Đâu là giải pháp để công ty nông, lâm nghiệp dẫn dắt NN phát triển?

06/12/2019

Để phát triển các công ty nông - lâm nghiệp một cách thực sự bền vững, hiệu quả, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phải có cơ chế chính sách khơi thông và giải pháp quản lý thật sự chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài nguyên rừng,...

Đặc biệt, quá trình sắp xếp phải tạo ra việc làm, sinh kế cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số gắn với giải quyết tốt chính sách tái định cư, quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng.

160 công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình mới

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn, Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị (NQ 30) và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (NĐ 118) đã triển khai được 5 năm. Ngày 30/6/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án tổng thể đối với 40 địa phương, tập đoàn, tổng công ty đạt 97,56%; 253/256 công ty nông, lâm nghiệp, đạt 98,83%.

Các đơn vị được sắp xếp theo 6 mô hình: tái cơ cấu, duy trì mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu, duy trì mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích; công ty cổ phần; công ty TNHH hai thành viên trở lên; ban quản lý rừng và giải thể. Đến ngày 30/6/2019, có 160/256 công ty hoàn thành sắp xếp chuyển sang hoạt động theo quy định của pháp luật với mô hình mới, đạt 62,5%.

Đánh giá các mô hình sau sắp xếp, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, bước đầu cho thấy, sau khi sắp xếp các công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định; tài nguyên, đất đai được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, đối với một số công ty lâm nghiệp, diện tích quản lý chủ yếu là rừng tự nhiên, nguồn thu trước đây chủ yếu từ khai thác gỗ, hiện nay dừng khai thác nên gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhiều công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới theo mô hình cổ phần hóa và hai thành viên trở lên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp như: Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam trước khi cổ phần hóa vốn chủ sở hữu là 2.306 tỷ đồng, sau 4 năm tăng lên 4.387 tỷ đồng (tăng đến 190%), lợi nhuận trước khi cổ phần hóa là 164 tỷ đồng, sau 4 năm tăng lên 854 tỷ đồng;

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trước khi cổ phần hóa vốn chủ hữu là 18.915 tỷ đồng, sau sắp xếp tăng lên 21.851 tỷ đồng, doanh thu trước khi sắp xếp là 15.357 tỷ đồng, đến năm 2018 đã đạt 22.868 tỷ đồng, lợi nhuận trước khi sắp xếp đạt 3.096 tỷ đồng, sau sắp xếp là 3.470 tỷ đồng;

Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (thành viên tham gia góp vốn tại Công ty TNHH MTV nông công nghiệp Tam Đảo, Vĩnh Phúc và Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai), riêng tại Đồng Nai, Công ty VinEco đã góp đủ 310 tỷ đồng, chiếm 77,5% vốn điều lệ; trước sắp xếp, lợi nhuận trước thuế của 2 đơn vị thuộc Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai khoảng 400 triệu đồng, sau sắp xếp, doanh thu năm 2018 là 26,581 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 17,197 tỷ đồng;

Việc tái cơ cấu Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ),... cũng đang thu hút một số nhà đầu tư trong nước có tiềm lực lớn như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp đã tạo việc làm cho người lao động ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội và phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới theo như mục tiêu của Nghị quyết số 30-NQ/TW đã đề ra.

Đảm bảo quyền lợi cho người dân là yếu tố hàng đầu

Những ngày gần đây, TP. Cần Thơ đang chạy nước rút hoàn tất việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Nông trường Sông Hậu sang công ty TNHH hai thành viên. Đây được xem là phương án tối ưu “giải cứu” nông trường một thời lừng danh này thoát đổ vỡ.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng, khi tổ chức sản xuất, dù theo mô hình nào thì điều quan trọng nhất là phải đảm bảo quyền lợi của người dân. Chúng ta không thể cứ giữ cách làm cũ trong khi nông dân thì nghèo khó.

Đổi mới, tổ chức lại sản xuất để người dân có đời sống kinh tế tốt hơn trên đồng đất của mình là điều nên làm. Nông trường Sông Hậu trước đây làm ăn kém hiệu quả, nay mạnh dạn cho doanh nghiệp có uy tín cùng làm ăn theo mô hình mới thì tôi cho rằng là một cách làm tiến bộ.

“Theo tôi, Nhà nước cứ cho chủ trương, có cơ chế tốt, còn việc tổ chức kinh doanh thì nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các giám đốc họ làm. Tôi tin họ sẽ làm tốt”, ông Nhị cho hay.

Thực tế chỉ rõ, có không ít công ty nông, lâm nghiệp hoạt động rất hiệu quả. Ví dụ như Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, đơn vị canh tác hiệu quả hơn 5.500ha được giao tại Ninh Bình, Gia Lai; ngoài ra, công ty này còn chủ động liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân 13 tỉnh, tạo công ăn việc làm cho trên 20.000 lao động. Giá trị thu nhập bình quân khoảng 250 triệu đồng/ha. Doanh thu bán hàng năm 2018 là 1.900 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu là 70 triệu USD.

“Đây là mẫu hình về chuyển đổi thành công từ một nông trường thuần túy sang một công ty cổ phần, huy động nguồn lực xã hội, trong đó, đã áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới nhất để phát triển sản xuất, kinh doanh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ lại và thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới các Tổng công ty cà phê, cao su, lâm nghiệp, vì đây là những doanh nghiệp rất lớn, quản lý nhiều đất đai, cần làm nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm an ninh trật tự, chăm lo đời sống, việc làm cho người dân trên địa bàn.

Một số giải pháp lớn

Để phát triển các công ty nông, lâm trường một cách thực sự bền vững, hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đất đai và tài nguyên rừng phải được giao cho những chủ thể trực tiếp để quản lý sử dụng hiệu quả. Nghiêm cấm tình trạng phát canh thu tô, hưởng lợi trung gian.

Thứ hai là, quan tâm đặc biệt đến tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết tốt vấn đề tái định cư gắn với quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ phát triển rừng.

Thứ ba là, thu hút mạnh đầu tư, thúc đẩy sớm hình thành các vùng sản xuất nông lâm, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, thâm canh, ứng dụng công nghệ gắn với công nghiệp chế biến.

Về định hướng, Thủ tướng cũng nêu 3 điểm lớn.

Trước hết là tập trung chỉ đạo việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết 30. Hoàn thành việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2020. “Mục tiêu này không thể chậm hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các công ty nông, lâm nghiệp đã hoàn thành việc sắp xếp thì hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng hiệu quả các doanh nghiệp.

Tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện, nhất là vấn đề sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,  xử lý các trường hợp cho thuê, mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết trái pháp luật.

Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng nhận thức và thông tin tuyên truyền, nhất là cấp cơ sở. Không còn tư tưởng bao cấp, tư tưởng dựa vào đất đai của Nhà nước để làm lợi cá nhân mà Nhà nước không quản lý được. “Phải có giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo việc làm, sinh kế cho đồng bào, nhất là người dân địa phương” -  Thủ tướng nói và nhấn mạnh - “Đừng để tình trạng đất do Nhà nước quản lý thì thừa nhưng người dân bị thiếu đất nghiêm trọng, phải đi làm thuê, làm mướn”.

Theo KTNT


Tin khác