Việt Nam gia nhập WTO-một cách nhìn khác

31/05/2006

Sự kiện Việt Nam chuẩn bị kết thúc các cuộc đàm phán song phương và đa phương để trở thành thành viên chính thức của WTO đang thu hút được sự quan tâm của cả dư luận trong và ngoài nước. Việc ra nhập WTO mang lại những cơ hội, đồng thời có cả những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, đó là điều mà ai cũng đồng tình.

Sự kiện Việt Nam chuẩn bị kết thúc các cuộc đàm phán song phương và đa phương để trở thành thành viên chính thức của WTO đang thu hút được sự quan tâm của cả dư luận trong và ngoài nước. Việc ra nhập WTO mang lại những cơ hội, đồng thời có cả những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, đó là điều mà ai cũng đồng tình. |Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau  về việc Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thuận lợi hơn hay trái lại sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn khi ra nhập WTO, về những kinh nghiệm thành công và thất bại của các nước trên thế giới khi ra nhập WTO và bài học cho Việt Nam, v.v...

Nhằm cung cấp thêm thông tin cho dư luận trong nước về WTO và tác động của việc ra nhập tổ chức này đến tình hình kinh tế-xã hội ở Việt Nam, rộng hơn nữa là về các vấn đề về toàn cầu hóa và các xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới, ngày 29/05/2006 Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan khác (Viện KHXH VN, Bộ KHCN, Liên hiệp các hội KHKTVN và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN) đã tổ chức một buổi tọa đàm với chủ đề “WTO và Việt Nam”. Hai diễn giả chính của buổi tọa đàm là ông Gérard Duménil (chuyên gia về kinh tế và tài chính, Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia - CNRS, cộng hòa Pháp) và ông Le Courrieux (chuyên gia của Hiệp hội đánh thuế các giao dịch tài chính nhằm hỗ trợ công dân-ATTAC, cộng hòa Pháp).

Nội dung trình bày của chuyên gia G.Duménil gồm 4 phần: (1) Tổng quan về tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới; (2) Những nét chính về chủ nghĩa tự do mới; (3) Trật tự kinh tế thế giới hiện nay; (3) Vấn đề ra nhập nền kinh tế thế giới của các nước đang phát triển. Trong khi đó, chuyên gia Le Courrieux lại cung cấp các thông tin về (1) Khía cạnh tổ chức pháp lý của WTO; (2) Thực trạng vòng đàm phán mới đây nhất của tổ chức này-Doha. Ngoài ra hai chuyên gia cũng đưa ra những phân tích, đánh giá của mình về các bài học thành công và thất bại của các nước đang phát triển khi ra nhập WTO.

Theo G.Duménil, tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới trong những năm gần đây liên tục được “khoác” một vẻ bề ngoài đầy lạc quan: tăng trưởng khá và ổn định. Trên thực tế, chỉ một vài “cực” trong nền kinh tế thế giới là đạt được mức tăng trưởng dương, cá biệt như Trung Quốc, Ấn Độ và một vài nước khác có mức tăng trưởng cao, một số trung tâm kinh tế thế giới giữ được sự ổn định tương đối như Bắc Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Các nước còn lại, đặc biệt là các châu Mỹ la tinh, châu Phi và các nước châu Á khác đều rơi vào tình trạng khủng hoảng. Đặc biệt hơn, sự khủng hoảng đó lại gắn liền với sự ra nhập vào nền kinh tế thế giới mà không có một sự chuẩn bị vững chắc như trường hợp của Achentina. Đi sâu hơn vào phân tích, G.Duménil cho rằng, thực trạng kinh tế thế giới hiện nay là hệ quả tất yếu từ trật tự kinh tế mà chủ nghĩa tự do mới đã thiết lập từ cuối những năm 70: Mục đích của chủ nghĩa tự do mới là tự do trao đổi, đặc biệt là trao đổi/giao dịch tài chính, do vậy xu hướng chủ đạo của nó là xóa bỏ mọi hàng rào ngăn cản các luồng trao đổi tài chính xuyên quốc gia. Có một nghịch lý đang diễn ra hiện nay là, dòng vốn chảy từ các nước đang phát triển tới các nước phát triển, thông qua nhiều “hình thức tinh vi” khác nhau, thậm chí còn lớn hơn nhiều lần dòng vốn chảy ngược lại. Chính các tập đoàn tài chính và các công ty xuyên quốc gia của các nước phát triển đang sử dụng vốn của các nước đang phát triển, mà họ nhận được với một lãi suất gần như bằng không (0%), để đầu tư lại chính các nước này với mức lãi suất cho vay cao gầp nhiều lần. Trật tự kinh tế thế giới hiện nay mang tính phân cấp một cách rõ ràng và vẫn đang bị thao túng bởi một siêu cường duy nhất là Hoa Kỳ.

Theo Le Courrieux, người ta thường có xu hướng nhắc tới WTO chỉ như một tổ chức kinh tế-thương mại mà quên đi mất rằng đó thực sự còn là một tổ chức mang tính chính trị-xã hội rất cao, là nơi mà các các quốc gia, các nhóm quốc gia đấu tranh cho quyền lợi của mình. Trên thực tế, WTO đã không chỉ bó hẹp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, mà còn vươn ra các lĩnh vực khác về kinh tế, chính trị, môi trường, công nghệ, phát triển xã hội, v.v.. Về mặt nguyên tắc, tất cả mọi thành viên của WTO đều có quyền tham gia thảo luận các quyết định của WTO, tuy nhiên thực tế chỉ có 4 “cực” trung tâm quyết định các quyết định này là Hoa Kỳ, Canada, EU và Nhật Bản. Trong vòng đàm phán Doha, trong số 21 lĩnh vực (nội dung) được đem ra đàm phán thì chỉ có duy nhất 01 lĩnh vực (nông nghiệp) là được đem ra thảo luận tập thể với sự tham gia của các nước “ngoại vi”, còn lại đều được tiến hành đàm phán song phương. Nói cách khác, ngay cả trên bình diện tổ chức và pháp lý, thì WTO cũng hoàn toàn không phải là một sân chơi “bình đẳng”.

Những bài học trong thực tế về việc ra nhập WTO dường như không mấy sáng sủa: Ngoại trừ trường hợp của Trung Quốc tương đối thành công khi ra nhập WTO mà vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhờ vào chính sách kiểm soát tài chính vĩ mô chặt chẽ, chính sách duy trì một đồng nhân dân tệ “yếu” (so với đồng đôla), lợi thế về giá nhân công, v.v... còn các nước đang phát triển khác đều gặp phải nhiều khó khăn hơn là thuận lợi khi ra nhập tổ chức thương mại thế giới này.

Trong phần các ý kiến phản hồi, bà Phạm Chi Lan, Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cho rằng: Các cơ quan chức năng của Việt Nam ý thức được một cách đầy đủ những cơ hội và thách thức mà việc ra nhập WTO có thể tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam cũng như các khía cạnh khác của đời sống xã hội. Theo bà, một thực tế cần phải thừa nhận là việc ra nhập WTO là một yêu cầu hoàn toàn khách quan xét trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam cũng như của thế giới. Mặt khác, cho tới nay cũng chưa từng có một nước nào, dù đạt được thành công nhiều hơn hay chịu thất bại nhiều hơn khi ra nhập WTO, lại xin rút ra khỏi tổ chức này. Bên cạnh việc tìm hiểu và học hỏi từ các bài học thành công cũng như thất bại của các nước khác khi ra nhập WTO, Việt Nam cần và hoàn toàn có nhiều cơ hội để tìm ra giải pháp tốt nhất cho riêng mình.

Có thể nói, việc cung cấp những cách nhìn khác nhau về WTO và việc ra nhập tổ chức này của Việt Nam là điều rất hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp trong nước và các lực lượng xã hội khác.

Vi Dũng


Tin khác

©2020 Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - IPSARD
Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Tel: 04-39722067, Fax: 84-4-39711062, Email: viencscl@ipsard.gov.vn
Số giấy phép 234/GP-BC