Phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững

14/11/2007

Chăn nuôi gia cầm tại nước ta là ngành có tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân 7-8% mỗi năm, cho lượng thịt đứng thứ 2 sau chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, do những năm gần đây thường xuyên xảy ra dịch bệnh cộng thêm những bất cập sẵn có nên làm cho ngành này lao đao, lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo dịch tái phát.

Tại hội thảo tổ chức ngày 9-11-2007 tại Hà Nội, các chuyên gia Hiệp hội chăn nuôi gia cầm VN và Hiệp hội XK trứng và gia cầm Hoa Kỳ đã bàn về các "Giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững".

TS. Mark Lobstein, Giám đốc kỹ thuật của Hiệp hội XK trứng và gia cầm Hoa Kỳ, cảnh báo khá cặn kẽ về cúm gia cầm, điều mà cho đến nay, theo ông, vẫn có nhiều người tại Việt Nam chưa chú ý đầy đủ. Ông quan tâm đến nơi phát sinh bệnh ở ngay sát cạnh nước ta: dịch H5N1 bắt đầu từ năm 1996 tại Quảng Đông, Trung Quốc, với độc lực thấp trên ngỗng và độc lực cao (H5N1 A1) trên gà. Tiếp theo, ngay năm 1997, dịch H5N1 HPAI xảy ra tại các trang trại gà và ở các chợ gia cầm sống tại Hồng Công, với 18 ca bệnh nhập viện, 6 tử vong, và chính quyền nơi này đã phải tiêu huỷ 1,4 triệu gà và gia cầm.

Các năm 1999-2000 vẫn lẻ tẻ xuất hiện bệnh ở chợ bán lẻ Hồng Công, và bùng phát trở lại tháng 2 và tháng 3/2001, phải tiêu huỷ 1,6 triệu gà. Thời gian 1999-2002, bệnh trên vịt tại phía nam Trung Quốc.

Ông Mark Lobstein lưu ý, cho đến nay khoa học vẫn chưa lý giải được vì sao mỗi đợt chỉ do một loại virus khác nhau gây ra, cho nên không được chủ quan sau mỗi lần khống chế được đợt dịch. Theo ông, điều nguy hiểm nữa là, phần lớn các virus cúm gây dịch địa phương lại đã thích nghi với con người, dẫn đến sự biến đổi gien bất ngờ. Vì vậy, người chăn nuôi phải theo dõi sát sao gia cầm: khi gia cầm viêm mũi, viêm khí quản, chảy nước mắt, là bị mắc cúm thể độc lực thấp. Nhưng khi chúng ủ rũ, bỏ ăn, xuất huyết ở chân, sưng mào, đầu, chân, là bị độc lực cao, cần phải báo cáo khẩn cấp đến chính quyền và cơ quan thú y ngay.

Tuy nhiên, ông Mark Lobstein cũng cho rằng không nên hoảng hốt, vì nếu nấu thịt gia cầm ở nhiệt độ 70oC dưới 1 giây cũng đủ giết chết virus cúm gia cầm thể độc lực cao; hấp Pasteur các sản phẩm từ trứng sẽ giết chết cả virus cúm gia cầm thể độc lực cao và thể độc lực thấp. TS. Mark Lobstein kết luận: "Ổ dịch cúm gia cầm thể độc lực cao H5N1 ở châu Á là ổ dịch lớn nhất trong số các ổ dịch trong lịch sử cận đại. Các ổ dịch cúm gia cầm có thể làm giảm niềm tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng rộng khắp đến ngành gia cầm và làm mất thị trường xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Cúm gia cầm có thể là mối đe dọa đối với sức khỏe con người, nhưng nguy cơ là khác nhau tuỳ từng chủng virus. Cúm gia cầm thể độc lực thấp không có trong thịt, trong khi cúm gia cầm thể độc lực cao có thể ở trong thịt và có thể truyền cho những con gà khác. Tiêm vắc-xin phòng bệnh có thể ngăn chặn virus gia cầm thể độc lực cao ở trong thịt gà. Nấu chín hoặc hấp Pasteur có thể diệt cả virus gia cầm thể độc lực cao và thể độc lực thấp. Do được tổ chức chăn nuôi khoa học và thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi, nên cúm gia cầm rất hiếm xảy ra trên gia cầm chăn nuôi công nghiệp Mỹ".

Một lần nữa, Cục Chăn nuôi Bộ NN-PTNT nhắc lại một số giải pháp phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam. Đó là: các xã huyện, tỉnh, thành phố cần phải quy hoạch lâu dài cho chăn nuôi gia cầm tập trung; khuyến khích chăn nuôi trang trại, nhất là ở vùng Trung du còn nhiều qũy đất; cần sự hỗ trợ của trung ương về hạ tầng, xử lý chất thải... cho các khu chăn nuôi tập trung. Ngoài chăn nuôi trang trại được khuyến khích phát triển, các hộ chăn nuôi gia cầm nên nuôi theo cách nhốt, có tường bao ngăn cách, không nuôi gia cầm ở thành thị. Chăn nuôi thuỷ cầm cần có kiểm soát, nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh. Tổ chức lại lưu thông, buôn bán, giết mổ gia cầm, quy hoạch lại các chợ đầu mối buôn bán gia cầm sống, bắt buộc phải kiểm dịch; xây dựng các cơ sở, nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm tập trung.

GS-TSKH Lê Hồng Mận và TS. Lê Văn Năm đưa ra biện pháp tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh chăn nuôi gia cầm bền vững một cách khoa học và không khó thực hiện. Các chủ trang trại căn cứ vào đó, chẳng những sẽ biết cách xây dựng dự án, tổ chức quản lý, sản xuất - kinh doanh, mà còn nắm chắc được kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, một số biện pháp an toàn sinh học chăn nuôi gia cầm. TS. Lê Văn Năm nói: "Muốn chăn nuôi thành công và bền vững thì người nuôi phải có những kiến thức cần thiết về các công việc tổ chức, quản lý, phải thực hiện và giám sát các quy trình kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh một cách đầy đủ. Không những thế, phải gắn lợi ích của mình với lợi ích cộng đồng, phải giữ cho môi trường sinh thái luôn ở thế cân bằng, và sẵn sàng chịu sự giám sát của cơ quan chức năng Nhà nước”.

(Theo: Thời báo Kinh tế Việt Nam)


Tin khác