“Liên minh gạo” Đông Nam Á bị nghi ngờ tính khả thi

28/08/2012

5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang bàn bạc tiến tới thành lập một liên minh gạo, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, ý tưởng này khó thành hiện thực.

Theo báo Wall Street Journal, sự ra đời của một liên minh gạo nhằm thúc đẩy tăng giá gạo và kim ngạch xuất khẩu gạo của các nước Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar có thể sẽ vấp phải sự phản đối của các nước nhập khẩu gạo. Chưa kể, báo này chỉ ra rằng, 5 quốc gia đã có tiền lệ thất bại trong việc hợp tác nhằm tăng giá gạo.
Nông dân trên cánh đồng lúa ở Thái Lan
 
Ý tưởng lập liên minh gạo lần này được đưa ra trong bối cảnh giá gạo gần như đi ngang từ đầu năm đến nay, trong khi giá các mặt hàng lúa mỳ, ngô và đậu tương đã tăng mạnh do thời tiết khô hạn ở các quốc gia sản xuất.
Theo thông tin mà ông Yanyong Phuangrach, Thư ký thường trực Bộ Thương mại Thái Lan, đưa ra ngày 23/8, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar sẽ thành lập liên minh để chia sẻ thông tin và hợp tác trong các vấn đề sản xuất và quảng bá gạo. Mục tiêu cuối cùng của liên minh, theo ông Yanyong, là tăng giá xuất khẩu gạo. Theo dự kiến, liên minh sẽ chính thức thành lập trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Việt Nam và Thái Lan thường xuyên kiểm soát gần một nửa lượng xuất khẩu gạo của thế giới. Tuy nhiên, theo tính toán của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) có trụ sở ở London, tổng thị phần của Việt Nam và Thái Lan trong xuất khẩu gạo toàn cầu sẽ giảm xuống mức 38% trong năm nay, khi mà Ấn Độ vượt lên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất. 
Wall Street Journal cho rằng, động thái thành lập một liên minh xuất khẩu gạo của 5 nước Đông Nam Á là một phản ứng trước thị phần xuất khẩu gạo gia tăng của Ấn Độ. Xuất khẩu gạo của Ấn đã tăng mạnh sau khi nước này bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thường sau 3 năm rưỡi vào tháng 9 năm ngoái.
Ông Chiaki Furi, Giám đốc điều hành công ty môi giới hàng hóa Agrow Enterprise ở Bangkok, nhận xét, nếu nỗ lực lập liên minh gạo muốn thành công, thì cần phải có sự góp mặt của Việt Nam.
Trên thực tế, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thường vào năm ngoái, cho dù Thái Lan vận động các quốc gia xuất khẩu khác giữ giá cao. Bởi thế, một số người tỏ ra hoài nghi về khả năng thành công của liên minh gạo.
“Một liên minh gạo sẽ không thành công. Việt Nam đã có mức giá xuất khẩu gạo tối thiểu nhưng các thương nhân vẫn tiếp tục bán gạo dưới mức giá này để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”, ông Tejinder Narang, một lãnh đạo của công ty giao dịch hàng hóa Emmsons International ở New Dehli, nhận xét.
Một quan chức giấu tên của Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), công ty xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, cảnh báo rằng, những nỗ lực tăng giá gạo sẽ vấp phải sự phản đối trên toàn cầu, vì trên thế giới vẫn đang có nhiều người bị thiếu lương thực.
Không giống như giá các mặt hàng nông sản khác, giá gạo khá ổn định từ đầu năm đến nay nhờ lượng hàng tồn kho dồi dào và vụ mùa bội thu ở các nước xuất khẩu.
Tuy nhiên, giá gạo được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của hạn hán ở nhiều vùng của Ấn Độ, cũng như những biến động mang tính thời vụ trước khi vụ gặt diễn ra ở Đông Nam Á vào tháng 10. Dù không có liên minh gạo, giới quan sát vẫn dự báo giá xuất khẩu gạo trắng tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan sẽ tăng lên mức 600 USD/tấn, FOB, trong thời gian không xa.Vào tháng 11 năm ngoái, giá gạo này đạt đỉnh của 3 năm ở mức 650 USD/tấn.
Với tư cách là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Thái Lan từ lâu đã luôn dẫn đầu các nỗ lực tăng giá gạo. Nước này hiện vẫn đang thực hiện một chương trình tốn kém trong đó Chính phủ mua thóc từ nông dân với giá trên mức giá thị trường để tăng thu nhập cho vùng nông thôn. Kho thóc tạm trữ của Thái Lan hiện đã ở mức lớn kỷ lục 16 triệu tấn nhưng nước này vẫn chần chừ chưa muốn xả hàng vì sợ gạo mất giá.
Mới đây, Thái Lan đã có nỗ lực tương tự để tăng giá cao su. Đầu tháng này, 3 nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia, hợp tác tuyên bố cắt giảm lượng cao su xuất khẩu để giữ giá. Trước đó, giá cao su đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm do nhu cầu suy yếu. Việt Nam cũng là một nước sản xuất cao su lớn nhưng không tham gia vào liên minh này.
Theo giới quan sát, nỗ lực thúc đẩy giá gạo bằng cách lập liên minh có thể đặt Thái Lan vào thế “khó xử” với Indonesia, một nước nhập khẩu gạo lớn.
Theo ông Mohammad Ismet, cựu cố vấn cơ quan lương thực của Indonesia, Bulog, cho rằng, nếu giá gạo toàn cầu tăng cao hơn, Indonesia sẽ phản ứng bằng cách tăng giá thu mua gạo trong nước để tăng mua và tạm trữ.
“Chẳng có cơ sở hợp lý nào để thành lập một liên minh như thế cả. Rõ ràng, các nước nhập khẩu gạo truyền thống như Indonesia và Philippines cảm thấy bị ảnh hưởng”, ông Ismet nói.
Một quan chức của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết, kế hoạch lập liên minh gạo không nhận được sự ủng hộ của hiệp hội này. “Sẽ là sai lầm nếu gọi đây là một kế hoạch của ASEAN”, vị này phát biểu. Hiện Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar đều là thành viên ASEAN.
10 nước ASEAN cùng với 3 nước tiêu thụ gạo lớn khác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc mới đây đã lập một dự trữ gạo 787.000 tấn dành cho trường hợp khẩn cấp như thiên tai. Trong khi đó, theo vị quan chức ASEAN nói trên, kế hoạch lập liên minh gạo của 5 nước chủ yếu là nhằm mục đích thương mại.
Theo VnEconomy

 


Tin khác