Nông nghiệp công nghệ cao - Chìa khóa cho tái cơ cấu: Bài 1: Không lo đầu ra, chỉ cần khát vọng

14/02/2017

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, mở đường cho nông nghiệp công nghệ cao không lo về công nghệ, khoa học kỹ thuật và thị trường mà chỉ cần sự khát vọng của doanh nghiệp và cơ chế chính sách đúng, kịp thời của Nhà nước…

Chính phủ kiến tạo luôn ủng hộ

Trong những ngày đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Bình Phước, nhấn nút khởi động dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn của Tập đoàn Vingroup tại tỉnh Hà Nam; thăm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Dabaco ở tỉnh Bắc Ninh... Những động thái này cho thấy sự quan tâm đặc biệt cũng như quyết tâm của Chính phủ về kiến tạo một nền nông nghiệp mạnh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để bắt kịp xu thế hội nhập. Hiện nay, nông nghiệp vẫn đang được xác định là hậu phương vững chắc của nền kinh tế, trụ cột đảm bảo an sinh xã hội, tạo ra sản phẩm xuất khẩu; tuy nhiên lâu nay, chúng ta vẫn đang duy trì một nền nông nghiệp manh mún lạc hậu, sử dụng quá nhiều tài nguyên nước và đất đai, phân bón và hóa chất, lại gây ô nhiễm môi trường với hình thức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, mặc dù đã từng bước được cơ giới hóa nhưng vẫn thủ công truyền thống. Trong bối cảnh thị trường hội nhập ngày càng đòi hỏi nông sản chất lượng cao và an toàn dịch bệnh, chuyển sang xu hướng nông nghiệp công nghệ cao do các doanh nghiệp lớn làm “đầu tàu” dẫn dắt là một xu thế, quyết định kịp thời của Chính phủ. 

Vậy nông nghiệp công nghệ cao là gì? Phần lớn người dân vẫn chưa hiểu rõ khái niệm này, trong khi không ít doanh nghiệp và nhà quản lý chỉ nghĩ rằng nông nghiệp công nghệ cao là các mô hình nhà kính, nhà lưới. Tuy nhiên theo GS-TS Nguyễn Quốc Vọng, giảng viên Đại học RMIT Australia làm việc tại Việt Nam, nông nghiệp công nghệ cao là nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tích hợp nhiều ngành từ công nghệ điện tử, cơ khí, tự động hóa, hóa học, công nghệ số thông tin truyền thông, công nghệ sinh học, khí tượng, tài chính - quản trị kinh doanh, chế biến, bảo quản... để tạo ra sản phẩm nông sản đảm bảo đủ bốn yếu tố: năng suất cao, chất lượng cao, an toàn thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường. Từ quy trình sản xuất và giám sát chặt chẽ đến ứng dụng công nghệ mới, giống tốt đòi hỏi nguồn vốn đầu tư đáng kể.

Nhiều mô hình lớn về nông nghiệp công nghệ cao

Hiện nay ở nước ta đã hình thành được nhiều mô hình nông nghiệp sản xuất theo công nghệ cao, đầu tiên phát triển khá mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL, Nam Trung bộ và đang bắt đầu mở ra trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt ở miền Bắc, miền Trung và Đông Nam bộ. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta hầu như phát triển tự lực, tự phát bởi chính các doanh nghiệp trong khi cơ chế chính sách của Nhà nước cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa rõ ràng đồng bộ, các đề án xây dựng nông nghiệp công nghệ cao chưa tìm ra được giải pháp, không ít dự án đầu tư bằng tiền ngân sách “đắp chiếu” hoặc không thu hút được nhà đầu tư…

Sản xuất rau sạch theo mô hình công nghệ cao của VinEco.

Trong bối cảnh hàng hóa nông sản tự do hội nhập, trao đổi giữa các quốc gia, để tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu, buộc Việt Nam phải thúc đẩy và kêu gọi đầu tư mạnh cho nông nghiệp, trong đó nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, toàn diện. Chỉ trong vòng 3 - 4 năm gần đây, đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn kinh doanh trong nhiều lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao như cơ khí, bất động sản… nhảy vào đầu tư làm nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn. Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Hoàng Thanh Vân nêu ví dụ, như tại trang trại bò sữa của Tập đoàn TH với thương hiệu sữa TH True Milk ở miền Tây tỉnh Nghệ An, hiện nay ngay cả các khâu vắt sữa, trồng cỏ, tưới nước… cũng đều hoạt động bằng dây chuyền công nghệ điều khiển điện tử khép kín. Họ chỉ cần 2 công nhân ngồi trên tháp cao điều khiển cả hệ thống máng cung cấp cỏ và thức ăn cho bò sữa thông qua máy tính, bảng điện tử. Trên cánh đồng cỏ và hoa hướng dương rộng hàng chục hécta làm nguồn thức ăn cho hơn 40.000 con bò sữa, tất cả các khâu làm đất, gieo trồng, tưới, thu hoạch đều được vận hành theo quy trình công nghiệp bằng những chiếc máy liên hợp nhập khẩu từ Israel. Máy móc đã thay sức người đáng kể, nên mỗi công nhân ở đây có thể điều khiển thuần thục cả một quy trình xới đất, bón phân, làm cỏ, gieo hạt rồi cắt cỏ, băm thái nhỏ, chuyển sang xe tải… với công suất tới 3 - 5ha/ngày. Theo chia sẻ của bà Thái Hương, Tổng Giám đốc Tập đoàn TH, hiện toàn bộ khâu vắt sữa ở trang trại bò của TH đều theo dây chuyền tự động, khép kín nhập khẩu và được quản lý đàn bằng phần mềm của Israel, mỗi con bò đều được gắn chip để giám sát về sức khỏe, sản lượng sữa qua máy tính. 


Cũng theo đuổi giấc mơ làm nông nghiệp công nghệ cao nhưng Tập đoàn Dabaco ở tỉnh Bắc Ninh lâu nay nổi lên là cơ sở chuyên cung cấp con giống và thịt heo, gia cầm khối lượng lớn cho thị trường nội địa. Gần đây, tập đoàn này còn nhảy sang lĩnh vực sản xuất rau sạch sau khi hồi chuông về thực phẩm bẩn nổi lên nhức nhối trong năm 2016. Hơn 20ha rau trồng trong nhà kính, lắp hệ thống máy phun mưa tự động, làm mát tự động nên công nhân chỉ cần ngồi điều khiển qua máy tính. Hiện Dabaco đã có hợp đồng xuất khẩu rau tía tô sang Nhật Bản.

Liên kết nông dân, đầu tư mạnh vào nông nghiệp

Tuy nhiên, dẫn đầu trong phong trào đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất thực phẩm sạch hiện nay là Tập đoàn Vingroup thông qua dự án VinEco. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, bà Vũ Tuyết Hằng, Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco, cho biết: “VinGroup chính thức đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông sản, thực phẩm sạch từ tháng 3-2015. Trong năm 2016, mỗi ngày VinEco thông qua hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ đưa tới tay người tiêu dùng trung bình 50 - 60 tấn nông sản thực phẩm sạch và dự kiến trong năm 2017, sản lượng tung ra thị trường sẽ cao gấp 3 lần năm 2016. Đặc biệt, VinEco đã khai trương dự án liên kết với 1.000 hộ nông dân sản xuất thực phẩm sạch, sẵn sàng đầu tư cho mỗi hộ đủ tiêu chuẩn 300 triệu đồng để mua máy móc, thiết bị, giống tốt… để sản xuất thực phẩm sạch và đầu tư khoảng 50 tỷ đồng xây dựng hệ thống máy móc, cơ sở kiểm soát chất lượng với đội ngũ lên tới khoảng 300 người”.

Mô hình trồng rau sạch công nghệ cao

Mới đây, vào đầu tháng 2-2017, VinGroup đã chính thức khởi động dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đặt tại tỉnh Hà Nam (VinEco Hà Nam) với tổng diện tích 180ha, tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Trong đó có khu cánh đồng mẫu lớn gần 130ha, khu nhà kính Israel công nghệ cao quy mô 5ha và các khu vực hỗ trợ sản xuất. Dự kiến đến cuối năm 2017, VinEco Hà Nam sẽ bắt đầu đi vào sản xuất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ khai trương và ấn nút khởi động dự án tại khu vực có diện tích 8.300m2, công suất trung bình khoảng 150 tấn/năm cho nhóm rau ăn lá của VinEco. Nhà kính sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động và kiểm soát các thông số nước, không khí và sinh trưởng cây trồng theo công nghệ của Israel. Trên khu cánh đồng mẫu lớn gần 130ha, VinEco cho biết sẽ triển khai sản xuất khoảng 15 sản phẩm chủ lực với sản lượng từ 20 - 30 tấn/ngày nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về nỗi lo đầu ra, thị trường cho các sản phẩm nông sản khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, khi doanh nghiệp có chủ trương đầu tư vào nông nghiệp, làm nông nghiệp công nghệ cao thì họ cũng sẽ biết cách tính toán, lo đầu ra cho sản phẩm. Doanh nghiệp có thể tự lựa chọn, quyết định đầu tư cho sản phẩm gì để tiêu thụ được. Mục tiêu không chỉ thị trường nội địa mà còn xuất khẩu. Tương tự là về công nghệ, hiện nay thế giới không thiếu, có tiền là nhập được, kể cả các loại giống tốt nhất của thế giới. Tuy nhiên, thứ mà chúng ta đang thiếu hiện nay là khát vọng của doanh nghiệp và cơ chế chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp công nghệ cao. Nếu không cởi trói, tháo gỡ khó khăn về vốn, hạn điền thì doanh nghiệp không thể làm ăn được. Tương tự, doanh nghiệp phải có khát vọng đầu tư, làm thay đổi nền nông nghiệp nước nhà, trở thành những đầu tàu dẫn dắt để tạo những cú bứt phá.

Theo SGGP


Tin khác