Giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi tại Việt Nam

20/08/2019

Ủ phân thành phân bón hữu cơ và sử dụng hệ thống khí sinh học trong quản lí chất thải động vật là hai lựa chọn giảm thiểu hàng đầu được ưu tiên trong chăn nuôi để thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ khí nhà kính của Bộ NN&PTNT.

Đó là thông tin được đưa ra trong hội thảo “Đánh giá một số phương pháp giảm phát thải nhà kính trong chăn nuôi tại Việt Nam” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn và Chương trình môi trường Liên Hiệp quốc tổ chức ngày 20/8/2019 tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi đang đứng ở mức cao

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, với đàn vật nuôi tăng nhanh trong thời gian qua,  lượng chất thải rắn thải ra từ chăn nuôi cũng tăng liên tục, cụ thể từ 2014-2018 lần lượt là 58, 60, 65, 61 và 63 triệu tấn . 

Tuy nhiên, việc xử lí chất thải chăn nuôi còn bất cập, năm 2016, chỉ có 53% hộ chăn nuôi (tương đương 2,2 triệu hộ) áp dụng biện pháp xử lí chất thải và 41% trang trại (tương đương 8.672 trang trại có kế hoạch bảo vệ môi trường, xử lí chất thải.

Theo ông Hoàng Vũ Quang – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), tại Việt Nam, trong tổng phát thải khí nhà kính, phát thải từ nông nghiệp đang đứng thứ 2; trong nông nghiệp, chăn nuôi phát thải thứ 2 với tỉ lệ  32%. Việc quản lí chất thải chăn nuôi góp phần giảm khí thải kính có tuổi thọ ngắn (CH4 và N2O), giúp giảm khí thải nhà kính nói chung. Vì vậy, mục đích của hội thảo là chia sẻ các kết quả của các nghiên cứu về phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi, cùng với đó là xin các ý kiến đóng góp các chuyên gia trong lĩnh vực, giúp hoàn thiện chính sách…

Ủ phân và biogas: Được ưu tiên để giảm nhẹ khí nhà kính

Trong báo cáo “Đánh giá chi phí các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi”, TS Trần Đại Nghĩa (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn) khẳng định, Ủ phân để chuyển thành phân bón hữu cơ và hệ thống biogas là hai giải pháp  được bộ ưu tiên trong chăn nuôi để thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ khí nhà kính của Bộ NN&PTNT.

TS Trần Đại Nghĩa (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn)

Cùng với đó, TS Nghĩa cũng kiến nghị, hệ thống khí sinh học nên được ưu tiên cao hơn cho cấp độ trang trại và nghiên cứu giải pháp đầu ra cho nguồn khí từ sinh học của các trang trại phù hợp với định hướng tái cơ cấu chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ – chăn nuôi tập trung và xử lí triệt để môi trường.Phối trộn thức ăn cũng là sự lựa chọn đầu tư đơn giản và rẻ tiền, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, cần có các nghiên cứu về hiệu quả giảm phát thải của các công thức phối trộn khác nhau để xây dựng quy trình khuyến cáo sử dụng.

Còn trong bài trình bày “Phát thải khí nhà kính từ chất thải chăn nuôi lợn ở khu vực phía Bắc”, ông Phạm Văn Dũng – Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế đã đưa ra những kết luận đối với như sau: Diện tích chuồng trại chăn nuôi lợn nhỏ, mật độ đầu lợn/chuồng lớn; Thể tích của bể chứa biogas chứa nhỏ, bình quân 10-12m³, chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật dẫn đến tăng cường phát thải khí nhà kính. Cùng với đó, nồng độ khí phát thải nhà kính từ biogas bên trong thì cao hơn bên ngoài và nồng độ khí bên trong và bên ngoài chuồng cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn nuôi an toàn sinh học, tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).

Ông Phạm Văn Dũng – Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế

Ông Dũng cũng cho rằng, thời gian tới, nhóm sẽ thực hiện các nghiên cứu thêm về phát thải khí nhà kính từ các quy mô chăn nuôi khác nhau, giữa các vùng sinh thái khác nhau để cùng cố bằng chứng. Cùng với đó, so sánh phát thải khí nhà kính từ các công nghệ, hệ thống quản lý chất thải khác nhau giữa biogas, compost, biochar và công nghệ khác; Nghiên cứu khẩu phần ăn và các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn chăn nuôi, giúp phát thải khí nhà kính; Phản ánh chất lượng chất thải trong biogas chưa đạt hiệu quả nhưng thực hiện tiếp thời gian tới quy mô chăn nuôi khác nhau và vùng địa lí khác nhau

Xử lí chất thải còn nhiều khó khăn

Trình bày về “Kết quả khảo sát môi trường và công tác quản lý môi trường Luật Chăn nuôi, ông Đường Công Hoàng – Phó Phòng Môi trường chăn nuôi (Cục Chăn nuôi), cho rằng, các yêu cầu về giới hạn chỉ tiêu chất thải chăn nuôi trong QCVN:62 còn cao cơn so với thực tế đầu tư cho chăn nuôi Việt Nam, một số chỉ tiêu còn cao hơn yêu cầu của một số tiên tiến trong khu vực và thế giới như Hà Lan, Nhật nên các cơ sở chăn nuôi khó tuân thủ. Một số doanh nghiệp có nguồn đầu tư lớn cũng cho rằng, với yêu cầu như QC:VN, quy chuẩn QCVN 08 thì tuân thủ với quy định của pháp luật là khó khăn do giá thành xử lí quá cao, doanh nghiệp không có lãi.

Ông Đường Công Hoàng – Phó Phòng Môi trường chăn nuôi (Cục Chăn nuôi) trình bày tại Hội thảo

Cùng với đó, chúng ta chưa có quy trình, công nghệ xử lí chất thải phù hợp với thực tế, việc vận hành khó khăn do phải áp dụng nhiều giải pháp, quy trình công nghệ nên vận hành phức tạp, chi phí đầu tư cao, sử dụng diện tích đất lớn. Hiện chưa có quy trình công nghệ nào tối ưu để xử lí chất thải chăn nuôi quy chuẩn QCVN:62.

Cách tiếp cận quản lý chất thải chăn nuôi như hiện nay không phù hợp với sản xuất theo chuỗi giá trị, có sự liên kết giữa các khâu để giảm chi phí sản xuất; chưa có giải pháp để sử dụng lượng chất thải này để tưới cho cây trồng, làm phân bón hữu cơ và mục đích sử dụng khác thay cho việc xử lí để đạt tiêu chuẩn thải theo hướng tiếp cận chuỗi 4F tổng chăn nuôi nêu trên.

Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lí nhà nước về xử lí chất thải còn chưa rõ ràng, sự phối hợp trách nhiệm quản lý nhà nước giữa ngành nông nghiệp và ngành tài nguyên môi trường còn lỏng lẻo.

Đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, hạ tầng cho công tác quản lí bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lí chất thải chăn nuôi còn rất hạn chế; nhân lực về môi trường chăn nuôi còn yếu và thiếu, không được đào tạo bài bản nên hiệu quả quản lí chưa cao. Do chuyển dịch từ nền chăn nuôi nhỏ, lẻ sang sản xuất hàng hóa nên nguồn vốn của các cơ sở chăn nuôi đầu tư cho xử lí môi trường còn rất hạn chế vì phải tập trung cho các chi phí sản xuất….

Theo Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam


Tin khác