"Kích cầu" nông nghiệp để tăng thu nhập cho nông dân

08/01/2009

Những năm gần đây, dù đã được tiếp nhận nhiều dự án đầu tư và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước song cho đến nay, đời sống của một bộ phận nông dân trong tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn, thu nhập từ nông nghiệp đạt thấp, cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu kém... Khắc phục những hạn chế, tồn tại này đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội.

Không phải tới năm nay, nông dân mới phải chịu thiệt hại do sự bấp bênh của thị trường nông sản mà thực trạng này đã diễn ra trong thời gian dài. Do những yếu tố đặc thù, năm nay giá cả thị trường diễn biến khó lường và thiệt hại cũng lớn hơn. Là Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Tuấn Thành, xã Ngọc Châu (Tân Yên), anh Lê Văn Tâm có nhiều trăn trở về đời sống của người dân hiện nay. Nông dân không có thu nhập ổn định, lao động vất vả nhưng có thu được kết quả tương xứng hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Năm ngoái do lợn giữ giá cao và ổn định, hầu hết các hộ thu lãi 30-50 triệu đồng nhưng năm nay, chỉ sau một lứa lợn nuôi lúc giá giống, giá cám cao, bán vào thời điểm giá giảm thấp nhất, các hộ nuôi quy mô lớn bị lỗ khoảng 1 triệu đồng/con. Số lãi năm ngoái chỉ đủ bù đắp vào số thiệt hại năm nay. Như vậy, sau hai năm miệt mài lao động, một số hộ chăn nuôi không có hiệu quả và nếu vay vốn sản xuất thì phải gánh thêm khoản nợ. Ngoài sự bấp bênh về giá, đầu ra cho nông sản, thiên tai khắc nghiệt cũng khiến nông dân dễ rơi vào cảnh túng thiếu. Năm nay, sau hai trận mưa, lũ lịch sử, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề khiến hàng chục nghìn hộ bị thiếu lương thực. Nghịch lý dù lao động chăm chỉ nhưng vẫn nghèo đang đeo bám nhiều hộ nông dân. Năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực đô thị trong tỉnh là 0,56% thì tại huyện miền núi Sơn Động vẫn trên 50%. Năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 17,86%, tuy giảm 3,42% so với năm 2007 nhưng vẫn cao hơn 4,86% so với bình quân chung toàn quốc.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nông dân tỉnh ta hiện chiếm 89,2% dân số và 63% lao động xã hội. 76% số hộ nông dân có thu nhập chủ yếu là từ nông nghiệp. Số xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh còn 30 xã, chiếm 13% tổng số xã. Tình trạng tái nghèo trong các hộ nông dân đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt ở một số huyện miền núi, vùng bị thiên tai, lũ lụt... Lực lượng lao động nông nghiệp qua đào tạo thấp, đến nay mới chiếm 8% tổng số lao động nông nghiệp của tỉnh. Do thiếu việc làm ở nông thôn nên hàng vạn nông dân, chủ yếu là lao động trẻ đã đi khỏi quê hương tìm việc làm, lao động nông nghiệp còn lại chủ yếu là phụ nữ và người già...

Nông dân là lực lượng đông đảo nhất và chủ yếu tham gia phát triển kinh tế ở các địa phương. Chú trọng tới việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân là giải pháp quan trọng để tạo nên sự chuyển biến chung của toàn xã hội. Những năm gần đây, nông dân trong tỉnh đã tiếp nhận hàng loạt chương trình, dự án đầu tư của Trung ương và địa phương. Các Chương trình như 134, 135, Dự án Xoá đói, giảm nghèo có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Ngoài ra, các chính sách đầu tư cho nông nghiệp đã bước đầu tạo nên sự chuyển biến tích cực trong trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông, lâm nghiệp còn chậm. Đất nông nghiệp manh mún và ngày càng bị thu hẹp. Bình quân mỗi hộ vẫn sử dụng 5-6 thửa ruộng. Đây là lực cản lớn cho việc tổ chức sản xuất tập trung. Mối liên kết "4 nhà" còn lỏng lẻo, nông dân thiếu thông tin thị trường nên hiệu quả kinh tế từ sản xuất không cao, thiếu bền vững. Các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp chậm được nâng cấp, cải tạo… Tốc độ tăng trưởng GDP trong nông, lâm thuỷ sản năm 2008 đạt 2,6%, thấp hơn 1% so với bình quân chung toàn quốc.

Tại hội nghị bàn biện pháp thực hiện các vấn đề "tam nông" do UBND tỉnh tổ chức mới đây, sau khi thảo luận, các đại biểu tham dự đã đề xuất giải pháp: Để tăng thu nhập cho nông dân, quan trọng nhất hiện nay là cần có những chính sách "kích cầu" hợp lý cho sản xuất nông nghiệp. Việc triển khai sớm và đồng bộ nhóm các đề án về nông nghiệp như đề án phát triển trồng trọt, chăn nuôi tập trung, thuỷ sản, cơ khí hoá nông nghiệp, phát triển rừng sản xuất cần được chính quyền các cấp và ngành chức năng quan tâm, bố trí nguồn kinh phí phù hợp. Đồng thời, thực hiện tốt quy hoạch chi tiết các vùng nông sản hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ sẽ hỗ trợ đắc lực cho nông dân trong việc giữ ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập. Riêng đối với chăn nuôi, nên phát triển theo hướng trang trại, tập trung theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi công nghiệp để hạn chế rủi ro về dịch bệnh. Các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần thực hiện hiệu quả, tránh dàn trải.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 3-10-2008, Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình hành động, trong đó chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Cụ thể là điều chỉnh cơ cấu đầu tư ngân sách theo hướng tăng đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; tăng mạnh đầu tư ngân sách nhà nước ngay từ năm 2009…Tăng cường hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hoá, dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay để phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường vận động và có chính sách đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kể cả vốn ODA và FDI.


(Báo Bắc Giang)

Tin khác