Xuất khẩu trái cây sụt giảm: Nguyên nhân và giải pháp

15/11/2019

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang có dấu hiệu sụt giảm bởi phụ thuộc nhiều vào một thị trường cũng như những yếu kém trong khâu chế biến sâu.

Nông dân xã Long Sơn (Cầu Ngang - Trà Vinh) phân loai dưa hấu sau khi thu hoạch. Ảnh: Thanh Hòa.

Do đó, để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển bền vững, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, không chỉ vốn, kỹ thuật, đẩy mạnh công nghiệp chế biến mà còn là hạ tầng giao thông, logistics. Đặc biệt, cần sự chủ động vào cuộc của người sản xuất và đồng hành của doanh nghiệp.

9 loại quả xuất sang Trung Quốc tăng trưởng ra sao?

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết, hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam với 71,94% thị phần. Việt Nam đã có 9 loại quả (thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt) được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu các loại quả này sang Trung Quốc tăng trưởng trái chiều nhau.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu chuối tươi và các loại chuối khác của Trung Quốc đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 767 triệu USD, tăng 38,5% về lượng và tăng 38% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Việt Nam là thị trường cung cấp chuối tươi và các loại chuối khác cho Trung Quốc, chiếm 15% tổng kim ngạch nhập khẩu. 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu gần 200.000 tấn chuối từ Việt Nam, trị giá hơn 86 triệu USD, tăng 101,3% về lượng và 76,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Hai loại trái cây khác mà Trung Quốc cũng tăng mạnh nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam là dưa hấu và vải. 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 247.445 tấn dưa hấu, tăng 55,8%; trong đó, nhập 208.000 tấn từ Việt Nam, trị giá 37 triệu USD, tăng 33,1% về lượng và 15,9% về giá trị,

Cũng trong thời gian trên, Trung Quốc nhập 66.474 tấn vải, tăng 105%; trong đó, nhập 65.541 tấn từ Việt Nam, trị giá 29 triệu USD, tăng 108,4% về lượng và 78,4% về giá trị.

Dưa hấu và vải Việt Nam đang chiếm thị phần áp đảo ở Trung Quốc khi chiếm lần lượt 83,91% và 98,6% lượng nhập khẩu của nước này.

Ngược lại, xuất khẩu măng cụt, thanh long và nhãn của Việt Nam sang Trung Quốc qua đường chính ngạch lại giảm. Tám tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập xấp xỉ 300.000 tấn măng cụt của Việt Nam, trị giá gần 248 triệu USD, giảm 16,2% về lượng và 7,5% về giá trị.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu thanh long của Trung Quốc đạt 298 nghìn tấn, trị giá 248 triệu USD, giảm 16,2% về lượng và giảm 7,5% về trị giá.

Trung Quốc nhập khẩu thanh long chủ yếu từ thị trường Việt Nam với lượng chiếm tới 99,9% tổng lượng nhập khẩu. 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập gần 300.000 tấn thanh long Việt Nam, trị giá gần 248 triệu USD, giảm 16,2% về lượng và 7,6% về giá trị.

Nhập khẩu nhãn tươi từ Việt Nam vào Trung Quốc chỉ đạt 126.000 tấn trong 8 tháng đầu năm nay, trị giá hơn 70 triệu USD, giảm tới 31,5% về lượng và 36% về giá trị.

Xoài và chôm chôm Việt Nam đi đường chính ngạch sang Trung Quốc rất khiêm tốn, chỉ đạt lần lượt 80 tấn và 81 tấn trong 8 tháng đầu năm.

Đâu là nguyên nhân?

Xét trên bức tranh tổng thể chung, xuất khẩu trái cây không mấy khởi sắc trong những tháng qua, hầu hết các mặt hàng đều có sự sụt giảm đáng kể.

Theo ông Nguyên, mấy tháng đầu năm nay, Trung Quốc đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, tăng cường quản lý chất lượng và mặt hàng rau quả Việt Nam chỉ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung. Hải quan nước này còn yêu cầu phải làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu đã được chỉ định là cửa nhập khẩu trái cây. Tất cả đã tạo ra không ít trở ngại cho ngành hàng rau quả.

Ở các thị trường khác, việc đảm bảo và đáp ứng các tiêu chuẩn lại vô cùng khắt khe nên chỉ có những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn mới có thể xuất khẩu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp của ngành chủ yếu là vừa và nhỏ nên thiếu vốn, yếu công nghệ, kỹ thuật để có thể đầu tư cho chế biến sâu dẫn tới giá trị gia tăng không cao, khó tiếp cận thị trường… cũng là nguyên nhân kéo kim ngạch sụt giảm. Vì thế, ngành đang kêu gọi đầu tư cải tiến công nghệ, tăng chế biến sâu, từ đó nâng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia các hội chợ về công nghệ chế biến nông sản để biết thêm những công nghệ mới, từ đó tìm hướng liên kết hoặc đầu tư nâng cao công nghệ chế biến cho doanh nghiệp mình”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Ông Nguyên cũng thừa nhận, nhìn chung đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, trong đó có chế biến sâu rất ít. Nếu tính ra chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng vốn đầu tư mỗi năm vào ngành nông nghiệp của Việt Nam. Sở dĩ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ít vì đặc thù của ngành nông nghiệp là phải có sự đầu tư lâu dài, việc thu hồi vốn, lãi diễn ra chậm…, vì thế rất khó hấp dẫn nhà đầu tư.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng là nguyên nhân gián tiếp của việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc giảm, bởi Trung Quốc giảm xuất hàng sang Mỹ, tập trung tiêu thụ nội địa nên lượng trái cây nhập từ Việt Nam giảm mạnh.

Thêm vào đó là việc cấp mã số vùng trồng còn chậm. Và nhiều nhà vườn chưa áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chưa ghi chép nhật ký...

Doanh nghiệp Việt chưa chủ động

Mới đây, hàng trăm container rau quả tươi xuất sang Trung Quốc lại tiếp tục bị ùn ứ tại cửa khẩu. Nguyên nhân từ đâu, do tiêu chuẩn xuất khẩu quá khắt khe hay do doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng thay đổi?

Hình ảnh hàng dài container xuất khẩu bị ùn tắc tại cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn có lẽ không phải là câu chuyện mới. Từ đầu năm đến nay, phía Trung Quốc bắt đầu áp dụng những quy định mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, dán tem, nhãn mã số vùng trồng, bao bì mẫu mã cho từng loại quả…

Trái cây, rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật và phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho hải quan. Và Trung Quốc đã thông báo dừng nhập khẩu rau quả của Việt Nam qua đường tiểu ngạch mà chỉ chấp nhận 9 loại quả của Việt Nam qua đường chính ngạch.

Các quy định này cho thấy, thị trường Trung Quốc không còn “dễ tính” như trước. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn còn thờ ơ, chủ quan, chưa hợp tác. Mặc dù trước khi áp dụng các tiêu chuẩn xuất khẩu, phía nước bạn cũng đã thông báo và trên các phương tiện truyền thông cũng đã liên tục đề cập.

Thậm chí, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã chủ động mời cơ quan hải quan của Trung Quốc sang để phổ biến các quy định xuất khẩu mới này cho doanh nghiệp. Bộ cũng đã tổ chức các buổi hội thảo về vấn đề này. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp xuất khẩu Việt vẫn còn thờ ơ, chưa đáp ứng được các quy định. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chưa thay đổi để đáp ứng các điều kiện xuất khẩu từ nước bạn?

Thực ra, Trung Quốc không có quy định mới gì về chính sách nhập khẩu mà là doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với cách làm ăn chính ngạch như truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thủ tục thông quan.

Thực ra, phía Trung Quốc chỉ có những thay đổi mang tính kỹ thuật nhỏ. Ví dụ, thay vì lâu nay lót rơm cho dưa hấu thì giờ phải dùng xốp lưới hay xe chở nông sản sang Trung Quốc phải gắn chip điện tử để thông quan tự động. Doanh nghiệp phải chấp hành mới xuất hàng sang được.

Điều quan trọng là, mỗi doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm thông tin trên website từ các ngành chức năng Trung Quốc và Việt Nam. Nhiều chuyên gia từng cảnh báo: Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” nên muốn xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp không còn cách nào khác là đáp ứng các quy chuẩn mà họ đề ra.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2019, mặc dù xuất khẩu rau quả sang các thị trường như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Australia và đặc biệt là thị trường Lào tăng rất mạnh, nhưng vẫn không đủ bù  cho mức giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận định, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA),... có hiệu lực sẽ mang lại cho ngành rau quả Việt Nam nhiều lợi ích khi sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi đi vào các thị trường “khó tính” như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Tuy nhiên, mặt trái của các hiệp định này là các sản phẩm nông nghiệp của nước ngoài cũng thuận lợi đi vào thị trường Việt Nam với thuế nhập khẩu bằng 0%. Do đó, không còn cách nào khác, nông sản Việt cần tự nâng cao chất lượng, đảm bảo tính cạnh tranh tốt thì mới vươn xa và thắng trên sân nhà.

Theo ông Nguyên, Chính phủ đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, các địa phương cũng đưa ra nhiều dự án kêu gọi vốn, cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và chế biến sâu cho nông sản nói riêng. Chẳng hạn như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thuê đất mở nhà máy…

“Tuy nhiên, để công nghiệp chế biến nông sản phát triển, đòi hỏi nhiều vấn đề, không chỉ vốn, kỹ thuật mà còn hạ tầng giao thông, logistics. Bởi lẽ, nếu lập nhà máy rồi nhưng khi vận chuyển nguồn nguyên liệu từ địa phương này tới địa phương khác để chế biến mà gặp phải hạ tầng giao thông không tốt thì cũng rất khó khăn. Vì thế, rất cần sự chung tay của các bộ, ngành trong việc cải thiện hạ tầng giao thông tại các địa phương, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Nguyên nhấn mạnh.    

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác