Các vấn đề đặc thù của Tỉnh Đắk Nông

02/01/2009

Tỉnh Đắk Nông thành lập năm 2004 sau khi được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk. Là một tỉnh mới thành lập, Đắk Nông có nhiều hạn chế và khó khăn. Những hạn chế này có thể thấy rõ rệt nhất ở các tổ chức cấp tỉnh mới hình thành. Trong khi đó, các tổ chức cấp thấp hơn hầu như không bị ảnh hưởng bởi quá trình tách tỉnh.

Đắk Nông là một trong những tỉnh nghèo nhất của Việt Nam. Mặc dù dân số tương đối ít so với diện tích đất, nhưng một bộ phận lớn nông dân vùng cao thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số chính vẫn còn rất nghèo và có ít cơ hội để thoát nghèo nếu không có hỗ trợ từ bên ngoài.

Chương trình này sẽ hỗ trợ cho các nông dân nghèo vùng cao, chủ yếu là những người dân tộc thiểu số tại địa phương, nâng cao năng suất và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thông qua hỗ trợ kỹ thuật và quản lý có chất lượng tốt hơn từ các đơn vị cung cấp dịch vụ hiện có trong địa phương, đồng thời giúp người nông dân có thể đa dạng hoá các hoạt động sản xuất của mình nhờ khai thác thêm tiềm năng đất rừng và các lâm sản.

Nông nghiệp của Đắk Nông cũng gặp phải những khó khăn giống như hầu hết các tỉnh khác của Việt Nam. Nhưng khác với các tỉnh khác, Đắk Nông vẫn có những khu vực thích hợp có thể được sử dụng để mở rộng sản xuất nông nghiệp và các hình thức sản xuất nông thôn khác. Mặc dù trong 20 năm qua nhiều diện tích rừng đã bị chặt phá phục vụ mục đích nông nghiệp, vẫn còn nhiều khu vực rừng có thể được sử dụng một cách hiệu quả nếu vấn đề môi trường được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có những kỹ thuật và hình thức sản xuất mới cũng như công tác lập kế hoạch thận trọng nhằm i) không gây thêm tác động xấu tới môi trường và nhu cầu bảo vệ đa dạng sinh học, và ii) kết hợp được với các mục đích sử dụng khác mang tính cạnh tranh trên cùng một khu vực (như sản xuất gỗ).

Một điều kiện tiên quyết để có thể tăng lợi nhuận trong hoạt động sản xuất nông nghiệp vùng cao là người dân cần có đầy đủ và được bảo đảm về quyền sử dụng đất đai đối với đất canh tác cũng như đất rừng. Hiện nay, hầu hết đất canh tác ở các khu vực vùng cao chưa được đăng ký cấp phép sử dụng hay phân bổ theo đúng pháp luật do năng lực của các phòng địa chính huyện còn hạn chế. Chương trình sẽ hỗ trợ địa phương đẩy nhanh quá trình giao đất giao rừng.

Hiện có một số phương án về quyền sử dụng đất khác nhau bao gồm quản lý cộng đồng và đặc biệt đối với đất rừng là quản lý theo nhóm. Đã có một số thử nghiệm được tiến hành trên quy mô nhỏ nhưng chưa được triển khai nhân rộng trên quy mô bởi một phần do người nông dân và cán bộ hành chính đều chưa quan tâm đến các phương án, một phần khác là do trong một số trường hợp, các thử nghiệm này phải điều chỉnh theo hệ thống mẫu hệ của cộng đồng dân tộc thiểu số trong vùng.

Tóm lược lịch sử các dân tộc tại Đắk Nông

Trong thời kỳ Pháp thuộc, tỉnh Đắk Lắk (khi còn bao gồm cả tỉnh Đắk Nông) cũng như nhiều tỉnh khác ở khu vực Cao nguyên Miền trung được coi là khu vực của cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là cộng đồng dân tộc người Eđê, M’nông, và Gia Rai. Tuy nhiên, hơn 50 năm qua, nhiều người dân ở các khu vực khác cũng đến đây định cư và hiện nay có đến 80% cộng đồng dân cư ở đây là dân di cư hoặc con cháu của những thế hệ dân di cư đầu tiên. Trong khi người dân tộc Kinh là cộng đồng dân di cư tới đầu tiên và cũng là cộng đồng lớn nhất hiện nay, trong vòng hơn 10 năm qua cũng có nhiều làn sóng di cư mới của nhiều cộng đồng dân tộc khác từ các khu vực miền núi phía bắc đổ về. Hiện nay, cộng đồng dân tộc thiểu số miền Bắc chiếm từ 10 – 25% tổng số dân cư, mở ra một khu vực dân cư đa dạng với 43 nhóm dân tộc.

Việc di cư hàng loạt cũng gây ra nhiều thay đổi lớn về tình hình môi trường, xã hội và kinh tế trong tỉnh.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp được mở rộng cũng kéo theo sự suy giảm đáng kể diện tích che phủ rừng. Năm 1980, Đắk Lắk được coi là tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước với một số rừng tự nhiên được bảo tồn hầu như nguyên vẹn. Trong vòng 9 năm từ năm 1992 đến năm 2000 diện tích rừng tự nhiên đã giảm bớt 240.000 ha và mặc dù cho tới nay tốc độ này đã giảm bớt nhưng việc phá rừng để làm nông nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra. Trước đây, hầu hết đất rừng được chuyển đổi thành đồn điền trồng cà phê, tuy nhiên do cà phê mất giá, cây cà phê đang được thay thế bằng các cây trồng khác.

Do diện tích che phủ rừng sụt giảm mạnh, đa dạng sinh học ở cũng đang giảm sút nhanh. Hơn thế, độ che phủ rừng giảm đi cũng khiến cho các hệ thống tạo nguồn nước tự nhiên thay đổi. Cùng với thực tế là nhu cầu sử dụng nước phục vụ tưới tiêu ngày càng gia tăng, trong một vài năm trở lại đây, vào một số thời điểm, khu vực đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Báo cáo đánh giá Kế hoạch hành động ngành nước Srepok cho thấy tình hình sử dụng nước hiện nay là không bền vững và các hồ nước ngầm đang bị khai thác quá mức so với tốc độ tái tạo của nguồn nước này.

Cũng do canh tác không bền vững, độ màu mỡ trong đất giảm dần, dẫn tới tình trạng xói mòn đất đai, năng suất canh tác giảm và chi phí sản xuất ngày càng tăng cao. Tình trạng đất đai bị xói mòn cũng có ảnh hưởng lớn đến hiện tượng mất đất bề mặt, đặc biệt là vào mùa mưa dù hiện tượng này xảy ra ít hơn trong mùa khô. Bên cạnh đó, tình trạng xói mòn đất cũng gây trở ngại lớn cho hệ thống thuỷ lợi trong tỉnh vì các hồ chứa nhanh chóng bị bùn lắng tích tụ.

Nhờ tốc độ phát triển mở rộng sản xuất nông nghiệp và cà phê được giá vào giữa những năm 1990 tình hình kinh tế ở đây phát triển mạnh vào thời điểm đó. Nhưng trong vòng 5 năm qua điều kiện kinh tế ở đây có phần giảm sút, ít nhiều do giá cà phê thấp đi và tình hình cạnh tranh đất đai ngày càng cao. Nhiều khu đất của hộ gia đình đã bị chia nhỏ ra để bán hoặc do chuyển giao quyền thừa kế khiến cho việc sử dụng đất đai mất dần tính bền vững về mặt kinh tế. Lao động dư thừa trong ngành nông nghiệp hầu như không có cơ hội để chuyển sang làm ở các ngành kinh tế khác.

Dòng người nhập cư từ các địa phương khác đã dẫn đến những thay đổi lớn trong đời sống của những cư dân sinh sống lâu đời ở tỉnh. Trước đây, người dân Êđê, M’nông và Gia Rai thường có tập tục kết hợp canh tác trên các vùng đất có thể canh tác được kết hợp với hoạt động chăn nuôi. Những diện tích đất có thể canh tác được chủ yếu kết hợp canh tác lúa nước ở dưới chân thung lũng và canh tác luân vụ lúa nương, đây là vụ canh tác chính, theo mùa mưa trên những vùng đất đồi. Các ruộng lúa được sử dụng trong vòng 3 đến 5 năm, tuỳ thuộc vào độ màu mỡ, mật độ cỏ dại và sau thời gian đó sẽ được bỏ trống từ 20 đến 30 năm. Các khu vực đất rừng mặc dù đã bị khai thác quá mức vẫn được coi là một nguồn kinh tế chiến lược quan trọng vì đây là nguồn cung cấp, khai thác cây dại làm lương thực, đồ dùng và hàng thủ công mỹ nghệ cũng như làm thuốc chữa bệnh trong vùng. Các khu vực đất rừng còn là nơi để cung cấp thức ăn và chăn thả gia súc, trâu bò.

Nhiều năm qua, những người dân tộc thiểu số tại địa phương này sinh sống còn khá tách biệt với hệ thống của nhà nước. Trong thời kỳ Pháp thuộc, vai trò của họ chưa được chính quyền trung ương lưu ý và quan tâm đầy đủ. Trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ và kể từ sau khi thống nhất đất nước, các cơ quan chính quyền nhà nước mới bắt đầu được hình thành. Những biện pháp chính mà bộ máy chính quyền mới đưa ra là “ổn định” các nhóm dân di cư, quốc hữu hoá đất rừng và đưa vào áp dụng hệ thống luật pháp quốc gia, trong đó gồm cả luật hôn nhân gia đình và luật thừa kế.

Tốc độ chặt phá rừng nhanh chóng của dân di cư đã đẩy nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây đi sâu hơn vào khu vực đất rừng hoặc khiến cho họ không có cơ hội sử dụng đất rừng. Nhiều người hoàn toàn bị mất hết đất nông nghiệp do họ bán đất đi hoặc bị thu lại để phục vụ phát triển các Vùng Kinh tế Mới, các xí nghiệp hay nông trường quốc doanh. Quá trình này đã được củng cố với chính sách quốc gia về “sắp xếp và ổn định” dân cư- qua đó các nhóm dân di cư thiểu số được khuyến khích định cư tại các thôn bản dọc theo các tuyến đường để tham gia và đồng thời hưởng lợi từ quá trình phát triển đất nước.

Hậu quả kinh tế của chính sách này không thích hợp với hầu hết các nhóm dân tộc thiểu số. Nếu như trước đây họ có thể sống dựa vào nhiều hoạt động kinh tế khác nhau, khai thác nhiều nguồn tài nguyên đa dạng thì chính sách mới đã buộc những người dân tộc thiểu số nơi đây phải hoàn toàn lệ thuộc vào chỉ một hoạt động kinh tế chính, canh tác lúa nước hoặc cà phê theo các thửa đất nhỏ của từng hộ gia đình. Do kiến thức về các kỹ thuật canh tác mới còn thấp, cơ sở hạ tầng không đảm bảo nên năng suất và thu nhập sản xuất ngày càng giảm và tình hình nghèo đói ngày càng lan rộng. Trong tổng số khoảng 90.000 hộ nghèo hiện nay, có trên 50% hộ dân là người dân tộc thiểu số gốc tại địa phương và từ miền Bắc vào. Chính vì vậy, cũng không sai nếu đưa ra con số ước tính khoảng 75% tổng số hộ dân tộc thiểu số tại hiện nay đang sống dưới mức nghèo khổ.

Ngược với xu thế chung của các nhóm dân tộc mới di cư từ miền bắc vào - hầu hết là các hộ có đủ nguồn lực để thoát nghèo mà không cần có sự trợ giúp đặc biệt - tình hình nghèo khổ trong nhóm người dân tộc thiểu số gốc tại địa phương ngày càng trầm trọng và bị coi như “dịch nghèo”.

Các nhóm dân tộc thiểu số trong vùng đang gánh chịu những hậu quả xã hội mà họ khó có khả năng thay đổi. Bị đẩy xa khỏi đất rừng đã làm suy giảm mô hình buôn làng truyền thống. Bộ máy chính quyền và quyền lực được hình thành theo kiểu “cha truyền con nối” và việc miễn cưỡng chấp nhận chính thức các tập quán mẫu hệ đối với tài sản của người dân đã khiến cho cơ cấu tổ chức xã hội ở địa phương ngày càng yếu đi. !!

Các huyện mục tiêu

Các huyện Đắk Glông và Krông Nô được chọn cho các hoạt động thí điểm của Hợp phần cấp tỉnh, Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Hai huyện được lựa chọn đều thuộc khu vực miền núi; hoạt động canh tác nông nghiệp chủ yếu là canh tác sườn dốc và chăn nuôi gia súc. Ngoài hoạt động canh tác để tự tiêu dùng, hầu hết các hộ đều sản xuất các nông sản hàng hóa như sắn, ngô, cà phê và hồ tiêu.

Việc giao đất giao rừng mới chỉ được thực hiện rất ít và cũng chưa có nhiều thành công. Một phần nguyên nhân là do nông dân còn thiếu thông tin và chưa tham gia vào quá trình giao đất giao rừng, một phần khác là do nông dân vẫn chưa nắm rõ về quyền của mình cũng như chưa nhận thức được nhiều về cách sinh lợi từ đất rừng.

Tổng dân số huyện Đắk Glông là 27.300 người và huyện Krông Nô là 55,900 người. Hầu hết các hộ sống ở khu vực nông thôn và đều tham gia sản xuất nông lâm nghiệp. Hai huyện này là hai trong số những huyện nghèo nhất của tỉnh Đắk Nông. Đắk Glông là một huyện mới được thành lập, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn và chưa có cán bộ được đào tạo cần thiết.

Hiện chưa có các số liệu tổng hợp về tình trạng đói nghèo của hai huyện nhưng theo số liệu của một xã trong tại huyện Đắk Glông cho thấy tình trạng đói nghèo diễn ra không đồng đều giữa các nhóm dân tộc. Theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ đói nghèo được xác định khoảng 55% số dân tộc nhập cư từ phía bắc và khoảng 45% trong cộng đồng dân tộc gốc địa phương. Chỉ có 10% dân số dân tộc Kinh rơi vào nhóm nghèo này.

Với 35% số dân là các dân tộc thiểu số gốc địa phương, chủ yếu là người Ma và Mnông; và thêm 40%% là các nhóm dân tộc nhập cư từ phía Bắc, chủ yếu là người H’mông, huyện Đắk Glông là huyện có tỷ lệ dân tộc gốc địa phương cao nhất và cũng là huyện có tỷ lệ dân tộc cao nhất trong tỉnh

Huyện Krông Nô có khoảng 14% dân số là dân tộc thiểu số gốc địa phương cùng với khoảng 28% là các nhóm dân tộc di cư từ phía bắc. Đây là huyện có tỷ lệ dân tộc cao thứ hai trong toàn tỉnh.

Sự phân bố các nhóm dân tộc thiểu số không đồng đều tại các xã- hầu hết ở mỗi xã đều có các cộng đồng dân cư gốc địa phương và cả cộng đồng dân tộc nhập cư. Số liệu từ huyện Đắk Glông cho thấy người Kinh có xu hướng tập trung ở một số xã nhất định.

Ở cấp thôn/buôn, cơ cấu dân số theo nhóm dân tộc ít khác nhau hơn và ở hầu hết mỗi thôn/buôn đều có một nhóm dân tộc chủ đạo. Nhìn chung, các thôn/buôn đều thực hiện tốt chức năng xã hội với cơ cấu tổ chức lãnh đạo hiệu quả và có sự cộng tác đắc lực của những người đứng đầu truyền thống và các cán bộ được chính quyền phân công. Các hoạt động của Hợp phần sẽ được triển khai trong khuôn khổ hệ thống tốt đó, chẳng hạn cách thức đưa ra các quyết định và xây dựng các kế hoạch hoặc thành lập các nhóm nông dân.

Tại các thôn/buôn thường có sự phân nhóm theo quan hệ họ hàng và tôn giáo- chương trình cần phải tránh làm gia tăng hiện trạng này.

Nâng cao năng lực cấp tỉnh và các cấp thấp hơn

Tại Đắk Nông các cơ quan chính phủ, đặc biệt ở cấp tỉnh, vẫn đang trong quá trình thành lập hay kiện toàn tổ chức. Chỉ một số cán bộ đã có kinh nghiệm làm việc với các đơn vị, tổ chức tài trợ cũng như các công ty/tổng công ty lớn của tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời gian trước đây khi họ còn công tác ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, hệ thống quy định đối với việc giải ngân vốn, quy định về trách nhiệm giải trình và kiểm toán đã được chính quyền địa phương xây dựng và tổ chức đầy đủ.

Bên cạnh đó, Đăk Glông lại là một huyện mới được thành lập với đội ngũ cán bộ tương đối trẻ tuổi và chưa được đào tạo.

Do hầu hết cán bộ tỉnh và cán bộ huyện Đăk Glông còn khá bỡ ngỡ với vị trí công tác của mình và thiếu kinh nghiệm nên có thể ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng thực hiện chương trình. Theo giả định, có thể giảm bớt ảnh hưởng này thông qua đào tạo rộng rãi cũng như thông qua hỗ trợ quản lý và hành chính. Trao đổi thông tin giữa tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện hợp phần cũng sẽ đóng vai trò quan trọng để góp phần làm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực trên và sẽ được thúc đẩy.

Các dân tộc thiểu số di cư từ phía bắc hầu như không giao thiệp với các cộng đồng khác và dân cư địa phương còn giữ khoảng cách thiếu cởi mở với họ. Họ khó có thể tham gia vào chương trình và đòi hỏi các phương pháp tiếp cận khác. Ngôn ngữ có thể là một khó khăn lớn do rất ít người có thể nói tiếng phổ thông và khó tìm được giảng viên có đủ kỹ năng ngôn ngữ cần thiết tại địa phương. Tuy nhiên có thể tuyển dụng một số giảng viên từ các tỉnh miền bắc nhưng điều này sẽ làm tăng chi phí đáng kể. Theo đề nghị, cần thực hiện một nghiên cứu nhỏ trước khi bắt đầu chương trình và mở ra một số cuộc trao đổi.

Việc thực hiện hợp phần tới đây đòi hỏi tất cả các hoạt động sẽ được gắn kết trong các hoạt động thông thường của tỉnh cũng như của các sở ban ngành. Kinh nghiệm cho thấy cách thức thực hiện này sẽ rất phức tạp và đòi hỏi rất cần phải có hỗ trợ về mặt kỹ thuật và quản lý cho các cơ quan quản lý để có thể hoàn thành được các mục tiêu và đầu ra của hợp phần.

Năng lực quản lý và chuyên môn của các cơ quan ban ngành liên quan tại cấp huyện và cấp thấp hơn vẫn còn hạn chế. Hiểu biết và khả năng thực hiện một chương trình theo nhu cầu địa phương vẫn chưa được nắm bắt đầy đủ và có vẻ khác nhiều với các kinh nghiệm làm việc từ trước tới nay. Mặc dù một số cán bộ đã được tập huấn một số phương pháp đánh giá có sự tham tham gia trong các dự án trước, kỹ năng đánh giá nhu cầu có sự tham gia và kỹ năng lập kế hoạch phát triển thôn và hộ gia đình cho các nông dân địa phương vẫn còn khá mới mẻ. Do đó cần bổ sung một số hoạt động tập huấn ở các cấp cho các cơ quan quản lý hành chính và chuyên môn.

Tuy nhiên, các lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo địa phương hoàn toàn thấu hiểu tình hình và bày tỏ cam kết hỗ trợ các quy trình hướng theo nhu cầu nhằm cung cấp dịch vụ cho các cộng đồng dân cư nghèo vùng cao.

Các đối tác tham gia chương trình tại địa phương:

Các đối tác chính tham gia chương trình này bao gồm các hộ nông dân nghèo tại địa phương, chủ yếu là gia đình dân tộc thiểu số gốc địa phương, các cơ sở sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ trong vùng, các tổ chức đoàn thể ở các cấp, đặc biệt là Hội nông dân và Hội phụ nữ, và các Ủy ban Nhân dân của các huyện, xã và đại diện thôn bản tham gia vào chương trình.

Hiện nay, năng lực của các đối tác địa phương để tham gia hợp phần vẫn còn hạn chế. Kinh nghiệm lập kế hoạch và quản lý các nguồn lực theo nhu cầu thị trường cũng như việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu vẫn còn thấp và chưa có tính hệ thống. Mặc dù nhiều địa phương từ lâu đã hình thành những truyền thống quản lý các nguồn lực khá hoàn chỉnh nhưng những biện pháp quản lý này chưa được giới thiệu ra ngoài phạm vi thôn bản và chưa tính đến lợi ích thương mại hay các yếu tố thị trường.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ tại Đắk Nông

Tại tỉnh chỉ có một số ít nhà cung cấp dịch vụ không thuộc khối cơ quan tỉnh, huyện hay các cơ quan đoàn thể. Điều này cũng có thể là một trở ngại cho việc thực hiện. Định mức chi phí hiện hành cũng có thể gây một số hạn chế về khả năng thu hút các nhà cung cấp dịch vụ ngoài Tỉnh.

Ở Việt Nam chương trình đào tạo nghề nông chưa được quan tâm phát triển đúng mức, và vào thời điểm này có thể chưa là nội dung thực hiện khả thi. Chỉ có các trường đại học đào tạo chuyên môn về nông học, trong đó có trường đại học Tây Nguyên ở Đắk Lắk. Tuy vậy chỉ có rất ít sinh viên tốt nghiệp ra trường tham gia các hoạt động nông nghiệp thực thụ. Bên cạnh đại học Tây Nguyên, trong khuôn khổ các hoạt động về nghiên cứu cải tiến của hợp phần Trung ương, khối các trường đại học được coi như một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ chủ lực cho các hoạt động khuyến nông và đào tạo tại các huyện mục tiêu. Đặc biệt Trung tâm Phát triển Nông thôn của trường, với vị thế là một trong số rất ít đơn vị có đủ kinh nghiệm về vùng cao và kỹ năng ngôn ngữ, sẽ là một nhà cung cấp dịch vụ tiềm năng. Ngoài ra còn có Đại học Nông lâm Huế cũng là một đơn vị khác chuyên về các hoạt động ở vùng cao hay Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây nguyên (WASI, tên gọi mới của Viện nghiên cứu Cà phê) có nhiều kinh nghiệm về lâm nghiệp.

Để cung cấp được những dịch vụ dựa trên nhu cầu theo dự kiến tới tận những người nông dân mục tiêu, các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ được hỗ trợ nâng cao năng lực trong những lĩnh vực sau:

• Giới thiệu về hiệu quả của việc cung cấp các dịnh vụ dựa trên nhu cầu tới người nông dân.

• Nâng cao trình độ và kỹ năng chuyên môn

• Bổ sung kiến thức về các phương pháp đào tạo hiện đại

• Thống nhất về kỹ thuật và phương pháp của các đơn vị cung cấp dịch vụ

.

Môi trường

Trong quá trình lập kế hoạch, các hoạt động của Hợp phần sẽ phải được đánh giá, rà xoát những tác động tới môi trường nhằm đảm bảo những hoạt động được khởi xướng và hỗ trợ đều có tác động tích cực dưới góc độ môi trường.

Việc thay thế phương pháp canh tác nông lâm nghiệp hiện nay bằng những phương pháp bền vững hơn bao gồm bảo tồn độ màu của đất và chống xói mòn sẽ cải thiện được môi trường mặc dù tổng diện tích canh tác có thể vẫn tăng.

Nội dung các khoá tập huấn cho nhóm nông dân cũng sẽ bao gồm vấn đề sử dụng an toàn và giảm việc sử dụng các hoá chất độc hại trong các hệ thống sản xuất khác nhau. Nếu xét thấy khả thi về góc độ hiệu quả kinh tế, Hợp phần sẽ thúc đẩy và hỗ trợ canh tác sử dụng các loại phân hữu cơ đối với các loài cây trồng địa phương có tiềm năng thị trường đặc biệt.

Một số hoạt động sản xuất như chế biến sắn, khai thác gỗ và chế biến một số lâm sản ngoài gỗ có thể đe dọa đối với môi trường địa phương; chương trình sẽ hỗ trợ cho các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu nguy cơ đó.

Chăn nuôi chính là một nguồn có thể gây ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên và vệ sinh trong các thôn/buôn nhưng thường không được nhận biết. Có nhiều biện pháp kỹ thuật để giảm thiểu nguy cơ này- việc áp dụng các biện pháp đó là một điều kiện để có thể được chương trình hỗ trợ cho các hoạt động chăn nuôi.

HIV/AIDS

Tình trạng nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam còn tương đối thấp (dưới 1% tổng số người ở tuổi trưởng thành) nhưng tỷ lệ trong một số nhóm người tương đối cao ví dụ những người tiêm chích ma tuý (32%) và gái mại dâm (7%). Có nhiều chỉ số cho thấy số lượng người nhiễm bệnh vẫn đang ngày một gia tăng. Tỷ lệ nhiễm bệnh đặc biệt cao ở các thành phố lớn (như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội).

Tuy nhiên, tại các vùng cao đã xuất hiện các trường hợp nhiễm bệnh và có xu hướng gia tăng trong khi nhận thức về HIV/AIDS tại các vùng này còn rất hạn chế.

Vì vậy, vấn đề HIV/AIDS sẽ là một nội dung trong tài liệu đào tạo về tổ chức và kỹ thuật. Sẽ có một phần vốn hỗ trợ của Hợp phần dành riêng cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Phối hợp giữa các nhà tài trợ

Hiện nay đã có một số dự án do các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ thực hiện trong tỉnh, trong khu vực cao nguyên miền trung và khu vực miền trung- có thể tham khảo để chia sẻ thông tin và phối hợp. Mặc dù các lãnh đạo tỉnh có những mong muốn chính đáng để phân bổ các dự án cho nhiều địa bàn khác nhau trong tỉnh nhằm đảm bảo việc hỗ trợ và đầu tư công bằng trong địa phương, tuy nhiên vẫn cần có biện pháp phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các dự án sẵn có này nhằm tạo dựng động lực cần thiết đủ lớn cho sự phát triển của cộng đồng dân cư trong vùng. Ngoài ra, việc phối hợp chặt chẽ cũng có thể góp phần tận dụng tối ưu các nguồn lực và kinh nghiệm thực hiện địa phương.

Chương trình có thể phối hợp với những dự án và nhà tài trợ dưới đây:

Helvetas và SDS đồng tài trợ cho dự án Hỗ trợ Khuyến nông và Đào tạo Nông lâm nghiệp vùng cao (ETSP). Đây là một dự án qui mô nhỏ thực hiện tại hai địa điểm, trong đó có một địa điểm tại tỉnh Đắk Nông. Mục đích của dự án này là: i) cải thiện sinh kế thông qua việc đưa vào áp dụng phương pháp khuyến nông dựa trên nhu cầu và tăng cường năng lực cho các cơ quan trong tỉnh; ii) phát triển các dịch vụ khuyến nông, tập huấn hiệu quả và bền vững; iii) Hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phát triển và điều phối hệ thống nghiên cứu, khuyến nông, tập huấn và đào tạo thích hợp; và iv) tổng hợp một số thành tựu đã được lựa chọn. Tiểu hợp phần SFPF của dự án này có thể đem lại một số bài học kinh nghiệm. Đó là: i) lập kế hoạch phát triển thôn/buôn và xã; ii) phát triển gói dịch vụ khuyến nông và đào tạo dựa trên nhu cầu; iii) Thử nghiệm các phương pháp khuyến nông có sự tham gia và ít tốn kém; và iv) Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dành cho các đơn vị cung cấp dịch vụ khuyến nông và tập huấn; v) hỗ trợ cho việc phân tích và phát triển thị trường; và vi) giám sát và đánh giá tác động. Các đối tác tham gia chương trình tại địa phương đã ghi nhận sự thành công của dự án trong việc tiếp cận người nông dân nghèo thuộc các dân tộc ít người. Được biết, dự án trên còn được tiếp tục thực hiện ngay tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông nên chương trình sẽ phối hợp chặt chẽ với dự án để tiếp thu kinh nghiệm và điều chỉnh thích ứng, đồng thời phổ biến rộng những công nghệ và phương pháp tiếp cận thích hợp nhất.

Dự án Phát triển Nông thôn tổng hợp ở Yang Mao và các dự án trước đó tại các xã Cừ Dram và Cừ Pui do Danida tài trợ cũng được xây dựng theo các nguyên tắc thực hiện chung như chương trình mới này. Thành tựu chính của dự án là đã cải thiện được hoạt động canh tác nông nghiệp vùng cao và đa dạng hoá các hoạt động canh tác cho các hộ gia đình và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá cao, sử dụng làm mô hình cho hoạt động phát triển nông thôn cho các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk. Rất nhiều phương pháp tiếp cận và kỹ thuật tốt đã được dự án áp dụng và sẽ tiếp tục được thực hiện trong chương trình mới này.

Cũng có các dự án khác được thực hiện trong nước và thu được những kinh nghiệm tương tự như Dự án sinh kế nông thôn do Liên Minh Châu Âu (EU) tài trợ cho Tỉnh Cao Bằng ở khu vực miền núi phía Bắc. Dự án này vừa bắt đầu triển khai giai đoạn 2. Trong giai đoạn 1, dự án này đã rất thành công với việc giới thiệu các quy trình và thủ tục có sự tham gia để giao đất cho các cộng đồng dân tộc khác nhau trong địa bàn dự án. Một số thủ tục và phương pháp tiếp cận trong dự án này có thể là bài học kinh nghiệm tốt để hỗ trợ cho công tác giao đất tại Đắk Nông.

Các dự án khác do Danida tài trợ để Bảo tồn đa dạng sinh thái cho dải núi Trường Sơn Bắc và Dự án bảo vệ rừng và quản lý rừng đầu nguồn tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An cũng đã được thực hiện thành công nhờ phương pháp lập kế hoạch có sự tham gia tại cấp thôn/bản và cấp hộ.

Ngân hàng Phát triển Châu Á đã có một số dự án lớn tại miền trung về sinh kế, tái tạo rừng và y tế. Hiện ADB đang lập kế hoạch lớn để triển khai một dự án về nguồn nước, đồng thời một dự án lâm nghiệp đang được thực hiện tại Đắk Lắk.


(Trích: Báo cáo hợp phần tỉnh Dak Nông)

Tin khác