Việt Nam - Thị trường bán lẻ tiềm năng

24/05/2007

Hãng nghiên cứu toàn cầu RNCOS khẳng định với vị trí là một trong bảy thị trường bán lẻ sinh lợi và có nhiều tiềm năng trên thế giới. Hiện nay, các nhà phân phối trong và ngoài nước đang phải xếp hàng để giành giật thị phần ở Việt Nam.

Dân số Việt Nam đang đứng thứ 13 trên thế giới với 82 triệu người. Trong đó, 75% dân số Việt Nam sống ở nông thôn. Dự đoán năm 2020, dân số Việt Nam sẽ vượt qua Nhật Bản (nước đang có số dân giảm) và đứng thứ tư châu Á chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Tỷ lệ phát triển dân số sẽ mang lại một vài xu hướng tiêu dùng mới và những thay đổi đáng kể trong thời gian tới.

Hiện nay, Việt Nam chỉ có 10 nhà bán lẻ hiện đại. Trong đó bốn “đại gia” bán lẻ hàng đầu Việt Nam gồm Tổng công ty (TCT) thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Liên Hiệp Hợp tác xã Sài Gòn (Saigon Co.op), Công ty CP Tập đoàn Phú Thái (Phu Thai Group) đã liên kết và thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA). Đây chính là bước khởi đầu để hình thành hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối khổng lồ. Dự báo trong vòng 5 năm tới, con số này ít nhất sẽ tăng lên gấp đôi bởi vì các nhà đầu tư quốc tế và nội địa đã bắt đầu nhìn thấy tiềm năng của thương mại hiện đại ở Việt Nam.

Thị trường bán lẻ đang phát triển

Tăng trưởng kinh tế cũng được đẩy mạnh bởi sự gia tăng tiêu dùng trong nước, chiếm 70% tổng GDP (so với 57% của Singapore, 59% của Malaysia và 68% của Thái Lan). Tổng mức bán lẻ đạt 31 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2004, đặc biệt là thương mại (19%)[1]. Từ năm 1999, thị trường bán lẻ trong nước đã có những bước phát triển nhanh, với tốc độ trung bình 16,6% trong giai đoạn 2001-2005 (so với 12,7% trong giai đoạn 1996-2000). Mức chi tiêu bình quân đầu người một tháng tăng 16% trong năm 2005 (đạt 30 USD). Theo AC Nelson và Phòng thương mại Canada, 63% hộ gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh có thu nhập hơn mức 190 USD/tháng, tăng so với mức 36% của năm 2002. Mức chi tiêu của họ cũng tăng theo; trong năm 2004, có 40% số hộ gia đình đã tiêu hơn 65 USD/ tháng (so với 16% trong năm 1996). Song song với nó là sự phát triển của các hệ thống siêu thị tại hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bảng 1: Tăng trưởng tổng mức bán lẻ

Nguồn: Báo cáo phát triển kinh tế Việt Nam, 2005

Số lượng siêu thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1990 – 2004 tăng đáng kể. Tại thành phố Hồ Chí minh trung bình tăng 17%/năm trong giai đoạn 1990-2004, và tại Hà Nội là 14%. Theo số liệu điều tra của ADB, tính đến năm 2005, Hà Nội đã có 55 siêu thị và thành phố Hồ Chí Minh là 71 siêu thị.

Bảng 2: Sự phát triển của các siêu thị, 1990-2005

Năm

1990

1993

2000

2001

2002

2004

2005

Hà Nội

0

3

25

32

-

-

55

Thành phố Hồ Chí Minh

0

0

24

38

46

-

71

(Siêu thị đựơc hiểu là các cửa hàng với diện tích từ 250 m2 trở lên)

Nguồn: ADB, Siêu thị và người nghèo tại Việt Nam, http://www.markets4poor.org

Thị trường bán lẻ sinh lợi và tiềm năng

Trong báo cáo “Phân tích công nghiệp bán lẻ Việt Nam” vừa được công bố, hãng nghiên cứu, tư vấn toàn cầu RNCOS cho rằng cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp bán lẻ ở Việt Nam dang trải qua giai đoạn chuyển đổi nhanh từ năm 2007-2011. Trong khoảng thời gian này, các tổ hợp buôn bán nhỏ và hệ thống siêu thị sẽ mọc lên khắp nơi, ngày càng thu hút nhiều khách hàng.

Hiện nay, một số đại gia lớn trong lĩnh vực bán lẻ đã đang hiện diện tại Việt Nam như Metro Cash & Carry của Đức hiện đang điều hành 8 siêu thị, với lợi nhuận khoảng 500 triệu USD/năm và tăng trưởng đạt 45%. Sau 8 năm hiện diện ở Việt Nam, Bourbon của Pháp đã thiết lập được mạng lưới 6 siêu thị với thương hiệu Big C ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Một đại gia bán lẻ nổi tiếng khác là Parkson cũng đạt mức tăng trưởng 35% chỉ sau 2 năm hoạt động tại Việt Nam và đang có kế hoạch mở thêm10 trung tâm thương mại.

Các chuyên gia kinh tế của RNCOS dự báo sẽ có thêm hàng loạt đại gia bán lẻ nước ngoài như Wal-Mart, JC Penny, Target…sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam trong những năm tới. Thị trường bán lẻ Việt Nam đang và sẽ tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ (theo báo cáo: Phân tích công nghiệp bán lẻ Việt Nam). Điều đó cũng có nghĩa là lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam sẽ thu hút những khoản đầu tư khổng lồ từ nước ngoài và sẽ ra đời những trung tâm thương mại, mua sắm lớn hơn, hiện đại hơn.


[1] Báo cáo phát triển kinh tế Việt Nam, 2005

Trang Nhung (www.agro.gov.vn)


Tin khác