Tăng 430.000 tấn thực phẩm để "đắp" cho sản lượng thịt lợn thiếu

19/12/2019

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hơn 430.000 tấn thực phẩm tăng so với năm 2018 một mặt phục vụ duy trì đà tăng trưởng của ngành, một mặt bù đắp một phần thiếu hụt thịt lợn do bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã làm gần 6 triệu con lợn bị tiêu hủy, tương đương 340.000 tấn thịt lợn.

Trực tiếp đi kiểm tra công tác chăn nuôi và phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại Phú Thọ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao tỉnh Phú Thọ khi đã thực hiện tốt Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 34 của Ban bí thư và Bộ NN&PTNT về chỉ đạo chống dịch nói chung và phòng chống dịch tả lợn Châu Phi nói riêng.

Với cơ cấu đàn lợn lớn - gần 900.000 con, nhưng do làm tốt công tác an toàn sinh học nên tỉnh Phú Thọ chỉ phải tiêu hủy 57.000 con, chiếm 6% tổng đàn và 2,6% về sản lượng trong khi bình quân cả nước là 340.000 tấn, chiếm 9% tổng sản lượng thịt heo.

“Trong 218 trang trại chỉ có 2 trang trại bị. Người dân kiểm soát an toàn sinh học từ côn trùng, chuột, chim… rất chặt chẽ; vật tư đầu vào cũng kiểm soát, bán lợn một nơi thu tiền một nơi và đều chiếu tia cực tím. Nếu làm tốt an toàn sinh học thì chúng ta vẫn có thể phát triển đàn lợn trong thời gian rất ngắn sẽ có sản phẩm” – Thứ trưởng Tiến nói.

Từ đầu năm đến nay, trong khi nhiều nơi bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi tàn phá nặng nề thì đàn lợn 400 con thương phẩm và 40 lợn nái do gia đình ông Lê Tiến Dũng xã Đỗ Sơn (Thanh Ba, Phú Thọ) nuôi vẫn an toàn, không bị ảnh hưởng. Trong những ngày này, thương lái đến hỏi mua lợn với giá 94.000 đồng/kg, nhưng ông đang giữ nuôi để bán vào thời điểm Tết, dự kiến sẽ xuất chuồng khoảng 180 con.

Đến thăm trại nuôi gà của HTX chăn nuôi Đỗ Sơn, nơi đang nuôi 50.000 con gà với sản lượng khoảng 100.000 tấn, Thứ trưởng đánh giá cao HTX đã thực hiện tốt chỉ đạo kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì chăn nuôi lợn an toàn sinh học, gia tăng sản xuất chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn thay thế thịt lợn giảm sản lượng, góp phần ổn định giá cả thị trường của Bộ và địa phương.

Ông Lê Thành Sự, Giám đốc HTX chăn nuôi Đỗ Sơn cho biết, hiện HTX đang bán gà với giá 68.000-70.000 đồng/kg. Mức giá này tuy có giảm 2.000-3.000 đồng, nhưng đang có lợi cho người chăn nuôi gà.

Về nguồn cung thịt lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: "Theo báo cáo của các địa phương gửi về bằng văn bản, đến nay còn hơn 25 triệu con lợn. Như vậy, khảng định không phải thịt lợn còn ít". Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh, như thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145 nghìn tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỷ quả), gia súc lớn tăng 4,2%... Ước tính, lượng thực phẩm tăng so với năm 2018 là trên 430.000 tấn, góp phần duy trì đà tăng trưởng cho ngành và bù đắp một phần thiếu hụt thịt lợn.

Đề cập tới việc giá lợn tăng mạnh, gần chạm ngưỡng 100.000 đồng/kg trong những ngày qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, giá thịt lợn trên toàn thế giới tăng chứ không riêng gì Việt Nam. Đặc biệt, các nước trong khu vực như Trung Quốc tới 150.000-170.000 đồng/kg, có chỗ 300.000 đồng/kg và vừa rồi phải đấu thầu lô dự trữ quốc gia. Cùng với đó, diễn biến dịch tả lợn Châu Phi ở các nước xung quanh như: Philippines, Indonesia… đang diễn biến phức tạp và tỷ lệ chết rất cao. Nói vậy để thấy rằng, giá thịt lợn tăng thì có tăng nhưng so với khu vực và thế giới chúng ta chưa ở mức quá cao.

Do giá chênh lệch giữa Việt Nam và Trung Quốc khá lớn nên đã có hiện tượng xuất lậu lợn qua biên giới. Cùng với đó, việc thẩm lậu từ Campuchia về Việt Nam cũng diễn ra. Về việc này, Thứ trưởng chỉ đạo các tỉnh biên giới tập trung ngăn chặn chặt chẽ cả lợn và sản phẩm lợn xuất ra cũng như nhập vào, bởi xuất ra thì mất nguồn cung, nhập vào thì lây lan dịch bệnh. Hiện nay, nhiều tỉnh như Đồng Nai, Bình Định, Thanh Hóa, Phú Thọ... đã chỉ đạo tái đàn với mật độ 10%; gia cầm, thủy sản và chăn nuôi đại gia súc phát triển thì phòng chống dịch phải đặt lên hàng đầu.

“Vào dịp Tết, theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phải có bình ổn giá. Thành phố HCM đã có 102.000 tỷ đồng phục vụ bình ổn Tết; TP. Hà Nội họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về an toàn thực phẩm, báo cáo chỉ thiếu 7 tấn thịt lợn; Bắc Giang dự trữ 20.000 tấn thịt lợn. Khi mà thiếu Chính phủ chỉ đạo sẽ cho nhập khẩu thịt lợn, nhưng đảm bảo nguyên tắc lợi ích cho người tiêu dùng và cho người chăn nuôi” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

 Theo Dân Việt


Tin khác