Tôm chết hàng loạt
Theo công bố mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 2,6 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 1,29 triệu tấn, tăng 3%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 1,31 triệu tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2011.
Về xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2011. Trong 6 tháng đầu năm 2012, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng cao.
Bên cạnh những thành tích đạt được, hoạt động nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm cũng đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi, do dịch bệnh diễn biến kéo dài nên khiến nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nặng nề. Một số tỉnh thiệt hại lớn như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An… và các tỉnh miền Trung, tuy nhiên, hiện vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân tôm chết hàng loạt.
Trao đổi tại cuộc họp báo ngày 19/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, khó khăn nhất cho ngành nông nghiệp từ đầu năm đến nay không phải là dịch lở mồm long móng, cúm gia cầm hay dịch lợn tai xanh mà là bệnh trên tôm. Tình trạng tôm chết hàng loạt đã diễn ra đã hơn 1 năm và hiện đang trở thành “mối đe dọa” cho người nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Đó là đó là thực trạng về chất lượng con giống trong nuôi trồng thủy sản còn thấp, số ượng con giống qua kiểm dịch chưa cao, đặc biệt là tôm giống, tôm bố mẹ hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên và chất lượng chưa được chọn lọc đồng đều. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng thủy sản đang gây ra thiệt hại lớn; nhiều lô hàng thuỷ sản của Việt Nam đã bị cảnh báo từ các nước nhập khẩu về lượng thuốc tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thủy sản; những khó khăn về thiếu nguyên liệu, về tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, đang trở thành nỗi lo đối với các doanh nghiệp thủy sản và có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả tăng trưởng của ngành thủy sản...
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Mặc dù ngành thủy sản trong những tháng cuối năm 2012 sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn, nhưng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, vẫn còn nhiều cơ hội để tăng tốc xuất khẩu thuỷ sản cuối năm 2012. Bởi lẽ, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này trên thế giới rất cao, đặc biệt là mặt hàng cá tra đang rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy ngành thủy sản phát triển hơn nữa, từ nay đến cuối năm cần triển khai mạnh hơn việc kiểm soát chất lượng thủy sản; cần rà soát lại danh mục các loại hóa chất sử dụng trong sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản và có văn bản cấm sử dụng các chất gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và xuất khẩu.
Đối với việc khắc phục dịch bệnh trên tôm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, hiện Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo và tập trung các chuyên gia hàng đầu trong nước và chuyên gia quốc tế để nghiên cứu, xử lý dịch bệnh tôm tại các tỉnh phía Nam, dịch bệnh tôm hùm ở miền Trung. Hiện Bộ cũng đã đề nghị Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) hỗ trợ kỹ thuật, đưa các chuyên gia hàng đầu hỗ trợ giải quyết tình trạng trên.
Cùng với đó, để vượt qua được những khó khăn và phấn đấu đạt được chỉ tiêu toàn ngành đã đề ra, từ nay đến cuối năm 2012, ngành thủy sản cần tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra về chất lượng thủy sản để đảm bảo uy tín và chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu.
Ngoài ra, ngành thủy sản cũng cần tiếp tục tập trung vào tăng diện tích nuôi; hướng dẫn phát triển nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra thâm canh, nhuyễn thể theo các quy trình sản xuất tốt; nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống chất lượng cao, giống sạch bệnh cung cấp đủ cho các vùng nuôi thủy sản của cả nước…
Theo Báo Điện tử Đảng cộng sản
Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=528722