Đổi mới chính sách nông nghiệp Việt Nam - Kỳ II

23/10/2006

Trợ cấp xuất khẩu. Trong giai đoạn 1998 trở về trước, Việt Nam không trợ cấp trực tiếp xuất khẩu từ ngân sách Nhà nước.
Nhưng trong giai đoạn 1999-2001, sau khủng hoảng tài chính Châu Á, làm đồng tiền các nước này mất giá, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, giá nông sản trên thị trường thế giới giảm mạnh, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nông dân, Chính phủ đã phải tăng cường trợ cấp xuất khẩu, thông qua bù lỗ xuất khẩu, thưởng xuất khẩu.
Trợ cấp xuất khẩu. Trong giai đoạn 1998 trở về trước, Việt Nam không trợ cấp trực tiếp xuất khẩu từ ngân sách Nhà nước.

Nhưng trong giai đoạn 1999-2001, sau khủng hoảng tài chính Châu Á, làm đồng tiền các nước này mất giá, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, giá nông sản trên thị trường thế giới giảm mạnh, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nông dân, Chính phủ đã phải tăng cường trợ cấp xuất khẩu, thông qua bù lỗ xuất khẩu, thưởng xuất khẩu.| Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 195/1999/QĐ-TTg về việc lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu.

Trong giai đoạn 1999-2001, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hỗ trợ lãi suất trả chậm vay ngân hàng. Nhà nước hỗ trợ bù lỗ dự trữ và thưởng xuất khẩu 180 đồng cho 1 USD gạo xuất khẩu, 220 đồng cho 1 USD cà phê xuất khẩu, và 400-500 đồng/1 USD dứa hộp, dưa chuột hộp xuất khảu sang thị trường Nga và Hoa Kỳ. Đối với sản phẩm thịt lợn, trong giai đoạn 1999-2000, nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp bù lỗ từ việc xuất khẩu thịt lợn sang Nga và Hồng Kông.

Trợ cấp xuất khẩu

Đơn vị: tỷ đồng

1999

2000

2001

Trung bình

Gạo

486,0

600,0

822,77

636,26

Thịt lợn

49,7

31,3

31,48

37,49

Cà phê

203,0

348,6

536,35

362,65

Rau Quả

12,0

9,9

165,00

62,30

Total

750,7

989,6

1.566,16

1.098,5

Nguồn: WTO document WT/ACC/SPEC/VNM/3/Rev.5, Bénédicte Hermelin(2005)

Giai đoạn sau 2001, chính sách trợ cấp xuất khẩu tập trung chủ yếu vào 3 nhóm: nhóm chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích xuất khẩu, nhóm trợ cấp trong các trường hợp cụ thể và nhóm chính sách xúc tiến thương mại.

Nhóm chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích xuất khẩu

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 133/2001/QĐ-TTg ngày 10/9/2001 về quy chế tín dụng hỗ trợ xuất khẩu. Quá trình triển khai Quyết định 133 nảy sinh nhiều vướng mắc, nhu cầu vay rất lớn, nhưng nguồn quỹ cho vay thì hạn chế nên chỉ một số ít doanh nghiệp, ngành hàng được vay. Những ngành cần hỗ trợ để nâng năng lực xuất khẩu như chế biến nông sản (rau quả, thịt lợn) để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành thì thường không đủ điều kiện vay. Do quy mô sản xuất nhỏ, không đảm bảo nguồn nguyên liệu, nên ước tính hiệu quả kinh tế của dự án thường thấp, khả năng thu hồi vốn chậm. Các trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ nông nghiệp do không có khả năng thế chấp, phương án kinh doanh không thuyết phục nên rất khó tiếp cận khoản vay này.

Nhóm chính sách trợ cấp trong các trường hợp cụ thể

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 110/2002/QĐ-TTg cho phép lập Quỹ bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng. Theo quyết định này, các hiệp hội được phép thành lập Quỹ bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng. Quỹ hoạt động theo nguyên tắc không vì mục tiêu lợi nhuận, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hội viên trong Hiệp hội. Mục đích là để hỗ trợ tài chính cho các hội viên trong trường hợp hàng hoá xuất khẩu lần đầu tiên bị lỗ do huy động đầu tư mới, xuất khẩu vào thị trường mới, giá thế giới bị giảm đột ngột, biến động tỷ giá, hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn để tạm trữ chờ xuất khẩu, hỗ trợ một phần chi phí cho Hiệp hội trong các hoạt động mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại.

Thực hiện QĐ 195/1999/QĐ-TTg, giai đoạn 2001-2002, Chính phủ thưởng xuất khẩu cho các nông sản gặp khó khăn về thị trường, giá cả thị trường xuống quá thấp. Năm 2001, Nhà nước thưởng xuất khẩu cho 4 mặt hàng: gạo, cà phê, thịt lợn, rau quả đóng hộp. Đến năm 2002, tiếp tục thưởng xuất khẩu và mở rộng cho 10 nhóm nông sản: gạo, cà phê, thịt, rau, quả, chè, lạc nhân, hạt tiêu, hạt điều, mây tre lá. Mức thưởng khác nhau tuỳ theo từng mặt hàng và tuỳ theo từng năm.

Trong giai đoạn 2003-2004, thị trường nông sản thế giới tương đối ổn định, tình hình xuất khẩu nông sản bớt khó khăn. Bộ Thương mại ban hành quyết định số 1116/2003/QĐ-BTM về quy chế thưởng xuất khẩu đối với phần kim ngạch xuất khẩu năm 2003 vượt so với năm 2002. Các mặt hàng nông sản thuộc diện được thưởng gồm thịt, rau, chè, gạo, cà phê, lạc nhân, hạt tiêu, hạt điều, mây tre lá.

Nhóm chính sách xúc tiến thương mại

Năm 2002, Bộ Tài chính ban thành Thông tư 86/2002/TT-BTC hướng dẫn chi hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại theo chương trình XTTM trọng điểm quốc gia và bắt đầu triển khai từ năm 2003. Một số tổng công ty, hiệp hội ngành hàng nông nghiệp được hỗ trợ là gạo, chè, cà phê, rau quả và tiêu. Năm 2004, có 15 Hiệp hội và Tổng công ty trong ngành nông nghiệp được phê duyệt chương trình với tổng kinh phí là 86 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách hỗ trợ là 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, do các thủ tục tài chính khá chặt chẽ nên tỷ lệ giải ngân chậm, chỉ thực hiện được từ 30%-50% số kinh phí được duyệt.

Những điểm không phù hợp

Theo Bộ NN&PTNT, nhìn chung các chính sách nông nghiệp của Việt Nam là phù hợp với thông lệ WTO. Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với quy định của WTO:

- Các chính sách hỗ trợ của Việt Nam thường mang tính giải quyết tình thế, không theo một chương trình tổng thể hay một kế hoạch được Chính phủ phê duyệt trước. Diện mặt hàng và số lượng nông sản được hỗ trợ tuỳ thuộc vào tình hình phát sinh mà chưa có những tiêu trí cụ thể cho chính sách hỗ trợ.

- Trong khi WTO quy định đối tượng của các chính sách hỗ trợ trong nước là người sản xuất, thì Việt Nam hiện nay thường hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, mà chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, chưa tạo được sân chơi bình đẳng đối với mọi thành phần kinh tế. Hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất (nông dân) rất ít, nhất là đối với dân nghèo, vùng khó khăn.

- Một số chính sách hỗ trợ mà WTO cho phép sử dụng như hỗ trợ người sản xuất về hưu, hỗ trợ thu nhập cho nông dân khi giá nông sản xuống thấp thì Việt Nam lại chưa sử dụng; trong khi lại áp dụng một số chính sách trợ cấp xuất khẩu không phù hợp với quy định của WTO.

Định hướng điều chỉnh chính sách nông nghiệp trong thời gian tới

Để phù hợp với thông lệ quốc tế, với điều kiện Việt Nam vừa đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển nông thôn và giảm nghèo đói, chính sách nông nghiệp cần điều chỉnh một cách tổng thể, có tính đến các cam kết tự do hóa khu vực mà Việt Nam đang tham gia như AFTA, Hiệp định thương mại tự do khu vực ASEAN-Trung Quốc và các cam kết đang đàm phán như ASEAN- Ấn Độ, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Úc và ASEAN-Niudilân.

Về chính sách thuế:

Việt Nam sẽ phân loại năng lực cạnh tranh cho từng ngành nông sản và xây dựng lộ trình giảm thuế phù hợp. Một mặt, cam kết lộ trình giảm thuế mạnh đối với những mặt hàng Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao và đã có năng lực xuất khẩu như gạo, cà phê. Mặt khác cam kết lộ trình giảm thuế chậm hơn, nhằm bảo hộ có thời hạn đối với 1 số mặt hàng như cao su, đồ gỗ lâm sản và lâm sản chế biến...

Về biện pháp phi thuế:

Sẽ xây dựng một cơ chế quản lý mặt hàng nông nghiệp thông thoáng, minh bạch, đúng quy định WTO dựa trên cơ sở tiêu chuẩn chất lượng, cho phép tự do nhập khẩu hàng chất lượng tốt. Những mặt hàng tiêu chuẩn kém, ảnh hưởng an toàn vệ sinh sẽ bị kiểm soát chặt chẽ khi nhập khẩu.

Hỗ trợ trong nước

Đưa ra lộ trình kiến nghị với Chính phủ để điều chỉnh:

Chính sách hộp xanh: Tăng cường hỗ trợ nghiên cứu khoa học, khuyến nông, đào tạo, kiểm soát dịch bệnh...

Chính sách hộp đỏ: xây dựng lộ trình giảm dần, chỉ sử dụng trong những trường hợp rất đặc biệt.

Trợ cấp xuất khẩu

Mức trợ cấp xuất khẩu của nước ta rất nhỏ. Việt Nam đã cam kết loại bỏ trợ cấp xuất khẩu ngay khi gia nhập WTO. Trong khuôn khổ Hiệp định Nông nghiệp của WTO, Việt Nam đang bảo lưu hai hình thức trợ cấp xuất khẩu WTO cho phép các nước đang phát triển được áp dụng là: (i) trợ cấp để giảm chi phí tiếp thị, kể cả chi phí xử lý, nâng cấp, tái chế sản phẩm, chi phí vận tải quốc tế, cước phí vận chuyển và (ii) ưu đãi về cước phí vận tải trong nước và quốc tế đối với hàng xuất khẩu hơn hàng nội địa. Những hình thức trợ cấp cho doanh nghiệp thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường nước ngoài, quảng bá thương hiệu và sản phẩm nông sản ở thị trường nước ngoài và trợ cước cho các doanh nghiệp xuất khẩu là những biện pháp có thể sử dụng sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Nhìn chung, đàm phán là một quá trình mà các bên đấu tranh, đánh đổi giữa nhân nhượng và đòi hỏi. Thông thường, đối với các quốc gia phát triển, vấn đề bảo hộ nông nghiệp luôn là vấn đề rất nhạy cảm. Bởi vậy, vòng đàm phán Doha, sau một thời gian dài nỗ lực, vẫn chưa đi đến kết quả. Trong bối cảnh đó, nhiều người lo lắng về các cam kết mở cửa thị trường nông sản mạnh mẽ của Việt Nam là điều dễ hiểu.

Trong thực tế, chính sách nông nghiệp Việt Nam đối với nông sản thô vẫn áp dụng mức thuế nhập khẩu không cao, mức trợ cấp cho xuất khẩu nông sản xưa nay vẫn ở mức thấp vì nước ta còn nghèo, khả năng trợ cấp của Chính phủ còn hạn chế. Ngay cả đầu tư trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp cũng thấp hơn nhiều so với mức cho phép của WTO. Đa số mặt hàng có mức thuế giảm nhiều là những mặt hàng Việt Nam không có lợi thế nên sẽ không xảy ra cạnh tranh đối đầu trên quy mô lớn với sản xuất trong nước (ví dụ hoa quả ôn đới, sản phẩm chăn nuôi, sữa, nông sản chế biến,…). Đó là lý do để tin rằng sẽ không xảy ra khủng hoảng trong sản xuất nông nghiệp ngay khi Việt Nam bước vào WTO.

Nhìn chung, điều lo lắng chính không phải là những "cú sốc" ban đầu do giảm thuế và hạ thấp hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nông sản, mà là về giai đoạn tiếp theo, khi số lượng lớn nông hộ nhỏ chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh, phát triển dịch vụ và ngành nghề sẽ phải đương đầu với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn hẳn có thể đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và ngay cả thị trường nông thôn.

Trước mắt, đương nhiên có một số lĩnh vực Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh sẽ lập tức chịu thua thiệt như mía, đường, ngô, một số sản phẩm chăn nuôi… Nhóm người sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi nhất chính là người nghèo và những người không có ưu thế. Rõ ràng cần phải lường trước những khó khăn này và có phương án chuẩn bị từ việc chuyển đổi sản xuất cho những vùng chuyên canh những mặt hàng sẽ gặp khó khăn đến đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho những vùng khó khăn. Trong đó, việc xây dựng một hệ thống an sinh xã hội để điều tiết lại cho những vùng, những nhóm người khó khăn từ những vùng, những nhóm được hưởng lợi của quá trình hội nhập là rất cần thiết.

Phạm Hoàng Ngân

Tài liệu tham khảo

Bénédicte Hermelin(2005).The WTO, Agriculture and the accession of Viet Nam. Research and Technological Exchange Group (GRET).

Nguyễn Hải Yến (2006). Hỗ trợ trong nước đối với nông nghiệp Việt Nam. Hội thảo Cơ hội và Thách thức cho Việt Nam khi gia nhập WTO. Dự án “Vietnam WTO project” (Project for Providing Technical assistance for Institutional Enhancement for Facilitate Vietnam’s Accession to the World Trade Organization)

Phạm Quang Minh (2006). Trợ cấp xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Hội thảo Cơ hội và Thách thức cho Việt Nam khi gia nhập WTO. Dự án “Vietnam WTO project” (Project for Providing Technical assistance for Institutional Enhancement for Facilitate Vietnam’s Accession to the World Trade Organization)

The Doha Development Round (2006). www.euractiv.com


Tin khác