“Bẻ kèo” trong sản xuất - tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL - Nông dân, doanh nghiệp “tố” nhau

14/05/2012

Gần đây tại ĐBSCL tình trạng nông dân, doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng sản xuất, thu mua nguyên liệu; tranh chấp, kiện tụng diễn ra phổ biến. Hai chủ thể chính trong mối liên kết chưa thật sự có thiện chí ngồi “chung xuồng” mà ai cũng luôn giành phần lợi tối đa về mình, tố nhau quyết liệt. Cuối cùng, nông dân vẫn luôn gánh chịu thiệt thòi!

Tại anh, tại ả
Kết quả khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ cho thấy: Nông dân than phiền do thường xuyên bị doanh nghiệp ép giá; không chịu chi trả các chi phí phát sinh; không chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro với nông dân. Doanh nghiệp thường không chịu mua theo giá thị trường; hay kiếm cớ chèn ép nhiều mặt khi đến kỳ thu hoạch làm nông dân thua lỗ.
Hiện nhiều nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL yêu cầu trả tiền mặt, đặt cọc hoặc có ngân hàng bảo lãnh trong khi doanh nghiệp thì muốn nợ lại, trả chậm.
Trong khi đó, các doanh nghiệp “tố” ngược lại nông dân: Vì chạy theo lợi nhuận nên hay “bẻ kèo”, phá vỡ hợp đồng, không giữ đúng thỏa thuận ban đầu; thêm phụ gia, chất kích thích, nông dược… khi đến kỳ thu hoạch để làm tăng trọng nhanh cho cá, tôm hay rau củ. Ngoài ra, nông dân không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật nuôi trồng, làm giảm chất lượng. 
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX Cá tra Châu Phú (An Giang) bức xúc: “Quan hệ mua bán giữa nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ đang bất công rất lớn, có tiền lệ rất lâu. Hợp đồng mua bán cá với nông dân giá trị lớn nhưng doanh nghiệp dứt khoát không chịu công chứng, không đặt cọc đồng nào. Vì thế rủi ro rất lớn. Bức xúc nhất là tình trạng chiếm dụng vốn. Chưa có doanh nghiệp nào mua cá tra trả tiền mặt chỉ trả chậm từ 1 tháng đến cả năm. Trong khi nông dân phải vay vốn ngân hàng, trả lãi. Việc bị neo tiền mua cá coi như nông dân lãnh luôn phần lãi ngân hàng của doanh nghiệp. Vì thế, hiện nay hàng ngàn nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL phá sản. Bộ NN-PTNT có thấy không?”.
Ông Nguyễn Văn Nhứt, Phó Tổng giám đốc Công ty Nam Việt (An Giang) phản pháo: “Quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp là trên cơ sở bình đẳng. Yêu cầu doanh nghiệp đặc tiền cọc để đảm bảo tiêu thụ là không khả thi. Vì doanh nghiệp không đủ vốn để mọi việc đều phải đặt cọc được. Làm như thế thì rủi ro cho doanh nghiệp. Tại sao nông dân không đặt cọc ngược lại cho doanh nghiệp để đảm bảo việc bán cá?”
Hài hòa lợi ích, cách nào?
Ông Nguyễn Phương Lam, Trưởng phòng Pháp chế VCCI Cần Thơ nhận định: “Tình trạng phá vỡ hợp đồng bao tiêu nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân diễn ra ngày một nhiều hơn”. Nông dân là người làm ra nguyên liệu chính nhưng thu nhập lại thấp trong chuỗi giá trị sản xuất. Cung cách làm ăn của nông dân còn nhỏ lẻ, mang tính thời vụ, thiếu thông tin về thị trường, ít chịu hợp tác. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư ngược lại cho nông dân trong quá trình sản xuất. Chính quyền chưa đảm nhận vai trò trong việc điều tiết mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân. Vai trò của Hội Nông dân, Hiệp hội ngành nghề, các định chế tài chính trong mối quan hệ giữa các bên còn mờ nhạt.
Để một giao dịch thành công giữa nông dân và doanh nghiệp, các chuyên gia khuyến cáo nhất thiết phải có hợp đồng cụ thể, rõ ràng. Các điều kiện bảo đảm khả năng thanh toán của bên mua, trong đó chú trọng phương thức thanh toán qua ngân hàng và có bảo lãnh của ngân hàng. Đặc biệt, đến lúc phải đặt vấn đề thực hiện bảo hiểm đối với các hợp đồng mua bán nông sản để đảm bảo thành công giữa 2 bên mua - bán.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ kêu gọi nông dân nên tập dần thói quen quan hệ mua bán nông sản qua hợp đồng để bảo đảm quyền lợi, có nhiều cơ hội chọn lựa, hạn chế rủi ro. Đặc biệt phải liên kết lại nâng cao sức mạnh về quy mô, chất lượng sản phẩm, khả năng hiểu biết về pháp lý, thị trường... trở thành đối tác thật sự mà các doanh nghiệp phải nể. Ngoài ra, cần nâng cao vai trò hỗ trợ của các hiệp hội, ngành nghề, cụ thể như hội nông dân cụ thể trong các vấn đề thể chế, pháp lý, kỹ thuật, thị trường...
Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: Cần xây dựng quy hoạch của các ngành, địa phương cho các lĩnh vực có lợi thế, gắn với phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ ngành. Sớm có các chính sách mới về sở hữu đất đai theo hướng thúc đẩy đầu tư dài hạn vào sản xuất. Chương trình hỗ trợ nghiên cứu phục vụ nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành hàng chiến lược. Nâng cao vai trò của chính phủ đảm bảo môi trường ký kết hợp đồng minh bạch và có chế tài đảm bảo. Ưu đãi các doanh nghiệp tư nhân ký hợp đồng với nông dân và các tổ chức nhóm nông dân (về thuế, cấp vốn, giãn nợ, khoanh nợ, tái cấu trúc, xúc tiến thương mại).
Theo Sài Gòn giải phóng

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/thitruongkt/2012/5/288680/


Tin khác