Báo cáo ngành hàng chè quý III/ 2006

09/03/2007

  1. Diễn biến thị trường chè thế giới

Theo dự đoán của nhà phân tích F.O.Licht, sản lượng chè thế giới năm 2006 lần đầu tiên giảm sút sau 7 năm kể từ 1999, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng hạn hán nặng nề ở các nước châu Phi hồi đầu năm. Trong 8 tháng đầu năm nay, sản lượng chè Kenya chỉ đạt 181,2 nghìn tấn so với mức 209,4 nghìn tấn cùng kỳ năm 2005. Theo số liệu thống kê của Uỷ ban Chè Kênia (TBK), sản lượng chè của nước này trong quý III/06 đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 75 nghìn tấn. Tuy nhiên, hậu quả tai hại của đợt hạn hán đặc biệt nghiêm trọng hồi quý I vừa qua vẫn còn dai dẳng, khiến sản lượng chè của Kênia năm 2006 có thể giảm tới 11% so với năm 2005 và chỉ ở mức 209.000 so với 236.000 tấn. Giám đốc TBK, bà Sicily Kariuki, cho rằng, sản lượng trong quý I/06 giảm mạnh đã dẫn tới sự sụt giảm sản lượng chè của cả năm nay trong khi sản lượng quý III tăng là nhờ điều kiện thời tiết đã thuận lợi hơn. Dự báo, sản lượng chè của Kênia trong quý IV này sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.

Sản lượng chè toàn cầu trong 8 tháng đầu năm 2006 đạt 1050,3 nghìn tấn, thấp hơn so với 1069,3 nghìn tấn cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, việc tăng giá dầu thế giới cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng chè thế giới do giá dầu tăng cao không những làm tăng chi phí nhiên liệu đốt trong quá trình chế biến chè mà còn làm tăng chi phí của phân bón - sản phẩm mà đầu vào chính là dầu mỏ.

Hạn hán tại các nước châu Phi, đặc biệt là Kenya, một trong những nước xuất khẩu chè hàng đầu thế giới, đã mang lại cơ hội cho ngành chè của các nước xuất khẩu lớn khác như Ấn Độ và Srilanka. Cụ thể, trong thời gian từ tháng 1-8/2006, xuất khẩu chè Ấn Độ đã tăng từ 110,6 nghìn tấn cùng kỳ năm 2005 lên 114,1 nghìn tấn. Trong khi đó, khối lượng chè xuất khẩu của Sri Lanka tăng mạnh từ 188,6 nghìn tấn lên 210,5 nghìn tấn. Theo ông Sujit Patra - thư ký của Hiệp hội chè Ấn Độ, xuất khẩu chè của Ấn Độ sẽ tăng trưởng mạnh vào cuối năm nay.

Do việc giảm sản lượng, giá chè có xu hướng đi lên trên thị trường toàn cầu. Giá chè hiện đang có xu hướng đi lên trên phạm vi toàn cầu. Năm 2006, giá chè trung bình của Ấn Độ đạt 65,49 rupee/kg, tăng so với mức 58,23 rupee/kg cùng kỳ năm ngoái. Giá chè Kenya tăng mạnh từ 63,83 rupee/kg lên 91,74 rupee/kg.

Xét riêng trong quý III, diễn biến giá chè trên một số thị trường đấu giá lớn như KenyaBangladesh biến đổi thất thường, phụ thuộc vào nhu cầu mua của khách hàng. Tuy nhiên, có thể thấy sau xu hướng tăng giá trong quý II, đến quý III, giá chè trên cả hai thị trường trên có dao động nhưng không lớn.

Trên thị trường Bangladesh, sau việc giảm giá nhẹ trong 5 tuần đầu tiên của quý III, nhìn chung giá chè các loại (bao gồm Broken, Fannings và Dust) đều tăng lên trong 4 tuần tiếp theo, do sự tham gia của các khách mua từ khối cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và Pakistan. Trong các tuần còn lại của quý III, giá chè các loại trên thị trường Bangladesh lại giảm sút do thiếu vắng các khách mua nước ngoài.

Tại thị trường Kenya, giá của hai loại chè BP1s và PF1s có dao động đôi chút qua các tuần đấu giá, trong đó giá chè BP1s có xu hướng ổn định hơn chè PF1s. Có thể thấy, biên độ dao động của giá còn phụ thuộc vào chất lượng chè.

Nguồn: Tổng hợp tin từ Reuters, Quý III/2006.

Nguồn: Tổng hợp tin từ Reuters, Quý III/2006.

Ghi chú: BP1s: Brighter Best Pekoe Ones

PF1s: Brighter Pekoes Fanning One

  1. Tình hình xuất khẩu và diễn biến thị trường chè Việt Nam

Sau thời gian tăng trưởng nhanh về cả lượng và giá trị xuất khẩu trong quý II, sang đến quý III, xuất khẩu chè của Việt Nam có xu hướng chững lại và giảm sút. Xét về lượng xuất khẩu, sau 4 tháng tăng trưởng liên tục (từ tháng 4 đến tháng 7/2006), khối lượng xuất khẩu chè đột ngột giảm sút vào tháng 8/2006, từ mức 11 nghìn tấn của tháng 7 xuống mức 9,4 nghìn tấn của tháng 8. Tuy lượng xuất khẩu có tăng lên nhẹ vào tháng 9 (ở mức 9.5 nghìn tấn), nhưng do giá xuất khẩu trung bình của tháng 9 giảm, nên giá trị xuất khẩu của các tháng trong quý III đều giảm, từ mức 11,9 triệu USD của tháng 7 xuống 11,4 triệu USD của tháng 8 và 10,7 triệu USD vào tháng 9. Tính đến hết tháng 9/2006, tổng lượng chè xuất khẩu của Việt Nam đạt 74 nghìn tấn, tương đương với 77,5 triệu USD, tăng 30,7% về lượng và 28,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, xét về mặt giá xuất khẩu, hiện giá chè của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với sản phẩm cùng loại của các nước trên thế giới. Đơn giá xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 55-70% so với giá của nhiều nước tuỳ theo mặt hàng chè. Giá chè bình quân 9 tháng đầu năm nay đạt 1.051 USD/tấn, giảm so cùng kỳ năm trước khoảng 2%.

Nguồn: Tổng hợp từ Tổng Cục Thống Kê, quý III/2006

Nguồn: Tổng hợp từ Tổng Cục Thống Kê, quý III/2006

Xét về cơ cấu xuất khẩu theo thị trường, trong quý III/2006, Đài Loan vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với 5.574 tấn (tương đương 6.103 nghìn USD). Bên cạnh đó là các thị trường Ấn Độ (1.688 tấn), Nga (2.864 tấn) và Trung Quốc (2.526 tấn). Đặc biệt, lượng xuất khẩu chè sang Irắc tăng đột ngột, đưa Irắc trở thành một trong những thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm chè Việt Nam (2.313 tấn trong quý III/2006). Riêng lượng xuất khẩu trong quý III chiếm tới 70% tổng lượng xuất sang Irắc tính đến hết tháng 9/2006. Ngoài ra, giá xuất khẩu trung bình sang các thị trường như Irắc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức tương đối cao hơn các thị trường như Đài Loan, Ấn Độ, Nga hay Trung Quốc. Tính đến hết tháng 9/2006, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam có thể được kể tới là Đài Loan, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Irắc, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh. Trong đó, Đài Loan chiếm 19% về lượng và 18% về giá trị, trong khi Ấn Độ đóng góp 8% về lượng và 11% về giá trị, Nga và Trung Quốc cũng đóng góp lần lượt 9% và 7% vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam. So sánh với các thị trường xuất khẩu chính của chè Việt Nam năm 2005, có thể thấy cơ cấu xuất khẩu theo thị trường của chè Việt Nam có sự biến động. Ngoài 4 thị trường truyền thống là Đài Loan, Nga, Đức và Ba Lan, các nước nhập khẩu một lượng tương đối lớn chè Việt Nam trong năm 2005 bao gồm Pakistan, Ukraina, Mỹ, Singapore, Pháp và Nhật Bản được thay thế bởi các nước Ấn Độ, Irắc, Trung Quốc, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh trong năm 2006.

  1. Một số nhận định và dự báo

Theo dự báo của bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, năm 2006 trị giá xuất khẩu chè của cả nước sẽ đạt khoảng 110 triệu USD, tăng 10 triệu USD so với năm 2005. Đây sẽ là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam vượt mức 100 triệu USD với số lượng khoảng 95 nghìn tấn chè các loại.

Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, tại 20 tỉnh vùng chè tập trung của cả nước có 240 cơ sở chế biến công nghiệp, tổng công suất trên 3.100 tấn búp tươi/ngày (600.000 tấn búp tươi/năm). Tuy nhiên, với sản lượng chè búp tươi như năm 2005 thì mới đáp ứng được 88% nhu cầu nguyên liệu chè búp của các cơ sở chế biến công nghiệp. Đó là chưa kể, hàng trăm cơ sở chế biến chè thủ công, bán công nghiệp cũng tham gia thu mua nguyên liệu để sơ chế và nhiều cơ sở đấu trộn ướp hương đóng gói chè.

Theo Bộ NN-PTNT, tại các tỉnh vùng chè miền núi phía Bắc, sự phát triển quá nhiều cơ sở chế biến không cân đối với nguyên liệu gây nên tình trạng tranh chấp nguyên liệu khá gay gắt trong nhiều năm qua, đặc biệt ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang... Phú Thọ có 75 cơ sở chế biến. Song, riêng nhu cầu nguyên liệu tại chỗ của các Công ty chè Phú Bền, Phú Đa và của tư nhân đã lên tới 175.000 tấn chè búp tươi/năm. Trong khi đó, sản lượng chè búp năm 2005 mới đạt 63.700 tấn, chỉ đáp ứng được 36% nhu cầu nguyên liệu của các cơ sở chế biến trên địa bàn.

Tại Hội nghị phát triển chè các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương cần rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế biến chè một cách phù hợp nhất. Các địa phương phải có kế hoạch rà soát, đánh giá năng lực thiết bị, công nghệ và khả năng cung cấp nguyên liệu của các cơ sở chế biến trên địa bàn. Từ đó, kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy đăng ký kinh doanh đối với các đơn vị không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Bộ khuyến khích các cơ sở áp dụng tiêu chuẩn về chất lượng, ATVSTP đối với chè như ISO-9001:2000 và HACCP. Bên cạnh đó, từng địa phương phải đảm bảo điều tiết, phân vùng nguyên liệu của các cơ sở chế biến để khắc phục cả hai xu hướng: tranh chấp trong thu mua hoặc ép cấp (phẩm cấp chè), ép giá đối với người sản xuất.

Bộ NN-PTNT cho biết, miền núi phía Bắc là vùng chè phát triển sớm nhất, có diện tích lớn nhất nước. Tại đây, đã có những loại chè nổi tiếng trong nước và trên thế giới như Tân Cương (Thái Nguyên), Thanh Ba (Phú Thọ), Mộc Châu (Sơn La), Shan tuyết Suối Giàng (Yên Bái)... Tổng diện tích chè toàn vùng năm 2005 xấp xỉ 90.800ha, chiếm 80,7% diện tích chè toàn quốc. Trong đó, Thái Nguyên là địa phương có diện tích chè lớn nhất trong vùng với 16.400 ha (18,1%).

Mặc dù tốc độ tăng diện tích chè cao trong vòng 10 năm qua (1996-2005), lên tới gần 150%, nhưng sản lượng chè vẫn thiếu hụt do không chạy theo nổi số lượng nhà máy, cơ sở chế biến và do năng suất chè không cao. Trên 70% diện tích chè hiện sử dụng các giống chè chất lượng trung bình. Hầu hết diện tích chè phân tán của các hộ dân còn làm đất bằng thủ công. Diện tích chè được tưới nước chỉ chiếm khoảng 2%.

Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn dự báo trong vòng 3-5 năm tới lượng chè gói tiêu thụ trên thị trường Nga sẽ chiếm 30-35% tổng lượng chè tiêu thụ hàng năm, tăng khoảng 20-30% so với mức hiện nay. Mỹ cũng là thị trường tiêu thụ chè lớn thứ 8 với cơ cấu chè đen chiếm tới 84%. Còn lại khoảng 65% lượng chè chế biến dưới dạng tinh chế, các sản phẩm đặc sản phục vụ nhu cầu nội địa.

Thị trường chè xuất khẩu của Việt Nam chưa thật sự ổn định, do chất lượng chè không cao và được bán dưới dạng nguyên liệu là chính. Việc xây dựng thương hiệu cho chè cũng chưa được quan tâm. Chỉ mới gần đây, chè của Việt Nam mới được các nhà nhập khẩu biết đến với biểu tượng chè ba lá - tên giao dịch là Vinatea. Tuy nhiên, thương hiệu Vinatea của VITAS có vẻ chưa thực sự khẳng định được uy tín cho ngành chè đen xuất khẩu, biểu hiện ở việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu với khối lượng lớn mà không cần mang thương hiệu Vinatea, và ngược lại.

Có thể thấy, các hoạt động như hội thi chất lượng chè được tổ chức tại Thái Nguyên tháng 9 vừa qua, hay Lễ hội Văn hoá chè sẽ diễn ra tại Đà Lạt, Lâm Đồng tháng 12 tới sẽ có tác dụng tích cực nhằm lựa chọn, tôn vinh những sản phẩm chè có chất lượng, giới thiệu sản phẩm trà Việt Nam, kỹ thuật sao tẩm, pha chế, giới thiệu nét văn hóa uống trà của Việt Nam... Những hoạt động như thế sẽ tạo điều kiện để giới thiệu ra thế giới sự phong phú của sản phẩm chè Việt Nam nhằm hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu, đưa trà vào hoạt động du lịch của địa phương, tạo ra nét văn hóa uống trà Việt Nam. Đây cũng là dịp để các bên liên quan có cơ hội đối thoại trực tiếp, tìm giải pháp tối ưu cho việc giữ gìn, nâng cao uy tín của chè Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Thông tin thương mại hàng hoá - Bộ Thương Mại: http://www.vinanet.com.vn/Eachofgoods.aspx?mh=TEA

2. Chuyên trang chè - Trung tâm tin học Nông nghiệp và thống kê (ICARD), Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn: www.agroviet.gov.vn

3. Chuyên trang chè – Trung tâm thông tin PTNNNT, Viện Chiến lược và chính sách nông nghiệp: http://agro.gov.vn/news/groups_news.aspx

4. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2006, ICARD, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn


Tin khác