Nông dân, doanh nghiệp lời khủng từ khí thải carbon

06/12/2023

Nông dân, chủ rừng, doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn xanh hoặc công nghệ cao có thể thu lợi không nhỏ từ khí thải carbon

Chia sẻ tại diễn đàn “Cơ hội đầu tư thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) trong thị trường carbon” được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 16-6, ông Phạm Cương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, nhìn nhận thị trường carbon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero của nước ta vào năm 2025.

Thị trường tiềm năng về thương mại carbon

Theo ông Phạm Cương, thị trường carbon vận hành theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường dựa trên cách thức thuận mua - vừa bán. Qua đó, các nỗ lực về giải pháp giảm phát thải, hấp thụ carbon, giải pháp xanh sẽ được áp dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Ông Phạm Cương cho biết World Bank dự đoán giá carbon có xu thế tăng trong thời gian tới và tại một số thị trường có thể đạt ngưỡng 150 USD/tấn CO2e vào năm 2035. Hiện nay một số nước như Mỹ, EU, sắp tới là Trung Quốc, Nhật… sẽ áp dụng hàng rào thuế carbon cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này chắc chắn sẽ đặt ra nhiều thách thức trong quá trình xây dựng phát triển thị trường carbon.

Ông Cương nhìn nhận ở giai đoạn hiện tại, thị trường carbon của Việt Nam khá sôi động liên quan đến mua bán, bù trù, đầu tư dự án sinh ra tín chỉ carbon (mỗi tín chỉ là 1 tấn CO2) như các DN lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời… Ví dụ, hãng xe điện VinFast đã và đang tạo ra tín chỉ carbon dựa trên số kilomet di chuyển. Chỉ tính riêng với xe buýt điện, đơn vị này ước tính tổng số kilomet vận hành của VinBus trên toàn quốc, cộng dồn mỗi ngày là hơn 22 triệu km thì lượng carbon được giảm thải là hơn 19 triệu kg, tương đương với việc trồng 917.568 cây xanh khỏe mạnh. Đây cũng là một trong những lợi thế cho DN khi tham gia xuất khẩu vào các thị trường có thuế carbon cao.

Đối với lĩnh vực rừng, TS Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững, Bộ NN&PTNT, cho biết hiện VN đã có dự án bán được tín chỉ carbon ra quốc tế. Dự án thuộc Thỏa thuận thanh toán giảm thiểu phát thải (ERPA) với Quỹ đối tác carbon rừng thuộc Ngân hàng Thế giới ký vào tháng 10-2020.

Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ giảm 10,3 triệu tấn khí thải CO2 từ sáu tỉnh Bắc Trung Bộ cho đến năm 2025 để nhận 51,5 triệu USD (tức mỗi tín chỉ carbon sẽ là 1 tấn khí thải và trị giá 5 USD). Số tiền này sẽ được chia cho các hộ nông dân hoặc chủ sở hữu trồng và bảo vệ rừng.

Doanh nghiệp sản xuất xanh tham dự diễn đàn tìm kiếm cơ hội trong thị trường tín chỉ carbon. Ảnh: T.HÀ

​​

Doanh nghiệp sản xuất xanh tham dự diễn đàn tìm kiếm cơ hội trong thị trường tín chỉ carbon. Ảnh: T.HÀ

“Đây cũng là chương trình đầu tiên chúng ta chuyển quyền phát thải được tạo ra từ công tác quản lý và bảo vệ rừng. Chương trình mang tính chất thí điểm trong bối cảnh các chính sách khác chưa đầy đủ, hoàn thiện” - ông Phương nhìn nhận.

Ông Phạm Cương thông tin theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050, giá carbon cần trong khoảng 50-250 USD/tấn CO2e, trung bình khoảng 120 USD/tấn CO2e (CO2e được quy đổi từ tổng CO2, CH4, SF6, N2O và các khí nhà kính khác). Đây là mức giá mà các tổ chức, DN sẽ phải tự quyết định nên giảm lượng khí thải hay sẽ tiếp tục gây ô nhiễm và trả tiền cho phát thải đó.

“Đây cũng là cơ hội để cơ quan quản lý và DN nghiên cứu chuyển mình thực hiện các giải pháp xanh, giảm phát thải, nhằm tích lũy tín chỉ carbon trong thời gian tới” - ông Cương nhìn nhận.

Ông Cương và nhiều DN kỳ vọng năm 2025 khi sàn giao dịch tín chỉ carbon được thí điểm vận hành và vận hành chính thức vào năm 2028 sẽ giúp tăng cường giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Nông dân, DN mong đợi

Là một đơn vị đang thực hiện thu mua tín chỉ carbon (được xác lập bởi quốc tế), bà Nguyễn Thu Trang, Chủ tịch T.A.F Group, cho biết DN đang đầu tư và mua tín chỉ carbon với giá 7 USD/tín chỉ. Mức giá này là “món lời lớn”.

Bà Trang dự đoán khoảng 2-3 năm nữa thị trường carbon của VN sẽ nhận được sự quan tâm của rất nhiều DN lẫn các nhà đầu tư. Bởi hiện nay giá tín chí carbon của nước ta so với các nước trong khu vực và thế giới đang chênh lệch và được ưu tiên, hưởng lợi rất nhiều về giá.

“Nếu các DN quan tâm sớm thì đây là một khoản lợi rất lớn. Nếu vài năm nữa thì DN phải trả một khoản chi phí lớn vì lượng tín chỉ có hạn. Cạnh đó, các ngành sinh ra tín chỉ như rừng, thiên nhiên, công nghệ cao… cũng có hạn mà nhu cầu tín chỉ carbon lại lớn, nhất là khi các nước đều áp mức phí carbon” - bà Trang nhìn nhận.

Bà Trang dẫn ví dụ, giá tín chỉ ở Việt Nam đang 7 USD, khi xuất khẩu sang các nước có tính thuế carbon nhưng DN lại chưa mua tín chỉ carbon thì sẽ bị áp lên 80 USD. Điều này khiến giá sản phẩm phải tăng cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN.

Ông Phạm Đình Ngãi, CEO Sokfarm, một đơn vị sản xuất mật hoa dừa hữu cơ tại Trà Vinh, cho biết đang tìm hiểu và thực hiện các quy trình để bán tín chỉ carbon thông qua mỗi cây dừa.

Theo ông Ngãi, với mỗi cây dừa trồng hơn 10 năm, số tín chỉ carbon có thể tính như giá trồng cây rừng là khoảng 1 USD/cây. Hiện nông trại của ông có 28.000 cây dừa đã trên 10 năm, theo tính số tiền thu về ít nhất là 28.000 USD cho người nông dân, chưa kể mỗi năm lại trồng thêm dừa.

“Đây là một khoản ngân sách mà những người nông dân chưa bao giờ nghĩ mình có thể thu được từ việc trồng cây bình thường. Hy vọng trong thời gian tới sẽ tạo ra được nguồn thu nhập thêm cho bà con” - ông Ngãi kỳ vọng.

Thị trường vẫn còn nhiều khó khăn

Dù thị trường carbon là tiềm năng nhưng chúng ta vẫn gặp nhiều cái khó.

Thứ nhất: Vấn đề về yêu cầu kỹ thuật cao trong thị trường carbon và tất cả kết quả phải cần bên thứ ba xác minh thẩm định để ra kết quả cuối cùng. Những vấn đề này đều liên quan đến chi phí để bán ra như chi phí đầu tư, giao dịch…

Vấn đề về yêu cầu kỹ thuật cao trong thị trường carbon là một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp. Ảnh: T.HÀ
Vấn đề về yêu cầu kỹ thuật cao trong thị trường carbon là một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp. Ảnh: T.HÀ

Thứ hai, về mặt pháp lý, chúng ta chưa có quy định chặt chẽ về quyền carbon sẽ do ai hưởng lợi. Chính vì thế các nhà đầu tư vẫn còn nhiều băn khoăn khi tham gia thị trường này.

Thứ ba, giá chi phí tính trên 1 tấn carbon so với mức đầu tư thực tế mà DN bỏ ra cũng chưa thỏa đáng và chưa bù đắp được toàn bộ chi phi đầu tư cho thị trường thương mại carbon.

TS VŨ TẤN PHƯƠNG, Giám đốc Văn phòng chứng chỉ
quản lý rừng bền vững, Bộ NN&PTNT

THU HÀ


https://plo.vn/

Tin khác