Phát biểu tại Diễn đàn “Doanh nghiệp phát triển đồng hành cùng nhà nông năm 2017” do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ NN&PTNT tổ chức chiều nay 20/1, tại Hà Nội, ông Đặng Vũ Trân, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: Trong giai đoạn 2018-2020, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Trong giai đoạn 2015 – 2017, Bộ NN&PTNT đã đổi mới mạnh mẽ công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh theo nguyên tắc: Cắt giảm tối đa việc KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu; chỉ thực hiện khi có yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc của chủ hàng, hoặc quy định tại các công ước quốc tế nhưng thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp. Quán triệt nguyên tắc quản lý rủi ro, giảm kiểm tra trước, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
|
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT phát biểu khai mạc diễn đàn. |
Theo đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành 49 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến KTCN phải sửa đổi, bổ sung. Đến tháng 11/2017, Bộ đã hoàn thành 41 văn bản; các văn bản còn lại sẽ ban hành trong quý I/2018. Bộ cũng đã hoàn thành việc rà soát và đề xuất cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Quy trình, thủ tục hành chính về KTCN được cải tiến và chuẩn hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN. Cụ thể, như trường hợp kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu đã chuyển sang phương thức kiểm tra ngay trong quá trình sản xuất và cấp giấy chứng nhận khi DN có yêu cầu, rút ngắn từ 5 – 7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/lô hàng.
Điều đáng ghi nhận là, các loại phí KTCN giảm đến mức thấp nhất, hiện chỉ còn 6 loại phí và lệ phí. Thời gian tới, Bộ sẽ xem xét cắt bỏ lệ phí Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật.
Bên cạnh đó, các chính sách thu hút, hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp cũng được triển khai như: Xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thiết lập hệ thống và cơ chế tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị của DN, thường xuyên đối thoại với DN; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để hỗ trợ tốt nhất cho DN; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch cụ phát triển kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm bớt phiền hà cho DN; cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh không còn phù hợp.
Theo ông Trân, trong giai đoạn 2018-2020, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung vào một số nội dung khác như: Tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành; tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đôn đốc quyết liệt việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm, nghiệp thuộc các địa phương, bộ, ngành…
Tại Diễn đàn, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam nhấn mạnh, việc tổ chức Diễn đàn nhằm mục đích tạo cho các DN, nhà quản lý, nhà khoa học và người dân có không gian chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, từ đó tìm ra giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp một cách toàn diện. Trong đó, DN chủ động liên kết với nông dân để kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, sản xuất hàng hóa, dồng thời nông dân yên tâm vì được hỗ trợ kỹ thuật, vốn và bao tiêu sản phẩm.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017 có 1.955 doanh nghiệp được thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên trên 6.660 đơn vị.
Theo Kinh tế nông thôn