Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc quay đầu giảm mạnh

27/08/2019

Thị trường xuất khẩu nông sản trọng yếu của Việt Nam là Trung Quốc bỗng quay đầu giảm mạnh do nước này siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và an toàn thực phẩm.

Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt gần 26,6 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu đạt 26,6 tỷ USD

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2019 ước tính đạt 47,11 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 26,6 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của nhóm lâm sản chính tiếp tục tăng đến 18,6%.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 ước đạt 3,64 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018  trong đó có 8 nhóm/sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. 

Nhóm nông sản chính ước đạt 12,4 tỷ USD, bằng 91,7%, chiếm 46,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 51,7%); lâm sản chính đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% và chiếm 26,6% tỉ trọng xuất khẩu (tăng 3,8 điểm phần trăm so với 8 tháng năm 2018); thủy sản ước đạt 5,52 tỷ USD, giảm 1,2%, chiếm 20,8% (tỷ trọng giảm 0,5 điểm phần trăm).

Giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chính 8 tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước: cao su đạt 1,32 tỷ USD, tăng 7,8%; chè đạt 150 triệu USD, tăng 22,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,66 tỷ USD, tăng 17,5%; quế đạt 107 triệu USD, tăng 19,3%; mây tre, cói đạt 311 triệu USD, tăng 48,1%. 

Thị trường nông sản đảo chiều

Mặc dù có sự tăng trưởng nhẹ về lượng xuất khẩu, tuy nhiên lại có sự thay đổi lớn về thị trường của nông sản Việt Nam. Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu sang Trung Quốc 7 tháng đạt 4,74 tỷ USD, giảm 8,9% so với 7 tháng năm 2018, nhưng xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh và đạt 4,78 tỷ USD, tăng 12,6%.

Do đó, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỉ trọng 20,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn Trung Quốc 0,1 điểm phần trăm. Tiếp đến là thị trường EU chiếm 12,0%; ASEAN chiếm 9,5%; Nhật Bản chiếm 8,4%.

Trên thực tế, Trung Quốc nhiều năm liền là thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam lớn nhất tính cả đường xuất khẩu chính ngạch và hoạt động biên mậu. Đặc biệt, với nông sản, Việt Nam xuất khẩu có thể khẳng định Trung Quốc là thị trường trọng yếu. Song, giá trị xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường 1,4 tỷ dân năm nay có chiều hướng giảm mạnh.

Nguyên nhân do thị trường Trung Quốc đang tăng cường siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, thời gian gần đây, Trung Quốc còn phá giá đồng nhân dân tệ.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng, Trung Quốc phá giá đồng NDT nhằm hỗ trợ xuất khẩu, nhưng đối với nhập khẩu thì họ bị ảnh hưởng.

Cụ thể, hiện nước này muốn mua 1 USD phải mất 7 NDT thay vì 6 NDT như trước đây. “Ví dụ, trước đây Trung Quốc mua gạo của Việt Nam với giá 400 USD/tấn thì họ bỏ ra 2.400 NDT. Còn bây giờ họ phải bỏ ra 2.800 NDT để mua 1 tấn gạo đó”, ông Bình dẫn chứng và cho rằng, điều này dẫn đến việc thương nhân Trung Quốc quay sang ép giá thương nhân Việt Nam.

Khi bị ép giá, trị giá gạo xuất khẩu giảm, doanh nghiệp phải cân đối lại mức giá thu mua lúa từ nông dân cho hợp lý, dẫn đến giá lúa giảm. Ngoài mặt hàng gạo, nhiều loại nông sản khác của Việt Nam cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho biết, xét ở góc độ kinh tế, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT có ảnh hưởng rất lớn, vì đây là thị trường tiêu thụ chủ yếu của nhiều loại nông, thủy sản của Việt Nam.

Ảnh hưởng lớn nhất là giá trị sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị sụt giảm, vì bị thương nhân Trung Quốc ép giá. Khi đó, doanh nghiệp phải cân đối, tính toán lại và sẽ giảm giá thu mua sản phẩm của nông dân.

“Trước đây, bán lô hàng 100 triệu đồng, nhưng giờ cũng lô hàng tương tự chỉ còn 90 triệu đồng thôi. Bất chợt Trung Quốc phá giá đồng NDT khiến doanh nghiệp gặp khó, mà doanh nghiệp khó thì nông dân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều”, bà Thu nói.

Theo https://enternews.vn/xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc-quay-dau-giam-manh-156697.html


Tin khác