An ninh lương thực- Vấn đề sống còn

29/06/2012

Ngày 28/6 Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức hội thảo “An ninh lương thực Việt Nam - Thực trạng, chính sách và triển vọng” tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có ông Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện IPSARD; PGS. TS C.Peter Timmer - Trung tâm phát triển toàn cầu, đại học Stanford, Hoa Kỳ; TS. Steven Jaffe - Điều phối viên Chương trình hợp phần phát triển nông thôn, ngân hàng thế giới.
Từ trái sang: TS. Steven Jaffe - TS. Đặng Kim Sơn - GS. TS C.Peter Timmer trả lời tại Hội thảo (Ảnh: AGROINFO)
Vấn đề an ninh lương thực đã và đang trở thành vấn đề cấp bách của toàn xã hội. Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đang trong nhóm dẫn đầu các nước phát triển lương thực lúa gạo. Gần đây khoảng 1/3 sản lượng quốc gia và 70% sản lượng của Đồng bằng sông Cửu Long đã được xuất khẩu. Những thành công về tăng năng suất, sản xuất lúa gạo đã đóng vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, tạo nền tảng vững chắc góp phần vào an sinh xã hội và sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Mặc dù dư thừa lượng cung lương thực lớn theo mùa hàng năm, nhưng gạo đóng góp rất ít trong giảm thiểu suy dinh dưỡng ở trẻ em và người nông dân sản xuất lúa gạo được hưởng rất ít từ những đợt tăng giá. Hiện nay giá thành của gạo đang bị giảm xuống do chi phí đã vượt qua mức tăng của giá lúa. Bên cạnh đó, những chuỗi giá trị ngành lúa gạo của Việt Nam vẫn khá rời rạc, chỉ có rất ít sự phối hợp bên trong và đổi mới về sản phẩm cũng như quy trình, các hệ thống khuyến khích, hỗ trợ quản lý chất lượng vẫn còn yếu kém… Tuy nhiên, theo TS. Đặng Kim Sơn dự báo thì từ 10 - 20 năm tới Việt Nam vẫn là nước có dư thừa gạo để xuất khẩu. Hơn nữa, so với các nước trên thế giới, Việt Nam sản xuất lúa gạo có tính ổn định hơn, năng suất ngày càng tăng. Điển hình từ trên 10 nghìn tấn gạo năm 1990 lên trên 21 nghìn tấn gạo năm 2010. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục là điểm sản xuất lúa gạo trọng điểm của Việt Nam với khoảng 1,4 triệu hộ trồng lúa…
Qua thảo luận và phân tích tại hội trường, các chuyên gia đầu ngành về lương thực trong và ngoài nước đã đưa ra một số kiến nghị để phát triển và đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam. Trong đó, tập trung vào việc cần tiếp cận linh hoạt hơn đối với quy hoạch và sử dụng đất; thực hiện các chiến lược hỗ trợ khác nhau ở cấp vùng, tỉnh và giữa các hộ gia đình khác nhau; tăng cường chiến lược đa ngành để giải quyết vấn đề an ninh lương thực ở hộ gia đình đồng thời giảm đáng kể suy dinh dưỡng ở trẻ em; tách biệt hẳn các hệ thống, chiến lược đối với xuất khẩu gạo mang “tính xã hội” và thương mại; Chính phủ cần định hướng lại trọng tâm chuyển từ các chức năng thương mại sang tập trung vào các mục tiêu xã hội.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Nguồn:http://dddn.com.vn/20120628031251475cat187/an-ninh-luong-thucvan-de-song-con.htm


Tin khác