Sản xuất lúa ở ĐBSCL: Mất hàng chục nghìn tỷ đồng vì thiếu máy móc

23/10/2012

Theo ước tính của các chuyên gia, trung bình mỗi năm khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiệt hại tới nửa tỷ USD (tương đương cả chục nghìn tỷ đồng) vì thiếu các loại máy móc phục vụ thu hoạch, bảo quản lúa.

Cần thêm 8.000 máy sấy
Hiện tại, tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch tại ĐBSCL chỉ đạt 40%, trong khi tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch (STH) vẫn ở mức cao, tới 13%. Theo Bộ NNPTNT, hiện nay ở khu vực ĐBSCL có 9.600 máy sấy, đáp ứng được khoảng 45-50% lượng lúa thu hoạch vụ hè thu (tương đương khoảng 8 – 8,5 triệu tấn).
Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL còn rất thấp.
 
Với sản lượng lúa còn lại, ĐBSCL cần có thêm khoảng 8.000 máy sấy với năng suất trung bình 8,8 tấn/mẻ. Riêng khâu thu hoạch, đến nay ĐBSCL có 12.234/máy gặt lúa, trong đó máy gặt đập liên hợp (GĐLH) là 8.698 chiếc, chiếm 71%. Số máy trên chỉ đáp ứng được 56% diện tích lúa được gặt bằng máy.
Việc thu hoạch lúa bằng máy có lợi ích là giảm được chi phí, bình quân chi phí gặt bằng máy chỉ hết 2,1 triệu đồng/ha, tiết kiệm 900.000 đồng/ha so với thu hoạch bằng tay. Hơn nữa, việc dùng máy GĐLH, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái và thương lái thực hiện việc làm khô lúa tại các lò sấy dịch vụ quy mô lớn.
GS - TS Bùi Chí Bửu – Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam đưa ra con số so sánh: Tỷ lệ thất thoát lúa sau thu hoạch tương đương kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2010 (khoảng 400 – 500 triệu USD).
“Chưa ở đâu như ở nước ta, sau hơn 20 năm, nhưng chỉ có Nhà nước đầu tư cho công nghệ STH. Trong khi các nước trong khu vực, doanh nghiệp đầu tư rất mạnh. Hình ảnh nông dân phơi lúa trên sân, trên đường giao thông hiện nay còn rất nhiều. Nông dân đang chờ doanh nghiệp đầu tư các dịch vụ STH, giảm thiểu thất thoát nông sản, tăng cường giá trị hạt lúa, để hạt gạo Việt Nam có thương hiệu trên thị trường quốc tế, tiếp cận thị trường bền vững hơn”.
Thiếu người điều khiển
Trên thực tế, ở khu vực ĐBSCL hiện nay, ngoài vấn đề thiếu máy gặt, còn có tình trạng thiếu lao động (cụ thể là tài xế), khiến cho nông dân không dám đầu tư mua máy GĐLH. Để điều hành 1 máy GĐLH cần 1 tài xế và 2-4 người hỗ trợ việc đóng bao. Theo ông Phạm Xuân Phú (Trường Đại học An Giang), hầu hết các tài xế đều không được đào tạo một cách bài bản, chủ yếu là những người đã từng lái máy cày, máy kéo chuyển sang, nhưng số lượng tài xế này cũng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng máy GĐLH. Quan hệ giữa chủ máy và tài xế rất lỏng lẻo, 100% là hợp đồng bằng miệng nên chỉ cần có bất đồng là tài xế sẵn sàng bỏ đi, gây nhiều thiệt hại cho chủ máy.
Theo khảo sát, toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 6.500 máy GĐLH, nhưng toàn bộ người điều khiển số máy này chưa qua đào tạo. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thu hoạch lúa bằng máy ở ĐBSCL.
Còn TS Nguyễn Văn Khải – Phó Trưởng bộ môn Kỹ thuật cơ khí - Khoa Công nghệ (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, khảo sát sơ bộ ở Bạc Liêu, Cà Mau cho thấy hiện nay tỷ lệ thất thoát do máy GĐLH còn nhiều do người điều khiển chọn sai chế độ làm việc của máy hoặc chạy quá nhanh... TS Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: “Ngoài việc ứng dụng cơ giới trong sản xuất, cần thiết quan tâm đến phát triển cơ sở chế biến (sơ chế) và dịch vụ cơ khí (xưởng sửa chữa, cung cấp vật tư, phụ tùng) ở nông thôn”.
Tuy nhiên, theo TS Bảnh, cần có cơ chế chính sách ưu đãi cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư các công đoạn cơ giới hóa như máy GĐLH, lò sấy lúa, kho chứa hiện đại gắn kết với hình thức bao tiêu thu mua hợp lý và chính sách bảo hiểm nông nghiệp ở các cánh đồng mẫu lớn.
Theo Nông thôn ngày nay

Tin khác