|
Làn sóng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao nở rộ trong năm 2019. |
Làn sóng đầu tư vào nông nghiệp
Năm 2019, việc tạo dựng môi trường thuận lợi đã hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế hợp tác, cũng như thu hút làn sóng đầu tư của doanh nghiệp (DN) vào lĩnh vực nông nghiệp.
Điều này đã trở thành động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp; hình thành các chuỗi liên kết giữa người SX với doanh nghiệp, HTX. Đây là bước tiến quan trọng tạo điều kiện để ngành nông nghiệp tiếp tục tiến mạnh sang hướng giá trị gia tăng và bền vững.
Cụ thể trong năm 2019, cả nước đã thành lập mới được 6 liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.800 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 45 liên hiệp HTX nông nghiệp và 15.300 HTX nông nghiệp trên cả nước.
Trong đó có 72,89% số HTX hoạt động hiệu quả (so với năm 2018 là 55%). Tỷ lệ HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%.
Cả nước có 36.000 trang trại theo tiêu chí mới, tăng 500 trang trại so với năm 2018. Các trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và SX lượng nông sản hàng hóa lớn; tổ chức SX theo chuỗi, hợp tác liên kết quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng ở các lĩnh vực và nhiều địa phương...
Lực lượng DN nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh. Năm 2019, cả nước đã thành lập mới 2.756 DN nông nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số DN nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,23% (nông lâm thủy sản là một trong những lĩnh vực có số DN quay lại hoạt động cao hơn đáng kể so với lượng tạm ngừng).
Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các DN nhỏ và vừa, một số tập đoàn, DN lớn đã mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như tập đoàn Vinamilk, Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông…
Cùng với hiệu ứng của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực, một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sâu.
Năm 2019, đã có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động (từ năm 2018 đến nay, tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng với 30 dự án đã hoạt động và đang triển khai cả nước), giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản.
Nở rộ chuỗi liên kết
Song song với làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp, đã nở rộ các chuỗi liên kết SX, ứng dụng KH-CN trong nông nghiệp.
Cụ thể năm 2019, cả nước đã xây dựng và vận hành ổn định 1.484 chuỗi liên kết SX, chế biến, tiêu thụ nông sản, tăng 388 chuỗi so với năm 2018, với 2.374 sản phẩm, tăng 948 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán nông sản hàng hóa ATTP, tăng 93 địa điểm.
Bước đầu, đã tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết một số sản phẩm chủ lực trên quy mô vùng, như chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; chuỗi liên kết trồng, chế biến, XK lâm sản; chuỗi liên kết lúa gạo với hàng ngàn hộ trồng lúa ở vùng ĐBSCL...
Năm 2019, ba trục sản phẩm gồm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm địa phương (OCOP) tiếp tục được duy trì và mở rộng, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và XK.
Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng KH-CN cao được áp dụng từ khâu SX giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ… Rất nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến sản phẩm công nghệ cao đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả.
Ở nhóm sản phẩm OCOP, đã kết hợp truyền thống với ứng dụng KH-CN đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc. Ở cấp quốc gia, đến nay đã có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng quyết định thành lập (gồm Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu); 8 khu đang trong quá trình hoàn thiện đề án.
|
Các mô hình liên kết SX trong nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ trong năm 2019. |
Ở cấp địa phương, hiện đã có 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, lúa, chuối được địa phương công nhận; 124 khu SX ứng dụng công nghệ cao do DN đầu tư đã được UBND cấp tỉnh thành lập và 45 DN nông nghiệp được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng cao nghệ cao.
Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế
Bên cạnh những nỗ lực vượt qua khó khăn trong năm 2019, Bộ NN-PTNT cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Một là cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức SX chưa đáp ứng được yêu cầu. Sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế còn thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Hai là tốc độ tăng kim ngạch XK có dấu hiệu chững lại do giá XK của nhiều nông sản chủ lực giảm, nhất là kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc giảm. Tiến độ để giải quyết “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản chậm. Sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng tiếp tục diễn ra; trong khi nguồn lực còn rất hạn chế, giải ngân vốn đầu tư công chưa cao (đạt 86,5%)…
Ba là dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; quản lý ATTP vẫn rất khó khăn, phức tạp.
Thứ tư là khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn. Nhiều vùng thấp hơn mặt bằng chung cả nước, cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp, hiệu quả. Kết quả về phát triển SX, chăm lo đời sống người dân, củng cố chính quyền ở cơ sở chưa đồng bộ với kết quả phát triển cơ sở hạ tầng...
Năm 2020, Bộ NN-PTNT xác định toàn ngành “Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”. Theo đó, Bộ đặt ra một số chỉ tiêu cơ bản năm 2020 của ngành là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8 - 3%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9 - 3,05%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%; ít nhất 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 96%; Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp; cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp.
Đầu tư công cho nông nghiệp - nông thôn chỉ đáp ứng khoảng 30%
Theo Bộ NN-PTNT, nguồn lực đầu tư công phân bổ cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 chỉ tăng 1,26 lần so với 5 năm trước (2001 - 2015), chỉ đáp ứng khoảng 30%. Nhiều dự án thực hiện tái cơ cấu ngành, khắc phục và ứng phó thiên tai đã được chuẩn bị nhưng không có nguồn vốn để thực hiện.
Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 cho ngành nông nghiệp đạt chỉ tiêu 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước (tối thiểu 100 nghìn tỷ đồng) như đã được định hướng tại Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 26/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công.
Bên cạnh đó, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quy định: Ngân sách trung ương giành tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hàng năm cho ngành nông nghiệp; ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hàng năm cho ngành nông nghiệp... Tuy nhiên thực tế đến nay, ngân sách trung ương, cũng như địa phương hầu như chưa được phân bổ để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Về cơ chế, chính sách, Bộ NN-PTNT kiến nghị năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai, phát triển thị trường quyền sử dụng đất tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Để thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn trong bối cảnh và yêu cầu mới, Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương giao Bộ NN-PTNT chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, có phân kỳ cụ thể giai đoạn 2021 - 2025.
Trước những khó khăn và biến động của thị trường XK, năm 2019, ngành nông nghiệp đã chủ động rà soát, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, cơ cấu lại SX cho phù hợp, dựa trên lợi thế, thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiêu biểu như với SX lúa, Bộ NN-PTNT đã kịp thời chỉ đạo các địa phương chuyển đổi khoảng 100 nghìn ha lúa có khả năng hạn, thiếu nước tưới chuyển sang cây trồng khác, cùng với chuyển đổi diện tích lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng, nuôi trồng thủy sản có thu nhập cao hơn. Đồng thời, tập trung kiểm soát, nâng tỷ lệ giống lúa chất lượng, giá trị cao chiếm trên 80% gạo XK. Từ đó, đã nâng giá gạo XK bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm nay.
Về tổng quát, ngành lúa gạo Việt Nam đã tiếp tục giữ đà tăng năng suất, sản lượng, giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt” từng bước khẳng định uy tín trên trường quốc tế như: Gạo hữu cơ Quảng Trị; gạo ST25 đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới”...
Việc tổ chức SX theo quy trình an toàn, bền vững, chất lượng tiếp tục được lan tỏa. Nhất là mở rộng thực hiện các quy trình SX tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, GlobalGAP...). Năm 2019, đã có 39,3 nghìn ha cây trồng được chứng nhận VietGAP, trong đó: quả 22,66 nghìn ha; rau 5,99 nghìn ha; lúa 5,27 nghìn ha; chè 5,12 nghìn ha; cà phê 101 ha; cây khác 105ha.
|
Theo NNVN