Xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nông dân không thể tự bơi

25/11/2019

Trung Quốc siết chặt nhập khẩu nông sản đã và đang đặt ra thách thức đối với nông sản Việt.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chiến lược và đầy tiềm năng của Việt Nam với dân số hơn 1,42 tỷ người, nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản của nước này khoảng 160 tỷ USD/năm, tập trung vào nhóm các sản phẩm rau quả tươi, thủy sản và sản phẩm thủy sản, thịt và sữa...

Cần những chuyến tàu đủ lớn

Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông sản (bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) của cả nước đạt 12,54 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu (NK) mặt hàng nông sản của Việt Nam với 4,25 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, mặt hàng rau mặc dù xuất khẩu sang các thị trường như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản tăng rất mạnh nhưng vẫn không đủ bù đắp cho mức giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Giá trị xuất chỉ đạt 1,9 tỷ USD, giảm tới 13,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Nguyên nhân là do thời gian qua, Trung Quốc triển khai áp dụng chặt chẽ các quy định về ghi nhãn mác truy xuất nguồn gốc và yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế thương mại tiểu ngạch khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm.

Theo đánh giá của ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Trung Quốc là thị trường lớn, khả năng nhập khẩu nông sản nhiều nhưng thực tế chúng ta mới đáp ứng một phần rất nhỏ, chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập nhẩu của Trung Quốc nên dư địa thị trường còn lớn.

Tuy nhiên, để chinh phục thị trường không còn “dễ tính” này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ: “Nghiên cứu của chúng tôi, về cơ bản thấy rằng chỉ có những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về kinh tế, có khả năng phân tích thị trường thì mới tiếp cận và tiếp cận thành công thị trường Trung Quốc. Còn chúng ta vẫn tự hào với phương thức sản xuất của hộ nông dân, hộ bán lẻ chắc chắn vào thị trường Trung Quốc rất khó”.

Đơn cử như Sóc Trăng có những cánh đồng mẫu lớn cùng với Công ty Nông nghiệp Thực phẩm An Giang được xây dựng từ những năm 2010 nhưng đến bây giờ vẫn không thể xuất khẩu trực tiếp được, bởi vì lượng sản phẩm không đủ để trở thành hàng hóa trong hợp đồng. Đối với cả 3 mặt hàng tôm, cá ba sa, gạo không có một người nông dân nào trong tỉnh Sóc Trăng có thể trực tiếp xuất khẩu sang các thị trường mà đều phải tham gia vào chuỗi liên kết đứng đầu là một doanh nghiệp chế biến thì mới có thể xuất khẩu đi được.

Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp cho hay: “Tôi hoàn toàn đồng ý việc phải xây dựng doanh nghiệp đầu đàn để dẫn dắt những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu không có “chuyến tàu” dẫn dắt (là những doanh nghiệp đầu đàn) thì đó chỉ là những chuyến xe “cút kít” để chở hàng nông sản của chúng ta ra thế giới. Và khi đó sẽ bị những “chuyến tàu” lớn hất văng.”

Và bệ đỡ tác động

Trong bối cảnh này, về mặt tư tưởng nhận thức đang chia thành hai luồng. Luồng thứ nhất là doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, chủ trang trại, người sản xuất, kinh doanh giỏi… xem đây là cơ hội và thách thức. Họ xây dựng chuỗi liên kết giá trị tốt hơn để cơ hội xâm nhập vào thị trường sâu hơn và năng lực cạnh tranh cũng sẽ tăng lên. Luồng thứ hai, một bộ phận nông dân, doanh nghiệp thờ ơ với sản xuất, đứng ngoài lề chờ đợi “dễ thì làm, khó thì bỏ”. Các doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch nhìn ra vấn đề nhưng không vượt qua được khó khăn về nhân lực, cơ chế và ngại rủi ro. Họ vừa không muốn làm vệ tinh cho doanh nghiệp lớn cũng không muốn liên kết với nông dân nên đứng trước sự chuyển đổi trong xuất khẩu này, chỉ túm lấy giá trị cuối cùng của chuỗi thương mại.

Trước thực trạng này, ông Hoàng Trọng Thủy cho rằng, Trung Quốc siết chặt tác động đến tư duy nhìn nhận thị trường, kỷ cương lao động, đối tượng tác động chính là nông nghiệp và nông dân. Nếu không hành động và thay đổi quyết liệt thì mật độ giải cứu nông sản sẽ nhiều hơn.

Ông Nguyễn Đức Kiên đưa ra ý kiến, cần nhìn nhận lại thị trường mà chúng ta định hướng tới, để sau đó có những thay đổi và những thay đổi này có thể là “rất đau”, đó là một loạt nông dân thờ ơ với sản xuất, không có ý chí vươn lên có thể sẽ bị đào thải.

Để thay đổi nhận thức và tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất nông hộ, theo bà Mai Thị Ánh Tuyết, Đại biểu Quốc hội An Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phải thông tin cho nông dân về tiêu chuẩn, kỹ thuật từng loại để đáp ứng được thị trường. Vai trò của Nhà nước rất quan trọng, là bệ đỡ tác động nâng cao nhận thức cho người sản xuất và doanh nghiệp thực hiện các chuỗi liên kết sẽ là quyết định.

Tuy nhiên, đến nay sự gắn kết đó chưa có chính sách nên vẫn bị bỏ ngỏ, sự gắn kết mới chỉ thành công ở quy mô nhỏ còn quy mô lớn chưa có. Chúng ta chưa tạo được vai trò của doanh nghiệp gắn với nông dân cho nên họ thấy ở đâu tốt hơn, rẻ hơn thì mua. Và ở đây, vai trò của Nhà nước là rất lớn để thúc đẩy sự liên kết.

Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Hòa mong muốn Quốc hội có những ưu đãi cho ngành nông nghiệp trong việc đầu tư các chương trình, đặc biệt là những chương trình trọng điểm, xây dựng những chương trình giám sát, nhằm đánh giá tương đương giữa các cơ quan quản lý của bên nhập khẩu với nước xuất khẩu để nông sản Việt có chìa khóa mở cửa vào thị trường Trung Quốc./.

Vân Hồng/Báo TNVN


Tin khác