la Mỹ/tấn so với mức 520 đô la Mỹ/tấn hồi tháng 12. Các doanh nghiệp xuất khẩu kéo giá chào bán xuống nhằm thu hút khách hàng, đồng thời "lôi" theo giá lúa gạo trong nước.
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), hợp đồng xuất khẩu gạo đăng ký tính đến ngày 19-4 đạt 4,2 triệu tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 3, số lượng hợp đồng đăng ký (chưa giao hàng) đạt 1,83 triệu tấn, tăng 278% so với tháng 2 và tăng 67,09% so với cùng kỳ năm trước và là tháng có số lượng đăng ký hợp đồng cao nhất từ trước tới nay (trước đây tháng cao nhất chỉ khoảng 1 triệu tấn).
Các doanh nghiệp chính vào lúc này mới cần đến đồng vốn để mua lúa gạo xuất khẩu để cung ứng cho lượng hợp đồng khổng lồ này, kéo theo giá lúa gạo trong nước tăng trở lại. Thay vì tập trung vào mua lúa gạo nội địa để tránh giá bị giảm mạnh trong tháng 3, cao điểm thu hoạch vụ Đông Xuân thì các doanh nghiệp lại "đủng đỉnh" chờ đến khi có hợp đồng xuất khẩu mới mua vì thời hạn nhận hỗ trợ lãi vay kéo dài đến giữa tháng 6-2012.
Rõ ràng, trong tháng 3 vừa rồi, chương trình tạm trữ đã không phát huy tác dụng vực dậy giá lúa gạo nội địa một khi các doanh nghiệp xuất khẩu được cho là đã "đè" giá để thu hút người mua. Điều này cũng lý giải tại sao giá lúa gạo sau chương trình mua tạm trữ lại tăng mạnh, là do khách hàng quay trở lại với gạo Việt Nam. 
Đã có ít nhất 7 ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay tạm trữ gạo. Riêng số vốn mà 2 ngân hàng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cam kết cho doanh nghiệp vay đã lên đến 9.000 tỉ đồng. Nếu tính theo giá trung bình gạo nguyên liệu để chế biến thành gạo xuất khẩu thì đã có thể mua trên 1 triệu tấn với số vốn trên. 
Loanh quanh với giá thành sản xuất
Chương trình tạm trữ lúa gạo đã kéo dài qua nhiều năm và cũng tạo ra không ít luồng dư luận về hiệu quả đối với nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt lúa và cũng là đối tượng dễ tổn thương nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo. Ngân sách nhà nước mỗi năm phải chi không ít cho chương trình mua tạm trữ lúa gạo (bù lãi suất vay thương mại) nhưng chưa có bất kỳ cuộc khảo sát có quy mô nào được thực hiện để tìm hiểu hiệu quả thật sự của nó.
Thậm chí, vấn đề xác định giá thành sản xuất cho đúng để tránh cho nông dân bị thiệt vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp, cho rằng việc VFA nói mua lúa cho nông dân đảm bảo có lời 30% trong chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo đó chỉ là lời nói trên giấy vì  thực tế không hoàn toàn diễn ra như vậy.
Còn bà Phạm Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang - tỉnh có 101.000 tấn gạo (quy ra thóc) nằm trong chương trình mua 1 triệu tấn gạo dự trữ, cho biết cơ quan này và Sở Tài chính An Giang mới trình UBND tỉnh về cách tính giá thành lúa đông xuân và chờ UBND công bố. Nghĩa là, vụ đông xuân An Giang vẫn chưa công bố giá thành sản xuất lúa là bao nhiêu nên không thể khẳng định giá lúa 5.000 đồng/kg, mua tại kho chứa của các doanh nghiệp lương thực, là đảm bảo lợi nhuận 30% cho người nông dân hay không.
Hiện cách tính giá thành sản xuất lúa vẫn còn chưa đi đến thống nhất. Ông Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển Nông thôn tại Đại học Cần Thơ, người có nhiều năm nghiên cứu các tính giá thành sản xuất lúa ở ĐBSCL cho biết, ông đã nhiều lần đề nghị với Bộ Tài chính về công thức tính giá thành.
Trong công thức ngoài những chi phí như phân bón, thuốc trừ sâu thì phải đưa vào tiền công lao động, phí sử dụng đất vì người dân thường phải đi thuê đất để làm lúa, chi phí vốn. Nếu đưa 3 mục này vào thì giá thành sản xuất lúa sẽ tăng thêm 50% so với các tính của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, đến nay bộ này chỉ đưa tiền công lao động vào để tính giá thành. Vì không tính phí sử dụng đất vào công thức tính giá thành, nên khoản lời 30% dựa trên công thức tính giá thành được quy cho tiền sử dụng đất, và như vậy đó không phải là khoản lời của nông dân.
“Nếu chỉ tính tiền công lao động thì giá thành sản xuất lúa chỉ tăng thêm khoảng 10%. Như vậy, người dân vẫn bị thiệt vì VFA đảm bảo nông dân lời 30% (*) thực chất là đồng tiền từ cho phí sử dụng đất và chi phí vốn của nông dân mà thôi”, ông Đệ nói.
Ông Đệ cũng cho rằng, nếu chính phủ giao cho Sở NN&PTNT các tỉnh tính giá thành sản xuất lúa thì chắc chắn giá thành sản xuất lúa sẽ thấp hơn thực tế, và như vậy, sẽ mang lại lợi ích cho VFA trong việc mua lúa từ người dân với giá thấp.
Lý giải về vấn đề này, ông Đệ cho biết, hiện Bộ NN&PTNT đang triển khai hàng loạt chương trình phát triển trồng lúa bền vững, mục đích là giảm chi phí đầu vào sản xuất lúa thấp nhất có thể. Vì thế, nếu Sở NN&PTNT nào thu thập dữ liệu nhưng cho giá thành sản xuất lúa cao, lập tức cơ quan này cho điều chỉnh số liệu để giá thành sản xuất lúa thấp hơn.
“Nếu nông dân tỉnh nào có giá thành sản xuất lúa cao, Sở NN&PTNT tỉnh đó sẽ bị Bộ NN&PTNT thổi còi vì đã không làm tốt chương trình ba tăng ba giảm, một phải năm giảm nói trên”, ông Đệ nói.
Theo ông, để có cách tính giá thành sản xuất lúa chính xác thì Bộ Tài chính phải giao hoặc lập ra một cơ quan đánh giá độc lập vì nếu cứ giao cho Sở NN&PTNT kết hợp với Sở Tài chính làm hiện nay thì giá thành sản xuất lúa sẽ thấp hơn so với thực tế. Theo yêu cầu của chính phủ, các sở nông nghiệp và Hiệp hội lương thực Việt Nam phải đảm bảo giá mua lúa của nông dân cao hơn 30% so với giá thành để đảm bảo nông dân luôn có lãi.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/nongsan/tintucthitruong/75747/Von-cho-tam-tru-gao-duoc-su-dung-nhu-the-nao?.html


Tin khác