Dành 5.400 tỷ đồng gỡ khó cho người nuôi cá tra

27/06/2012

Chiều (26/6), tại UBND tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất và tiêu thụ cá tra 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012. Bộ trưởng Bộ NN và PTNT – Cao Đức Phát đã đến dự và chủ trì hội nghị.

Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến tháng 6 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang thả nuôi 4.541ha, diện tích thu hoạch 2.001ha đạt sản lượng 533.352 tấn, năng suất trung bình đạt 265,2 tấn/ha. Sản lượng ước đạt cuối năm 2012 là 700.000 tấn. So với cùng kỳ năm 2011, trong 6 tháng đầu năm 2012 giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu cơ bản ổn định ở mức 23.800 – 24.200 đồng/kg.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá bán cá tra nguyên liệu dao động mạnh, liên tục giảm sút, đặc biệt là kể từ cuối quý I/2012 đến nay tình hình nuôi và chế biến cá tra gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu vốn. Doanh nghiệp thiếu vốn để thu mua cá nguyên liệu cho người nuôi và người nuôi không có vốn để tiếp tục đầu tư. Giá cá tra nguyên liệu vào thời điểm tháng 5 dao động ở mức 23.000- 23.500 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 20.000 – 22.000 đồng/kg.
Theo ông Dương Ngọc Minh – Phó chủ tịch hiệp hội thủy sản (VASEP), hiện nông dân và doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ cá tra đều gặp khó khăn chung về vốn, nhất là khi phải đáo nợ ngân hàng. Để đầu tư nuôi 1ha cá tra người nuôi cần từ 6-8 tỷ đồng nhưng rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng. Ngân hàng định giá ao nuôi để thế chấp cho vay theo giá đất nông nghiệp là không hợp lý, vì giá trị hàng hóa nuôi cá cao gấp nhiều lần trồng lúa. Mặt khác số tiền được vay chỉ bằng 50% giá trị thế chấp nên không đủ cho chi phí mua thức ăn, dẫn tới người nuôi phải vay doanh nghiệp chế biến hoặc vay ngoài với lãi suất cao.
Đối với doanh nghiệp, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với sản xuất và tiêu thụ cá tra đó là thiếu niềm tin giữa ngân hàng với doanh nghiệp và người nuôi. Chi phí sản xuất, vận tải, thức ăn,… đều tăng so với năm 2011 lên 40%, đây là áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.
Việc tổ chức xuất khẩu hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, tình trạng cùng một thị trường nhập khẩu nhưng có quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chào bán, có tình trạng phá giá lẫn nhau, cạnh tranh không lành mạnh,…
Trước vấn đề giá cá đang ở mức thấp nhưng chi phí đầu tư lại cao, mỗi kg cá người nuôi có thể lỗ từ 2.000 – 5.000 đồng/kg nên nhiều doanh nghiệp cũng như hộ nuôi đã đưa ra nhiều vấn đề khó khăn để cùng tháo gỡ.
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp): “Khó khăn của việc sản xuất và tiêu thụ cá tra do thị trường xuất khẩu đang gặp khó và thừa sản lượng đã dẫn đến tình trạng sụt giảm giá cá tra. Thu hoạch cá tra của doanh nghiệp và người dân cùng thời điểm nên khó tiêu thụ hết trong một lúc. Ngoài ra, còn do nguyên nhân là do chưa có nguồn thông tin chuẩn xác về diện tích ao nuôi, về giá để doanh nghiệp có thể đưa ra những gói giải pháp kịp thời để khắc phục việc sụt giảm giá” .
Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Còn theo ông Huỳnh Minh Đoàn – Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: “Ngân hàng cần “bơm” vốn cho các doanh nghiệp theo tỷ lệ cho những địa phương nào có diện tích nuôi nhiều nhưng phải chuyển nguồn vốn vay đó đến trực tiếp với những hộ dân bán cá cho doanh nghiệp để hạn chế được tình trạng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khác và ngâm vốn của người dân”.
Một số đại biểu khác cho rằng, khó khăn của ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra hiện nay là do các doanh nghiệp kinh doanh chưa hiệu quả, chính quyền địa phương còn chú trọng đến thành tích, tăng trưởng mà chưa quan tâm đến việc quản lý sản xuất cũng như tiêu thụ. Cần phải rà soát, tổ chức lại các hộ nuôi theo quy hoạch của địa phương, chấp nhận tình trạng sáp nhập hay giải thể các doanh nghiệp không đủ sức kinh doanh trong lĩnh vực này để có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.
Để tháo gỡ tình trạng khó khăn này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Ngành sản xuất, chế biến cá tra tiếp tục có bước phát triển, kim ngạch xuất khẩu tăng, diện tích và sản lượng cũng đều tăng. Tuy nhiên, nguồn cá tra nguyên liệu trong nước tăng quá nhanh (diện tích tăng 14,1%, sản lượng tăng 24,1%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,1%) trong khi nhu cầu của thị trường thế giới lại sụt giảm đã dẫn đến tình trạng cá rớt giá. Giải pháp để giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt là nhanh chóng đầu tư vốn cho doanh nghiệp để mua cá trong dân, trong gói cho vay ưu đãi 9.000 tỷ đồng sẽ dành cho người nuôi 5.400 tỷ, 3.600 tỷ còn lại dành cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với tổ chức VASEP cần thông tin thường xuyên về giá cả thị trường, về vùng nuôi, chống tình trạng bán phá giá, gian lận thương mại, sử dụng chất cấm. Về phía người nuôi, ngành chức năng rà soát, kiểm tra các cơ sở nuôi cá nguyên liệu cũng như ương giống phải đảm bảo chất lượng và theo quy hoạch của địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Và phương án tốt nhất để tháo gỡ khó khăn là doanh nghiệp cùng Chính phủ mở rộng thị trường quốc tế, tiếp tục xúc tiến thương mại là yếu tố quyết định cho sự thành công. Cần thiết cho ra đời một tổ chức điều phối giữa sản xuất và chế biến đó là Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Đây sẽ là tổ chức nắm bắt những diễn biến của thị trường cũng như nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp, người nuôi để có những biện pháp khắc phục, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho ngành sản xuất, tiêu thụ và chế biến cá tra”.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/6/34999.html


Tin khác