Phát triển nông thôn trong giai đoạn hiện nay : Trường hợp Bình Thuận và cây Thanh long.

03/04/2007

Bình Thuận là tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ và nông nghiệp đóng vai trò rất trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phát triển nông thôn nói riêng của địa phương: Năm 2005, nông nghiệp chiếm trên 39% GDP của tỉnh.

Bình Thuận là tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ và nông nghiệp đóng vai trò rất trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phát triển nông thôn nói riêng của địa phương: Năm 2005, nông nghiệp chiếm trên 39% GDP của tỉnh.

Trong nông nghiệp, trồng trọt là ngành đóng góp giá trị kinh tế cao nhất (80% tổng giá trị sản xuất của nông nghiệp, 2005). Các loại cây lâu năm bao gồm cây công nghiệp lâu năm (cao su, hồ tiêu, điều, v.v..) và cây ăn quả là những loại cây trồng đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của nông nghiệp Bình Thuận trong những năm vừa qua.

Tuy thanh long là loại cây lâu năm có diện tích đứng thứ ba (5.799 ha, 2005) sau điều (25.216 ha) và cao su (12.515 ha), song thực tế các hoạt động kinh tế-xã hội gắn liền với cây thanh long lại thể hiện rõ nét nhất những biến đổi kinh tế-xã hội nói chung trong biến đổi trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng của Bình Thuận trong giai đoạn hiện nay.

Cơ cấu GDP của tỉnh Bình Thuận

(2001-2005, đv: triệu đồng)

Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp Bình Thuận (2005, đv: triệu đồng)

(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bình Thuận, 2005)

(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bình Thuận, 2005)

Thanh long hiện được trồng chủ yếu tại huyện Hàm Thuận Nam, chiếm tới 63,5% tổng diện tích. Tại đây, người ta chỉ cần biết số “trụ” thanh long mà mỗi gia đình có được là có thể đánh giá được mức độ phát triển kinh tế hay mức độ giàu có/khó khăn của các hộ gia đình đó. 100 trụ thanh long tương đương với diện tích khoảng 1 sào (500 m2), 1 mẫu đất canh tác do vậy có thể trồng được 1000 trụ hay “một thiên trụ”. Một trụ thanh long nếu được chăm sóc tốt có thể cho thu về 150.000-200.000/một năm, sau khi trừ chi phí thì thu nhập có thể đạt 100.000-150.000/năm. Như vậy, nếu một gia đình có 1 mẫu đất canh tác thì thu nhập có thể đạt 100-150 triệu/năm. Phần lớn các hộ gia đình mà chúng tôi có dịp khảo sát trong chuyến đánh giá nhanh vào tháng 3/2007 vừa qua có diện tích trồng thanh long từ trên 1 mẫu cho tới gần 2 mẫu. Số hộ trên trên 5 mẫu (hay trên 25000m2) là không nhiều.

Phân bổ diện tích trồng Thanh long tại Bình Thuận (2005)

Diện tích cho sản phẩm (ha)

Năng suất (tạ/ha)

Sản lượng (tấn)

Tổng

4.880

198,4

96.806

Phan Thiết

230

64,6

1.485

Tuy Phong

16

162,5

260

Bắc Bình

230

150,0

3.450

Hàm Thuận Bắc

1.172

154,2

18.074

Hàm Thuận Nam

3.097

232,4

71.968

Tánh Linh

7

180

126

Đức Linh

-

-

-

Hàm Tân

128

222

1.443

Phú Quý

-

-

-

(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bình Thuận, 2005)

Ngô Vi Dũng - Nguyễn Văn Y (Agroinfo)

!!Cây thanh long thông thường chỉ cho thu nhập từ năm thứ 3 trở đi, hai năm đầu phải tốn nhiều

chi phí đầu tư và chăm sóc. Điều này giải thích cho hiện tượng vay vốn là phổ biến đối với hầu

hết các hộ trồng thanh long. Mặt khác, chính vì vậy, diện tích canh tác thanh long nhiều chưa hẳn đã đồng nghĩa với việc thu nhập của gia đình sẽ cao. Mặc dù vậy, diện tích trồng cây thanh long thực sự là một chỉ báo tốt để đánh giá về thực trạng cũng như khả năng tăng thu nhập của các hộ gia đình.

Chi phí đầu tư cho cây thanh long

(tính cho 1ha)

Năm thứ nhất

- Trụ (xi măng) gồm đóng trụ, xuống trụ, mua giống và xuống giống: 45-50 triệu

- Phân (phân chuông, phân hóa học và tiền thuê bón phân): 15-16 triệu

- Tưới: 8 triệu

- Rơm: 2 triệu

- Chi phí khác (thuê nhân công làm cỏ, v.v..): 10 triệu

Tổng cộng: 80-100 triệu đầu tư năm đầu chưa có thu cho 1ha thanh long

Năm thứ hai

- Tiền phân: 15-16 triệu

- Làm cỏ: 2,5 triệu

- Rơm: 4-5 triệu

Tổng cộng: 20-25 triệu cho năm thứ hai. Năm này bắt đầu cho trái vụ mùa (chính vụ), trong trường hợp tốt nhất có thể thu nhập 10-15 triệu.

Năm thứ ba

- Phân: 20-22 triệu

- Điện: 75-80 triệu (gồm 55 triệu cho bình điện (biến thế, biến áp?) + 10 triệu tiền dây + 10 triệu tiền điện)

Tổng cộng từ 100-120 triệu. Năm thứ ba bắt đầu cho thu nhập với hai vụ (vụ mùa-chính vụ, và vụ điện-trái mùa). Trong trường hợp tốt nhất, có thể thu nhập từ 80-100 triệu.

Từ năm thứ tư:

Chi phí gần tương đương với năm thứ 3, song thu nhập có thể cao hơn (150-200 triệu). Cây thanh long có thể cho thu hoạch tới vụ thứ 15-20, nhưng cao điểm từ vụ thứ 4-10.

Cây thanh long có thể cho thu hoạch quanh năm, phân làm hai vụ: Chính vụ (hay “vụ mùa”) từ tháng 5-8 âm lịch, và trái vụ (hay “vụ điện”) từ tháng 9-4 âm lịch. Nguồn thu nhập chủ yếu đến từ “vụ điện” hay trái vụ vì khi đó trái thanh long mới ngon và được giá hơn. Tuy nhiên, chỉ từ năm thứ 3 trở đi thì mới có trái vụ và phải đầu tư khá lớn cho việc thắp điện vào ban đêm để kéo dài thời gian hoạt động ban ngày của cây thanh long.

Có thể chia các hộ gia đình tại đây làm 03 nhóm với ba nguyên nhân khá giả/khó khăn liên quan chặt chẽ với cây thanh long:

- Nhóm thứ nhất: Đó là những hộ có diện tích trồng thanh long rộng, trồng thanh long sớm nên đã đi vào thời kì cho thu nhập từ lâu (từ năm thứ 3 trở đi) nên khả năng thu nhập và tích lũy cao. Thông thường đó là những hộ có diện tích trồng thanh long từ trên 2ha trở lên.

- Nhóm hộ thứ hai: Đó là những hộ có diện tích trồng thanh long tương đối (khoảng 0,5-1ha), bắt đầu hoặc đã đi vào thời kì cho thu nhập được một thời gian ngắn, bắt đầu có khả năng tích lũy và tái đầu tư vào cây thanh long mà không cần phải đi vay vốn.

- Nhóm hộ thứ ba: Đó là những hộ thực sự khó khăn vì diện tích trồng thanh long ít, bắt đầu trồng thanh long muôn, ít vốn và phải đi vay vốn để đầu tư mở rộng diện tích trồng cây thanh long. Những hộ này thường có hai hoạt động nông nghiệp song song là trồng thanh long và trồng lúa, hoa màu.

Qua khảo sát và tổng hợp, chúng tôi nhận thấy rằng ba nhóm hộ gia đình khác nhau về điều kiện phát triển cây thanh long có ba hướng quan tâm, lo lắng và các nhu cầu khác nhau mà chính sách phát triển nông thôn của địa phương trong thời gian tới cần phải lưu ý:

- Đối với nhóm hộ khá và giàu, điều mà họ quan tâm nhất hiện nay không phải là những khoản đóng góp tại địa phương hay khả năng về vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, các vấn đề về đất đai, thủy lợi phí, v.v.... Điều mà họ quan tâm, lo lắng đó là khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long và sự ổn định của giá cả. Hiện nay thanh long của cả huyện Hàm Thuận Nam cũng như của tỉnh Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc (ước tính của cán bộ và người dân địa phương là khoảng 80-85%, không có số liệu chính thức). Điều mà họ biết chắc là giá cả thanh long trong những năm tới, cùng với việc mở rộng diện tích, sẽ còn có nhiều biến động bất lợi, nhưng khi nào điều đó xảy ra và cách ứng phó ra sao thì họ chưa có phương án cụ thể. Do đó, mong muốn của họ hiện nay là nhận được những tư vấn, giúp đỡ về thông tin giá cả, thị trường, trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường trong khu vực châu Á (chứ không phải châu Âu, Mỹ vì theo họ điều kiện khí hậu của châu Á thích hợp với việc sử dụng thanh long tươi hơn là các nước Âu, Mỹ).

- Nhóm hộ thứ hai thuộc nhóm bước đầu có tích lũy về vốn, đất đai và có khả năng cũng như có nhu cầu mở rộng, phát triển sản xuất. Nhóm hộ này một mặt vẫn còn có một nhu cầu nhất định về vốn do mức độ tích lũy chưa thực sự dồi dào, mặt khác, vẫn gặp nhiều khó khăn ngay trong việc tiêu thụ nội địa cho các tư thương (vựa) thu mua thanh long. Khó khăn chính của các hộ này đó là việc chuyển đổi đất hàng năm sang trồng cây thanh long (thuộc dạng cây lâu năm). Hiện nay, tốc độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay cả với đất hàng năm tại hai địa phương còn rất chậm (ước tính mới đạt 30-40%). Nếu vay vốn bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hàng năm, mức vay tối đa cho 1mẫu tại Ngân hàng NN&PTNT chỉ từ 15-20 triệu đồng. Trong khi đó, với cùng diện tích trồng cây thanh long, có thể vay ban đầu từ 45-60 triệu đồng. Thực tế, người dân tại hai địa bàn khảo sát (Hàm Minh, và đặc biệt là tại Hàm Thạnh), đã tự động chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa và hoa màu sang trồng thanh long và không làm thủ tục xin chuyển đổi với chính quyền địa phương. Về nguyên tắc, điều này là trái với quy định pháp luật. Chỉ một khi cần vốn để đầu tư cho cây thanh long, thì các hộ gia đình mới bắt đầu đi xin chuyển đổi và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần diện tích chuyển đổi, nhưng tốc độ là rất chậm. Do đó, nguyện vọng của họ là được nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng đất đai và vay vốn, mở rộng phát triển cây thanh long.

Quy trình xét duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại các địa bàn khảo sát hiện cơ bản diễn ra như sau:

o Hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi làm đơn xin chuyển đổi.

o Văn phòng “một cửa” của xã xác minh (theo quy định là sau 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn của hộ gia đình).

o Chuyển đơn của hộ gia đình lên Phòng đăng ký đất đai của huyện đặt tại Phòng Tài nguyên và Môi trường (theo quy định là sau 1 tháng kể từ ngày nhận được đơn của hộ từ cơ sở chuyển lên).

Tuy nhiên, một mặt quá trình này vẫn diễn ra chậm vì (theo cán bộ cấp xã) số lượng cán bộ địa chính xã chỉ có 01 người trong khi nhu cầu xác minh lại lớn. Mặt khác, như đã nói ở trên, các hộ gia đình thường chỉ khi cần vay vốn mới bắt đầu xin chuyển đổi, trong khi bản thân diện tích trồng cây hàng năm có thể vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Nhóm hộ thứ ba thực sự là những hộ khó khăn một mặt vì thiếu lao động, thiếu ruộng đất, thiếu vốn và tri thức, kinh nghiệm. Những hộ này hiện nay chủ yếu sống dựa vào trồng lúa và hoa màu, và bước đầu có trồng thanh long nhưng với số lượng rất hạn chế. Bên cạnh đó, để tăng nguồn thu nhập, họ đi làm thuê ngay trong địa bàn. Đối với những gia đình mà không có sức lao động thì cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn hơn. Nhóm hộ này mong muốn được tiếp tục miễn giảm các khoản đóng góp tại địa phương (quỹ, giáo dục, y tế, v.v…). Đồng thời một số cũng có nguyện vọng được vay vốn để phát triển cây thanh long trên diện tích đất đai hiện có.

Trồng và bán thanh long là nguồn tạo thu nhập chính cho các hộ gia đình và chính quyền cơ sở tại hai địa bàn khảo sát của Bình Thuận. Do vậy, những điều kiện thuận hay khó khăn tác động tới cây thanh long cũng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế-xã hội tại đây. Một số vấn đề khác mà chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương cần phải lưu ý là:

Thứ nhất, quá trình mở rộng diện tích trồng cây thanh long đồng nghĩa với việc tăng cường sử dụng các nguồn nước tưới tiêu. Hiện tại, hệ thống thủy lợi tại đây mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu sản xuất, và chủ yếu đóng vai trò trong việc điều tiết nước hơn là tăng nguồn nước. Các hộ gia đình, với việc mở rộng diện tích thanh long ra xa những địa bàn có nguồn nước mặt tự nhiên và hệ thống thủy lợi, phải sử dụng nước ngầm là chính. Ở thời điểm hiện tại, việc sử dụng nước ngầm cũng đã gặp khó khăn do một số nơi không đủ lượng nước cho sản xuất. Hơn nữa, khi diện tích trồng thanh long được mở rộng thì khả năng khai thác nước ngầm sẽ mạnh hơn, nguy cơ thiếu nước là rất rõ ràng.

Thứ hai, đó là tính quy hoạch trong phát triển cây thanh long. Chúng tôi chưa nắm được kế hoạch cụ thể của địa phương (các cấp) về phát triển cây thanh long, song qua thực tế chuyển đổi tự phát của các hộ gia đình trong hai xã khảo sát (từ đất trồng lúa và hoa màu sang trồng thanh long) cũng đã cho thấy quy hoạch phát triển cây thanh long, nếu có, cũng không được thực hiện trên thực tế. Trong khi đó, thị trường của cây thanh long lại chưa được mở rộng do bản thân chất lượng, công tác xúc tiến thương mại, năng lực sản xuất của các hộ sản xuất (loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm một tỷ lệ không đáng kể) còn hạn chế. Như vậy, nguy cơ về phát triển cây thanh long theo “phong trào” và những tác động tiêu cực của nó, trước tiên là tới những hộ khó khăn, vốn ít, thiếu kinh nghiệm sản xuất và thị trường sẽ là rất lớn. Số hộ này không phải là ít, gồm phần lớn nhóm hộ thứ hai và toàn bộ nhóm thứ ba như đã nói ở trên.

Thứ ba, hiện nay nhiều hộ dân, đặc biệt tại xã Hàm Thạnh đã bắt đầu sử dụng chất hóa học (thuốc chấm) kích thích cây thanh long tăng trưởng và cho trái nhanh hơn, chi phí rẻ hơn. Loại chất này được sản xuất trong nước, và hiện mới có duy nhất một loại. Chưa có trường hợp ngộ độc nào có trong thực tế, cũng như chưa có nghiên cứu nào chứng minh tác động sức khỏe của các trái thanh long này tới sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng. Song thực tế là loại thanh long này hiện cũng không xuất khẩu được, và bị các chủ vựa thu mua loại ngay từ đầu, chỉ tiêu thụ được ở thị trường nội địa. Trong khi thị trường nội địa không thực sự rộng, bị phụ thuộc vào xuất khẩu và đang có nhu cầu mở rộng thị trường, thì đây là một xu hướng sản xuất thiếu bền vững.

Ngô Vi Dũng - Nguyễn Văn Y (Agroinfo)


Tin khác