Vĩnh Phúc: “Bến đỗ” của nhiều doanh nghiệp FDI

04/05/2012

Từ nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc được coi là “Bình Dương của miền Bắc” với nhiều chính sách thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Công ty Japfa là doanh nghiệp FDI lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Vĩnh Phúc.
Sau hơn 10 năm mở cửa kêu gọi đầu tư FDI, hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đã chọn “bến đậu” Vĩnh Phúc để sản xuất, kinh doanh.
Cấp phép cho dự án chỉ trong 3 ngày
Mấu chốt trong thành công về thu hút FDI của Vĩnh Phúc là chính sách cải cách thủ tục hành chính. Bà Phùng Thị Như Quỳnh- Trưởng phòng Quản lý đầu tư (Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc) cho biết: “Dù năm 2012, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn (nhiều quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp lớn thu hẹp sản xuất, cắt giảm đầu tư nước ngoài; trong nước lạm phát, lãi suất cho vay của các ngân hàng đã điều chỉnh nhưng còn ở mức cao…), song trong quý I vừa qua, Vĩnh Phúc đã thu hút được 1 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) cấp mới, 3 dự án tăng vốn với tổng số vốn đầu tư 23,2 triệu USD, đạt 11,6% kế hoạch năm.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại Vĩnh Phúc đã có 119 dự án FDI với tổng số vốn hơn 2,371 tỷ USD. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp FDI cũng không ngừng tăng với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Honda, Toyota (Nhật), Piaggio (Italia), Foxcon, Compal, Fullpower (Đài Loan), G.O. Max, Kumho, Lotte (Hàn Quốc), YCH (Singapore)...
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Công Lộc – Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, để thu hút đầu tư, ngoài các biện pháp tích cực cải thiện hạ tầng kỹ thật, xã hội, đào tạo nhân lực, vấn đề cải cách các thủ tục hành chính luôn được đặt lên hàng đầu”.
Theo ông Lộc, trước đây, nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định là 15 ngày, nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc đã rút ngắn thời gian, giảm xuống còn 5 ngày, thậm chí có dự án còn chưa tới 3 ngày.
“Chúng tôi luôn xác định, tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng của địa phương để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI”, ông Lộc chia sẻ. Để kêu gọi đầu tư, năm 2012, Vĩnh Phúc cũng đã cho in bổ sung 300 cuốn sách “Vĩnh Phúc- điểm đến của các nhà đầu tư” bằng tiếng Nhật, đồng thời thực hiện dịch và lồng tiếng phim 3D giới thiệu quy hoạch TP. Vĩnh Phúc bằng 4 thứ tiếng: Anh, Nhật, Hàn, Trung.
Ưu tiên thu hút FDI vào nông nghiệp
Là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Vĩnh Phúc, ông Bùi Quý Quỳnh – Giám đốc Hành chính nhân sự (Công ty Japfa Việt Nam) cho biết: “Việt Nam là một đất nước sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, trong đó lĩnh vực chăn nuôi mới đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển. Nhà nước luôn có chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty đầu tư vào lĩnh vực tam nông, nên Japfa muốn đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương bằng cách cung cấp nguồn con giống gia cầm có chất lượng cao; những công nghệ chăn nuôi gia cầm hiện đại và kỹ thuật chăm sóc gia cầm mới nhất”.
Theo ông Quỳnh, Japfa đầu tư vào Việt Nam từ năm 1999, hiện nay tổng số vốn đầu tư là gần 30 triệu USD, hoạt động trên các lĩnh vực chủ yếu là sản xuất giống gia cầm, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức mạng lưới gia công chăn nuôi gia cầm, gia súc và chế biến sản phẩm chăn nuôi để xuất khẩu. Dự kiến, tới đây Japfa còn tiếp tục đầu tư một số các dự án mới ở tỉnh Vĩnh Phúc như trại gà giống bố mẹ ở xã Yên Dương, huyện Tam Đảo; nhà máy ấp trứng giống gà ông, bà ở huyện Lập Thạch; Dự án đầu tư mới nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Hoà Bình…
Hiện nay, trong số các dự án FDI ở Vĩnh Phúc, hiện có 3 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng số vốn gần 49 triệu USD. Theo ông Phùng Quang Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Vĩnh Phúc cũng đang xây dựng các chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
“Vĩnh Phúc dự kiến, trong giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm, tỉnh thu hút được 25 dự án FDI với số vốn 300 triệu USD và 50 dự án đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký 1.500 tỷ đồng, hàng năm giải quyết việc làm mới cho 6.000 - 7.000 lao động, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của tỉnh”. - Ông Phùng Quang Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc
Chính sách của Vĩnh Phúc hiện luôn dành ưu tiên đặc biệt cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bởi ngoài nguồn vốn, doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp còn tranh thủ được công nghệ cao và đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn. Ông Hùng cho biết thêm: “Sau 15 năm tái lập tỉnh, nền kinh tế Vĩnh Phúc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, giai đoạn 1997-2011, tăng trưởng GDP đạt 17,2%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 2.045 USD”.
Theo đánh giá, Vĩnh Phúc đang là 1 trong 13 tỉnh, thành phố có đóng góp lớn cho ngân sách T.Ư; đặc biệt là tỉnh đi trước trong việc ban hành các cơ chế, chính sách mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2005 trở lại đây, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số phát triển con người (HDI) của Vĩnh Phúc luôn xếp trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước.
Theo Nông thôn ngày nay

Tin khác