Diện tích trồng mía toàn khu vực ĐBSCL niên vụ 2012-2013 là 51.800 ha, tăng so với niên vụ trước hơn 200 ha. Trong đó, tỉnh Hậu Giang có diện tích trồng mía lớn nhất với 14.167 ha và cũng là địa phương có vùng mía nguyên liệu bị lũ uy hiếp hằng năm cao nhất. Ông Lê Văn Đời, PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, năm nay diện tích mía của tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ vào khoảng 9.000 ha (tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và TX Ngã Bảy), với sản lượng khoảng 800.000 tấn mía cây phải thu hoạch trước ngày 30/11 để tránh bị thiệt hại. Với sản lượng mía này, nếu 3 nhà máy trên địạ bàn tỉnh (gồm nhà máy đường Long Mỹ Phát và 2 nhà máy của CASUCO là Phụng Hiệp, Vị Thanh) phải chạy hết công suất trong thời gian 100 ngày mới giải quyết xong.
|
Bán mía non, cả nhà máy và nông dân đều bị thiệt
|
Do đó, tỉnh đề xuất 2 phương án vào vụ ép: 1/- Vào vụ ép từ ngày 15/8, sớm hơn 40 ngày so với niên vụ 2011-2012, để các nhà máy có đủ thời gian tiêu thụ hết diện tích mía bị ngập lũ cho nông dân. 2/- Vào vụ từ đầu tháng 9 thì lượng mía chạy lũ ở Hậu Giang sẽ cần các nhà máy lân cận tiêu thụ tiếp khoảng 120.000-150.000 tấn mía cây, tùy mức độ lũ về sớm hay muộn.
Theo ông Đời, sở dĩ ngành đề xuất phương án cho các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh vào vụ sớm là do năm ngoái lũ ngập sâu, nông dân không trồng lúa trên liếp mía nên có thời gian xuống giống mía sớm hơn mọi năm khoảng 1 tháng. Năm nay tỉnh đã có chủ trương làm đê bao bảo vệ vùng mía bị ngập sâu ở Phụng Hiệp nhưng do còn vướng mía của nông dân chưa thể triển khai. Do đó, cần có nhà máy vào vụ ép để nông dân thu hoạch mía, trả lại mặt bằng thi công cho kịp trước khi lũ về. Hơn nữa, nếu thu hoạch trễ hơn, nông dân không thể trồng lấp lại vụ lúa, toàn tỉnh sẽ mất đi khoảng 5.000 ha, tương đương với sản lượng lúa bị sụt giảm là 30.000 tấn. Với giá lúa vào khoảng 5.000 đồng/kg thì toàn tỉnh đã mất 150 tỷ đồng...
Ông Lê Văn Hiệu, TGĐ Cty CP Mía đường Tây Nam (có 2 nhà máy đặt tại Cà Mau và Kiên Giang) cho rằng, nếu thu hoạch mía sớm ngay từ đầu tháng 8 thì sản lượng mía sẽ mất đi ít nhất là 15%, chữ đường cũng rất thấp. Khi đã có nhà máy chạy là nông dân sẽ thu hoạch, bất kể mía đủ chữ đường hay chưa. Thực tế hiện nay đã có thương lái vào vùng nguyên liệu mà Cty Tây Nam hỗ trợ nông dân đầu tư thu mua mía với giá 700 đồng/kg. Ông Hiệu khẳng định, nếu vào vụ trễ mà các nhà máy đường của Hậu Giang ép không hết mía chạy lũ cho nông dân thì Cty sẵn sàng hỗ trợ chạy tiếp khoảng 1 tháng với khoảng 60.000 tấn mía cây.
Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký HHMĐVN, hiện nay cả nước có 42 nhà máy đường, với sản lượng ép niên vụ 2011-2012 đạt gần 1,4 triệu tấn, đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, hiện nay các nhà máy đường và các Cty thương mại thuộc Hiệp hội đang tồn kho khoảng 250.000 tấn đường (chưa kể lượng đường tồn trong lưu thông phân phối). Do trong năm 2012 cơ quan chức năng đã cấp hạn ngạch cho một số đơn vị NK 70.000 tấn đường, đó là chưa kể lượng đường nhập lậu cũng rất lớn (ước tính vào khoảng 300.000 tấn). Do đó, nguồn cung đường hiện nay vẫn khá dồi dào, không nhất thiết các nhà máy đường phải vào vụ ép sớm.
Theo dự báo, sản lượng đường trong niên vụ 2012-2013 của cả nước sẽ tăng ít nhất là 10%. Ngoài ra, đường sản xuất của một số DN Việt Nam đầu tư ở Lào và Campuchia đang xin nhập về nước một lượng đáng kể, đường lậu vẫn tiếp tục hoành hành thì chắc chắn giá đường sẽ không tăng, mà có thể sẽ còn sụt giảm.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HHMĐVN cho rằng, hiện nay các nhà máy đường ở ĐBSCL đang có sức canh tranh kém nhất so với cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động kém hiệu quả, hiệu suất thu hồi đường trên mía ở ĐBSCL rất thấp, chẳng hạn như nhà máy Long Mỹ Phát lên đến 14 mía/1 đường, còn bình quân cả vùng là 12,07 mía/đường. Trong khi đó, phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên chỉ ở mức 10,54-10,65 mía/1 đường. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do chúng ta thường vào vụ sớm, ép mía non nên hiểu quả không cao. Theo kết quả kiểm tra mẫu nguyên liệu của các nhà máy đường, hiện chất lượng mía nguyên liệu còn rất thấp, dao động từ 4-6,5 chữ đường. Vì vậy, Hiệp hội đề xuất các nhà máy chỉ nên vào vụ ép từ đầu tháng 9 (đã sớm hơn niện vụ trước 25 ngày) để đảm bảo lợi ích cho cả người nông dân lẫn nhà máy đường. Riêng các nhà máy trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, sẽ bắt đầu vào vụ từ ngày 20/8 để giải quyết mía chạy lũ cho nông dân.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/98841/Khong-nen-ep-mia-qua-som.aspx