QĐ thu mua tạm trữ 500.000 tấn gạo: Thị trường lúa gạo sẽ phục hồi?

16/07/2012

Gần đây, khi nhiều địa phương ở ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ lúa hè thu, giá lúa xuống thấp trong khi chi phí sản xuất đều tăng, năng suất lúa lại giảm khiến nông dân khó kiếm lời.

Thu mua lúa gạo cho nông dân tại Nhà máy Ninh Quới (Hồng Dân-Bạc Liêu).
Với việc Chính phủ quyết định mua tạm trữ tối đa 500.000 tấn gạo trong vụ hè thu 2012, tiểu thương và nông dân kỳ vọng thị trường lúa gạo sớm có chuyển biến tích cực.
Vài tuần qua, nhiều địa phương ở ĐBSCL thu hoạch rộ lúa hè thu khiến lượng lúa hàng hóa trong dân tăng mạnh. Tuy nhiên, hoạt động thu mua lúa gạo của doanh nghiệp vẫn diễn ra khá chậm làm giá lúa gạo trên thị trường giảm sâu.
Trong tuần đầu tháng 7, giá lúa tại ĐBSCL giảm 200-300 đồng/kg so với 2 tuần trước đó và giảm 500-700 đồng/kg so với hồi đầu năm 2012. Cụ thể, lúa tươi IR50404 và nhiều loại lúa tròn chỉ còn 4.000-4.100 đồng/kg, lúa khô 4.600-4.800 đồng/kg. Giá lúa tươi hạt dài bán tại ruộng ở mức 4.200-4.400 đồng/kg, lúa khô 4.900-5.300 đồng/kg; lúa thơm 5.200-5.400 đồng/kg (đối với lúa tươi) và 6.600-6.900 đồng/kg (lúa khô).
Theo nhiều tiểu thương kinh doanh lúa gạo, khi nghe thông tin Chính phủ quyết định hỗ trợ 100% lãi suất cho doanh nghiệp mua tạm trữ 500.000 tấn quy gạo trong vụ hè thu 2012, thực hiện từ 10/7 đến 10/8/2012, hoạt động thu mua lúa đã được tiểu thương đẩy mạnh. Tại nhiều nơi, tiểu thương đã mạnh dạn tăng giá thu mua lúa cho nông dân thêm 50-100 đồng/kg đối với hộ có diện tích lớn và những nơi đường giao thông thuận tiện cho việc thu mua. Tuy nhiên, mặt bằng chung, giá lúa tại ĐBSCL chưa thể hiện rõ xu hướng tăng giá.
Anh Đặng Văn Nghĩa ở quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), chuyên đi mua lúa về xay gạo bán cho doanh nghiệp xuất khẩu, cho biết: "Tại TP.Cần Thơ, hiện lúa hè thu chỉ còn tập trung nhiều ở hai huyện Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ. Tuy nhiên, lượng lúa hàng hóa tại vùng ĐBSCL còn khá dồi dào do nhiều địa phương có diện tích lúa lớn mới bắt đầu bước vào thu hoạch rộ. Hiện nay, nhiều tiểu thương sợ phải đi xa thu mua lúa, tốn nhiều chi phí vận chuyển nên mạnh dạn tăng giá thu mua lúa đối với những hộ dân sản xuất lúa có diện tích lớn nằm ở những vị trí thuận tiện... Giá thu mua gạo lứt nguyên liệu của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp chỉ mua hàng cầm chừng và mua gạo nợ tiền của tiểu thương vài ngày nên tiểu thương rất khó thực hiện việc tăng giá lúa cho nông dân cũng như đẩy mạnh hoạt động thu mua lúa".
Theo nhiều nông dân, vụ hè thu 2012, giá nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng, sâu bệnh nhiều và giá thuê mướn nhân công ở mức cao nên chi phí sản xuất lúa tăng thêm 300.000-400.000 đồng/công (1 công = 1.000m2), lên mức 1,7-2,3 triệu đồng/công. Trong khi đó, năng suất của nhiều ruộng chỉ đạt 25-32 giạ lúa tươi/công. Với giá lúa như hiện nay, đa số nông dân chỉ hòa vốn, nếu có lãi cũng rất ít. Nông dân mướn đất để sản xuất lúa trong vụ hè thu này đều lỗ do giá thuê mướn đất đang ở mức 0,8-1,4 triệu đồng/công/vụ.
Anh Đoàn Mạc Tiêu ở xã Thạnh Tiến (huyện Vĩnh Thạnh) cho biết: "Vụ này tôi làm lúa Jasmine, do sâu bệnh nhiều nên chi phí sản xuất tính sơ sơ đã lên đến 2,3 triệu đồng/công, trong khi năng suất chỉ đạt 25 giạ/công và giá lúa chỉ ở mức 5.300 đồng/kg. Nhưng vì là đất thuê mướn nên vụ này tôi bị lỗ trên 1 triệu đồng/công".
Với giá lúa tươi 4.200-4.300 đồng/kg, nông dân trồng lúa khó kiếm lời. Nếu phơi lúa dự trữ, chờ giá tăng cũng gặp nhiều rủi ro vì gần đây, thương lái chỉ tập trung thu mua lúa tươi được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp ngay tại ruộng, không thu mua lúa khô.
Theo nhiều nông dân trồng lúa ở TP. Cần Thơ, tình trạng nông dân phải bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái đã trở nên phổ biến trong 2 vụ gần đây. Bán lúa tươi ngay tại ruộng, nông dân được lợi là không phải lo chuyện phơi sấy, vận chuyển và bảo quản lúa sau thu hoạch. Nhưng ngược lại, bà con rất dễ bị thiệt về giá.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác