Trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, ngành lâm nghiệp đã có đóng góp nhất định vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Trong đó, rừng và đất lâm nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.
Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2012
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Tọa đàm “Quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp: Hiện trạng và thách thức”
Trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, ngành lâm nghiệp đã có đóng góp nhất định vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Trong đó, rừng và đất lâm nghiệp đóng vai trò rất quan trọng .
Với vị trí địa lý tự nhiên 2/3 lãnh thổ Việt Nam là đồi núi, đất lâm nghiệp chiếm 57% trong tổng số 26,2 triệu ha diện tích đất nông lâm nghiệp; đồng thời, đất lâm nghiệp là nơi cư trú, tạo sinh kế của 25 triệu dân, chủ yếu là đòng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, bên cạnh đó Rừng có vai trò rất lớn trong bảo vệ môi trường, nhất là trong bối cảnh Biến đổi khí hậu hiện nay.
Việc tăng cường quản lí, sử dụng hiệu quả và bền vững rừng, đất lâm nghiệp cũng như đổi mới phương thức quản lý và phát triển nông lâm trường được Bộ Chính trị và Chính phủ đặc biệt quan tâm và được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 28 NQ-TW ngày 16 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị và Nghị định số 200/2004-CP ngày 3 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh.
Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị và Chính phủ, tình hình quản lí và sử dụng đất lâm nghiệp, đặc biệt là đất nông, lâm trường đã có những bước tiến bộ đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Rừng và đất lâm nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn cần giải quyết như: Áp lực đầu tư đang đổ lên rừng và đất lâm nghiệp khi mà hiệu quả đầu tư ở đồng bằng bị hạn chế (để bảo vệ đất lúa); việc sử dụng đất lâm nghiệp đang bị coi là kém hiệu quả; tái cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần được bắt đầu từ cơ cấu lại không gian và ngành sản xuất. Vấn đề quản lí đất lâm nghiệp; những hiện trạng, xu hướng và thách thức như một bài toán đang là vấn đề được đặt ra cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu chính sách tìm lời giải.
Để cung cấp thêm thông tin về hiện trạng phân bổ đất lâm nghiệp hiện nay và các chính sách quản lý đất lâm nghiệp được triển khai trong thời gian vừa qua cũng như phân tích tính khả thi của một số Dự án góp vốn bằng quyền sử dụng đất lâm nghiệp, ngày 19 tháng 7 năm 2012, tại Hà Nội, Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức buổi Tọa đàm “Quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp: Hiện trạng và thách thức”.
Tham gia Tọa đàm có Đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Cục kinh tế hợp tác, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT, CIEM, IFAD, Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam, IPSARD, cùng các công ty lâm nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền hình.
VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NNNT