Những dự báo mới đây cho thấy thị trường tiêu thế giới trong năm 2020 sẽ vẫn trong tình trạng cung vượt cầu ít nhất tới cuối năm. Và giá hồ tiêu có thể sẽ tiếp tục giảm, xuống khoảng 36.000 – 38.000 đồng/kg, thậm chí có thể chỉ 35.000 đồng/kg.
Trong khi đó, theo tính toán của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng hạt tiêu Việt Nam ước tính vẫn cao nhất trong các nước sản xuất.
Ám ảnh vượt quy hoạch
Năm vừa rồi, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đạt 284.000 tấn, kim ngạch 715 triệu USD, tăng đến 23,4% về lượng nhưng giảm 5,7% về kim ngạch trong bối cảnh giá đổ dốc kéo dài triền miên trong vài năm trở lại đây, từ mức giá 250.000 đồng/kg vào năm 2016.
|
Xuất khẩu gặp khó vì dịch Covid-19, trái cây tăng tiêu thụ thị trường nội địa |
Điều đáng nói, thách thức lớn của ngành hồ tiêu Việt là vùng nguyên liệu hồ tiêu hiện đã vượt quy hoạch hơn 100.000 ha. 10 năm trước, nếu như diện tích hồ tiêu chỉ hơn 51.000 ha thì đến hết năm 2017 đã lên gần 152.000 ha, tăng hơn 100.000 ha, khiến cho nguồn cung dư thừa, hàng nghìn nông hộ trồng tiêu khánh kiệt vì giá tiêu chạm đáy.
Hoặc như cao su, tính từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 2, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 132,62 nghìn tấn, trị giá 193,54 triệu USD, giảm 25,8% về lượng và giảm 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Giá cao su chạm đáy từ cách đây 2 năm ở mức 1.200 USD/tấn, rồi sau đó là quãng thời gian trồi sụt thất thường và được kỳ vọng hồi phục trong năm 2020 với khả năng tiêu thụ lớn ở thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, những nhận định mới đây cho thấy chuỗi sụt giảm có thể sẽ chưa dứt do chịu tác động chung từ dịch Covid-19.
Cũng như hồ tiêu, sản lượng cao su tự nhiên của Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới, với thị phần 8,1%, trong khi thị trường cao su thế giới có xu hướng dư cung đến năm 2025. Từ diện tích 801.600 ha vào năm 2011, diện tích trồng cao su của Việt Nam đạt 965.000 ha vào năm 2018, vượt quy hoạch khoảng 165.000 ha.
Trong đó, diện tích cao su tiểu điền chiếm tới 53,2% tổng diện tích với hơn 265.000 hộ gia đình trồng cao su. Do người trồng và thu hoạch cao su nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chất lượng thiếu ổn định nên giá nguyên liệu cao su tiểu điền thường thấp hơn từ 1-1,5 triệu đồng/tấn so với giá cao su đại điền, bởi phải qua nhiều khâu trung gian thu gom.
Hay như tình hình “giải cứu” ở ngành hàng rau quả ở một số địa phương hiện nay khi gặp vấn đề từ thị trường Trung Quốc trước "sự cố" Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng vùng nguyên liệu vượt quy hoạch là một trong những nguyên nhân.
Trong vấn đề liên kết giữa nông dân trong vùng nguyên liệu rau quả với doanh nghiệp (DN), ở góc độ giám đốc một HTX nông nghiệp ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đang làm cánh đồng lớn với một số loại trái cây (như sầu riêng, chôm chôm, bơ), bà Đặng Thị Thuý Nga bộc bạch: "Trước nỗi lo đầu ra bấp bênh, chúng tôi đang rất cần các nhà chế biến ngay tại vùng nguyên liệu, có thể là hợp tác, đầu tư hoặc hướng dẫn. Chẳng hạn như chế biến trái chôm chôm nước ép, đồ hộp trái, hệ thống sấy quả bơ…".
Giải bài toán chế biến
Như chia sẻ của bà Nga, không chỉ vùng nguyên liệu của HTX mà ngay cả của các huyện trong tỉnh Đồng Nai cũng đều đang rất lo lắng khi nguồn cung rau quả đang ra đại trà, nhưng lại không biết đầu ra sẽ đi về đâu nếu như tắt đầu ra từ Trung Quốc?
“Với một vùng nguyên liệu nông sản lớn như tỉnh Đồng Nai thì việc không có nhà máy chế biến lớn, nông dân chịu thiệt thòi rất nhiều. Nếu có được những nhà chế biến kết nối với chúng tôi thì nông dân sẽ rất mừng, bởi vì một khi hàng trái cây xuất đi không được vẫn còn chế biến để tiêu thụ sau”, bà Nga nói.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, Gs.Ts Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng hiện nay nguồn cung nông sản của Việt Nam đã có dấu hiệu vượt cầu. Trong khi lực lượng sản xuất của chúng ta phát triển thì quan hệ sản xuất vẫn chưa được chú trọng.
“Đó là quan hệ liên kết giữa các nhà sản xuất, các hộ nông dân với nhau hoặc là giữa các cơ sở thu mua chế biến với các nông dân vẫn còn đang rất lỏng lẻo. Vì vậy đã gây ra những hiện tượng như lúc nông dân có sản phẩm thì DN mua không kịp và có lúc thì DN lại thiếu sản phẩm”, ông Sơn nói.
Mặt khác, trong quy hoạch vùng nguyên liệu của Việt Nam vẫn còn có “khoảng lặng”. Bởi dù Nhà nước có quy hoạch hoặc các địa phương có quy hoạch, việc chấp hành quy hoạch của nông dân còn rất hạn chế và nông dân cho rằng “mình có đất thì trồng” mà ít quan tâm là trồng thì bán ở đâu và phải liên kết với nhau để tạo thành vùng hàng hoá lớn.
Cho nên trong thời gian tới, việc quan trọng nhất là phải hình thành được vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh. Điều này đã được thể hiện trong Luật Trồng trọt năm 2018 và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2020 để hướng dẫn các địa phương hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung và có những chính sách hỗ trợ để hình thành các vùng này.
“Có như vậy mới tạo được điều kiện thuận lợi để kết nối DN với nông dân và nông dân kết nối với nhau, cũng giải quyết bài toán chế biến là vùng nguyên liệu, vùng sản xuất”, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ thêm.
Theo Thời báo Kinh doanh