Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp ngành thủy sản lâm vào tình trạng khó khăn, phải ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu để sản xuất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định vì đã chú trọng tự đầu tư vùng nuôi thủy sản.
Việt Nam hiện đang là một trong 10 nước có giá trị thủy sản xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, thủy sản Việt Nam luôn gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là thủy sản khai thác và tôm nguyên liệu...
Các chuyên gia đều có nhận định, nguyên liệu là thách thức lớn đối với ngành thủy sản năm 2012. Với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, quy hoạch thiếu tổng thể giữa doanh nghiệp chế biến và cơ sở nuôi trồng hải sản, cũng như sự đánh bắt thiếu tổ chức là những nguyên nhân chính khiến nguy cơ thiếu nguyên liệu càng cao hơn. Nếu doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ mang lại lợi ích bền vững cho doanh nghiệp, nông dân và ngành thủy sản Việt Nam. Ngược lại nếu như nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào nông dân thì doanh nghiệp sẽ rơi vào tình thế bị động khi nông dân không được mùa. Do đó sẽ thiếu nguyên liệu cho việc chế biến, xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), những doanh nghiệp không “rơi” vào vòng xoáy khó khăn về vấn để nguyên liệu sản xuất phần lớn là doanh nghiệp có đầu tư vùng nuôi, liên kết nuôi có tổ chức với người nông dân.
VASEP cho biết hiện có ba mô hình liên kết doanh nghiệp – nông dân. Một là nông dân có ao nuôi, doanh nghiệp đầu tư giống, thức ăn. Hai là DN thuê nông dân nuôi. Ba là nông dân tự nuôi, doanh nghiệp chỉ hỗ trợ vốn giai đoạn cuối.
Cả ba mô hình đều đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu, ổn định giá. Hơn nữa, nông dân cũng được nâng cao kỹ thuật nuôi vì DN trực tiếp hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, quy trình nuôi.
Hiện có 70% DN ngành cá, 20% doanh nghiệp ngành tôm có đầu tư vùng nguyên liệu. Thế nhưng số doanh nghiệp đầu tư được đến 100% nguồn nguyên liệu cho chính mình thì rất ít.
Theo khuyến cáo của chuyên gia, để ngành thủy sản vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu muốn phát triển vững vàng và chủ động trong đàm phán giá cả với đối tác cần có vùng nguyên liệu ổn định để quản lý chất lượng đầu vào- đầu ra. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần năng động, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng tiềm năng bên cạnh những thị trường chủ lực của đơn vị.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=521956