Tăng cường kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, bảo vệ người tiêu dùng

04/05/2012

Dư luận đang rất xôn xao trước thông tin về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đẩy mạnh việc kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, góp phần ổn định và phát triển chăn nuôi trên địa bàn cả nước đã và đang được các ngành chức năng tích cực vào cuộc.

Mới đây, người tiêu dùng không khỏi lo lắng trước thông tin chất tạo nạc Beta- Agonists phát hiện có trong thị lợn ở Đồng Nai. Không chỉ có ở tỉnh Đồng Nai, trong thời gian vừa qua, đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Bộ Y tế cũng đã phát hiện có hiện tượng sử dụng chất tạo nạc nhóm Beta - Agonist trong chăn nuôi ở một số địa phương khác như: ở tỉnh Bắc Ninh (đã phát hiện 1 mẫu gan lợn), tỉnh Hòa Bình (đã phát hiện 1 mẫu thức ăn bổ sung tại đại lý), tỉnh Hải Dương (đã phát hiện 1 mẫu thức ăn chăn nuôi ở cơ sở chế biến)... Theo đó, nguy cơ sử dụng chất Beta - agonist trong chăn nuôi ở các địa phương là rất cao.
Khi thông tin về chất tạo nạc Beta- Agonists phát hiện có trong thức ăn chăn nuôi chưa lắng xuống, thì mới đây, dư luận lại hoang mang trước thông tin cá diêu hồng nhiễm chất cấm trifluralin (kháng sinh diệt ký sinh trùng) tại chợ Bình Điền có nguồn gốc từ Đồng Tháp. Tuy nhiên, sau khi lấy mẫu kiểm nghiệm phân tích thì kết quả cho thấy không phát hiện mẫu cá nào có chứa chất cấm trifluralin.
Điều đáng nói là thông tin trên không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng mà còn đẩy những hộ nuôi cá diêu hồng rơi vào cảnh điêu đứng, lỗ nặng, giá cá diêu hồng giảm nhanh, chỉ còn 25.000 - 26.000 đồng/kg (trước đó từ 28.000 – 30.000 đồng/kg), lỗ từ 3.000 - 3.500 đồng/kg.
Có thể nói, những thông tin trên đang khiến gần như toàn bộ người nuôi gặp khốn đốn vì thua lỗ. Thực trạng này rõ ràng đang là một thách thức lớn cho ngành chức năng, đòi hỏi những giải pháp mang tính cụ thể, thực tế để sớm ổn định lại thị trường.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Nguy cơ bùng phát việc sử dụng chất cấm trở lại là rất lớn bởi lẽ, hiện nay việc sử dụng chất cấm đã phức tạp hơn, tinh vi hơn, không chỉ xuất hiện ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nữa mà cả ở các hộ chăn nuôi công nghiệp; đối tượng cung cấp không chỉ trao tay nữa mà đã rộng hơn là các cửa hàng, cửa hiệu. Do đó, cần tăng cường kiểm soát từ các khâu nhập khẩu qua biên giới đến cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giết mổ…
Trong báo cáo thống kê của ngành nông nghiệp trong tháng 4/2012 mới được công bố, Bộ NN&PTNT cho biết, đàn lợn trên cả nước trong tháng 4/2012 đã tăng 3-4% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn do giá thịt lợn hơi đang có chiều hướng giảm, việc tiêu dùng thịt lợn bị hạn chế bởi tâm lý lo ngại của người dân về việc thịt lợn có nhiễm chất kích thích tạo nạc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Đây chính là nguyên nhân khiến người chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư để tăng nhanh đàn.
Để giải được bài toán này, lấy lại được niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần phát triển ngành chăn nuôi đòi hỏi phải tăng cường kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, chúng ta phải tăng cường kiểm soát tất cả các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trước khi thông quan vào Việt Nam, đặc biệt các loại hàng hoá có nguy cơ cao, có thễ nhiễm hoặc có thể sử dụng chất cấm.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dương, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát chất lượng, chúng ta cần nâng cao ý thức của người chăn nuôi, người sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, người giết mổ và người chế biến thực phẩm... Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp người dân hiểu và có trách nhiệm hơn để tham gia giám sát với các ngành chức năng tố giác những kẻ lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm ăn phi pháp, có được như vậy, việc kiểm soát sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều...
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng) cũng cho rằng: Biện pháp mạnh nhất vẫn là quyền của người tiêu dùng, nếu làm ăn gian dối sẽ bị tẩy chay. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng sớm đưa ra những cách giúp người tiêu dùng nhận biết những sản phẩm độc hại và ủng hộ những người chăn nuôi chân chính. Cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ để những người chăn nuôi chân chính và người tiêu dùng không bị ảnh hưởng...
Ngoài ra, để ngăn chặn trình trạng sử dụng hóa chất cấm độc hại trong chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, những vụ vi phạm cần phải được xử lý mạnh và triệt để. Các cơ quan chức năng cần ban hành những chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Được biết, để sớm ổn định thị trường, hiện nay các cơ quan chức năng và các địa phương đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn việc dùng chất cấm trong chăn nuôi. Đáng chú ý là tại tỉnh Đồng Nai, các hộ chăn nuôi cũng đã thực hiện ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi dưới mọi hình thức.
Mong rằng, với những giải pháp thiết thực và hiệu quả, thị trường tiêu thụ sẽ sớm ổn định, góp phần tránh những thiệt thòi cho người chăn nuôi chân chính và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng./.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=519930


Tin khác