Dự báo lạm phát 2008 sẽ cao hơn 2007!

02/01/2008

Tại cuộc họp báo về thống kê kinh tế - xã hội năm 2007 diễn ra sáng ngày 31/12 tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đưa ra dự báo: Năm 2008, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng 8,5%, tức cao hơn 0,2% so với năm 2007.

Công tác dự báo còn nhiều bất cập

Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Đức Hòa: "Công tác dự báo còn nhiều bất cập, kể cả về tác động của kinh tế thế giới".

Theo bà Trần Thị Hằng, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại, dịch vụ và giá cả thuộc Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng khoảng 8,5%, bởi "một số giá nguyên liệu đầu vào có thể vẫn tăng mạnh, trên thế giới không có xu hướng giảm". Đồng thời, bà Hằng cho hay: "Chúng ta có thể vẫn không lường hết được bất trắc như thiên tai, lũ lụt".

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Hòa cũng khẳng định "quy luật": "Khi tốc độ tăng trưởng cao thì CPI cũng tăng cao". Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng, điều quan trọng là "làm thế nào CPI phải thấp hơn tăng trưởng kinh tế để người dân thực sự được hưởng lợi".

Cho rằng "8,5% là con số chấp nhận được nhưng phải mở ngoặc là còn những yếu tố khó lường", Thứ trưởng Hòa thừa nhận: "Giá tiêu dùng năm nay diễn biến phức tạp. Công tác dự báo của ta còn nhiều bất cập, kể cả dự báo về tác động của kinh tế thế giới. Nhiệm vụ quan trọng của Tổng cục là nâng cao chất lượng các con số kế hoạch cũng như thống kê".

Ông Nguyễn Đức Hòa cũng nhấn mạnh các số liệu: So với tháng 12/2006, chỉ số CPI năm 2007 tăng 12,63%. Nhưng nếu so với trung bình năm 2006 thì chỉ số này là 8,3%.

Liên quan đến lĩnh vực xã hội, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Hòa, tai nạn giao thông vẫn là vấn đề bức xúc: "Bình quân mỗi ngày có 40 vụ tai nạn, làm chết 36 người".

Tổng cục Thống kê cho hay, đời sống của nhân dân tiếp tục ổn định và từng bước được cải thiện. "Việc tăng giá hàng tiêu dùng trong đó có lương thực, thực phẩm đã khuyến khích nông dân sản xuất hàng hóa, tăng thêm thu nhập".

Nông thôn: Lao động chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa

Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đã giảm, nhưng ở một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc ít người, số hộ nghèo còn cao: Lai Châu hơn 55%, Điện Biên trên 40%..

Bức tranh nông nghiệp và nông thôn Việt Nam được Vụ trưởng Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản Phạm Quang Vinh đưa ra còn nhiều mảng sáng, tối. Tuy nông thôn đã có những bước tiến vượt bậc, song không phải vùng nào, địa phương nào cũng được thụ hưởng như nhau.

Theo ông Vinh, trong khi trung bình cả nước có đến 96,9% số xã có đường ô tô đến trụ sở UBND, thì ở Cà Mau, con số này chưa đến 26%.

"Mức chênh lệch giữa thu nhập bình quân của nhóm thu nhập cao nhất và thấp nhất ngày càng tăng: năm 2002 là 6 lần, 2006 đã là 6,5 lần. Ở Đông Nam bộ, thu nhập của lao động doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản là 2,47 triệu đồng/tháng, trong khi ở Tây Bắc chỉ đạt 434.000 đồng", ông Vinh nói.

Ông Phạm Quang Vinh cũng chỉ rõ: "Kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng lao động nông thôn cũng là một bất cập, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn quá thấp, "chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn".

Theo ông Vinh, trong số gần 23 triệu lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ 1,35% có trình độ sơ cấp, công nhân kỹ thuật, 0,89% có trình độ trung cấp, 0,11% có trình độ đại học và trên đại học, phần lớn là lao động phổ thông, giản đơn, làm việc theo kinh nghiệm.

"Đây là nguyên nhân căn bản khiến năng suất lao động trong nông, lâm nghiệp, thủy sản còn rất thấp và là trở ngại lớn trong quá trình đẩy nhanh công nghiệp hóa nông thôn hiện nay", ông Vinh nhấn mạnh.


Tin khác