Ngành điều trước nguy cơ cạn kiệt nguyên liệu

22/06/2012

Trong vòng 5 năm qua (2007 - 2012), diện tích điều bị người dân đốn hạ đã lên tới 77.340ha, sản lượng giảm hơn 10.600 tấn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ngành điều phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

DN ngành điều đang đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Giảm cả diện tích lẫn năng suất
Đã có thời gian, điều là cây xóa đói giảm nghèo đối với nông dân khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, khoảng 5-7 năm trở lại đây, điều đang đứng trước nguy cơ thu hẹp diện tích.
Tại “thủ phủ” điều Bình Phước, tính đến thời điểm này, diện tích điều chỉ còn khoảng 15.000ha do người dân chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Thực tế này đã khiến cho 200 cơ sở chế biến hạt điều của tỉnh Bình Phước lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu và có nguy cơ phá sản. Theo ông Trần Ngọc Kinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Bình Phước, mặc dù tỉnh và các cấp đã có một số biện pháp hỗ trợ cho người trồng điều nhưng diện tích điều vẫn liên tục giảm.
Tương tự như ở Bình Phước, diện tích điều tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai cũng giảm mạnh. Hiện, khu vực Tây Nguyên chỉ còn khoảng 83.900ha điều, giảm trên 20.700ha so với năm 2010.
Theo ông Lương Thành Trung, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Đồng Nai, ngoài giá thấp thì một trong những nguyên nhân khiến diện tích điều bị người dân chặt hạ ngày càng nhiều là do thời tiết diễn biến thất thường, không thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của điều. Thời điểm điều ra hoa gặp mưa trái vụ làm giảm khả năng thụ phấn, tỷ lệ đậu trái kém và rụng lá non, dẫn đến năng suất giảm đáng kể. Thời tiết bất thường cũng tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh phá hoại. Theo thống kê của Chi cục BVTV Đồng Nai, trong vài tháng trở lại đây, đã có khoảng 3.300ha điều trên địa bàn tỉnh bị bệnh bọ xít muỗi đỏ, thán thư (tăng gần 1.200ha so tháng 2/2012).
Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, tổng sản lượng thu hoạch toàn niên vụ 2011 - 2012 khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ chỉ đạt 330.000 tấn. Đáng buồn hơn là có tới 50.000ha điều có biểu hiện già cỗi, ảnh hưởng lớn đến năng suất: chỉ đạt 8,5 tạ/ha, giảm 0,1 tạ/ha.
Tập trung cải tạo giống
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Phó chủ tịch Vinacas, hiện sản lượng điều thô của Việt Nam chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu chế biến, 50% còn lại phải nhập khẩu. Từ đầu năm tới nay, kim ngạch xuất khẩu điều nhân của Việt Nam đạt khoảng 484 triệu USD, tăng 30,9% về lượng và 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với sự tăng trưởng này thì tốc độ tăng trưởng của kim ngạch nhập khẩu điều thô cũng ngày một lớn.
Ông Thanh cho rằng, việc nghiên cứu, lai tạo ra giống mới có năng suất cao là việc làm cần thiết. Thực tế, trong chuỗi giá trị hạt điều, khâu trồng và sơ chế có tỷ suất lợi nhuận thấp nhất so với khâu chế biến sâu và phân phối. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần có các giải pháp kịp thời hỗ trợ về tài chính, vốn vay, lãi suất ngân hàng để giúp các DN hồi sinh qua cơn sóng gió.
Nhiều DN ngành điều cho rằng, muốn giữ được sự phát triển liên tục của ngành công nghiệp chế biến – xuất khẩu điều, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải làm tốt công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, giúp nông dân lựa chọn giống tốt, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, để duy trì và tạo được vị thế cũng như uy tín trên thị trường quốc tế, các DN phải nâng cao hơn nữa chất lượng điều nhân. Việc quảng bá về giá trị hạt điều cho người tiêu dùng trong nước cũng là một trong những chiến lược mà các doanh nghiệp cần quan tâm phát triển. Hiện, tỷ lệ tiêu thụ điều nhân trên thị trường nội địa của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5%, quá ít so với tiềm năng vốn còn rất lớn.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/6/34884.html


Tin khác