Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách và giải pháp phát triển các hình thức liên kết dọc trong một số ngành hàng nông sản chủ yếu (ngành chè)

02/01/2007

Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm của nước trên thế giới; phân tích hình thức, cơ chế liên kết dọc của một số mô hình liên kết trong ngành hàng chè; đề xuất một số hình thức liên kết dọc theo ngành hàng chè, cơ chế, chính sách phù hợp, giải pháp khả thi thúc đẩy sự phát triển.

Cùng trong tuần lễ hội thảo nghiệm thu cấp Viện các đề tài, dự án thuộc Viện năm 2006, chiều ngày 27 tháng 12, tại Hội trường Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tiến sỹ Dương Ngọc Thí, phó Viện trưởng, đã trình bày đề tài “Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách và giải pháp phát triển các hình thức liên kết dọc trong một số ngành hàng nông sản chủ yếu (ngành chè)”

Đề tài được thực hiện tại các địa phương Sơn La, Phú Thọ, Lâm Đồng. Các mô hình liên kết dọc phổ biến trong ngành hàng chè hiện nay là mô hình hai tác nhân chủ yếu Công ty mẹ - Công ty con; mô hình liên kết các tác nhân sản xuất, chế biến và phân phối chè có xuất xứ địa lý; mô hình liên kết sản xuất và chế biến chè đen; mô hình Trà Hương Bảo Lộc; mô hình chè xanh Thái Nguyên. Tuy nhiên các mô hình này còn tồn tại nhiều bất cập như sản phẩm không có những biến đổi đặc biệt, đầu ra sản phẩm bấp bênh, thiếu ổn định, giá cả thấp, chất lượng vùng chè nguyên liệu không được chăm lo, năng suất kém, chất lượng thấp, không an toàn vệ sinh thực phẩm và ảnh hưởng môi trường.

Từ đó, tác giả đã đưa ra một số gợi ý đề xuất lựa chọn hình thức liên kết, cơ chế, chính sách. Phân tích ngành hàng, chuỗi giá trị không chỉ tập trung vào khâu sản xuất, chế biến mà nhất thiết phải mở rộng mối quan tâm đến nhu cầu thị trường và thiết kế sản phẩm mới. Nên kết hợp khai thác lợi thế tự nhiên và áp dụng công nghệ sinh học vào quy trình sản xuất, chế biến. Định hướng hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu. Có thể sử dụng hình thức liên kết theo hợp đồng hoặc hợp nhất. Cho dù áp dụng hình thức liên kết nào thì cũng nên có một tác nhân chủ đạo.

Đối với các sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm chuyên biệt, nhất thiết phải gắn chế biến công nghiệp với xây dựng vùng nguyên liệu, vùng sản xuất tập trung an toàn thực phẩm, dịch bệnh.

Sau khi ông Dương Ngọc Thí kết thúc bài báo cáo của mình, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến đóng góp cho nghiên cứu như nên giới hạn lại phạm vi nghiên cứu để phân tích rõ hơn. Cần có giải pháp liên kết làm sao để tất cả các bên cùng có lợi, tạo nên một tổng thể vững mạnh.


Trần Lan Phương

Tin khác