Báo cáo “Nghiên cứu hệ thống phân phối một số nông sản chính tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh”

25/01/2010

AGROINFO – Đây là một nghiên cứu quan trọng được AGROINFO/ IPSARD thực hiện và đã rút ra nhiều kết luận quan trọng….

Bối cảnh nghiên cứu

Một trong những mục tiêu phát triển thị trường trong nước đã được Chính phủ Việt Nam xác định là xây dựng một nền thương mại phát triển vững mạnh và hiện đại, dựa trên một cấu trúc hợp lý các hệ thống và các kênh phân phối với sự tham gia của các thành phần kinh tế và loại hình tổ chức, vận hành trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Trong đó coi trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh; đồng thời, khuyến khích và thúc đẩy quá trình hình thành các doanh nghiệp lớn thông qua quá trình tích tụ và tập trung nhằm tạo dựng các nhà phân phối lớn thương hiệu Việt Nam.

Thực hiện việc mở cửa thị trường phân phối theo đúng lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Xác lập sự liên kết giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trong việc tổ chức thị trường, tạo sức mạnh để hợp tác và cạnh tranh có hiệu quả với các tập đoàn nước ngoài khi Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ phân phối .

Để thực hiện mục tiêu đó, phải từng bước hiện đại hoá kết cấu hạ tầng thương mại; chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại - dịch vụ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, trung tâm logistics, tổng kho bán buôn, trung tâm hội chợ - triển lãm…) ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu.v.v…

Hiện nay, hoạt động buôn bán đối với sản phẩm nông sản (nông sản và thủy sản) chủ yếu diễn ra tại các chợ truyền thống. Bên cạnh đó, kênh siêu thị hiện đại đang có những bước phát triển mạnh và khả năng trong tương lai sẽ trở thành kênh phân phối nông sản quan trọng. Tuy nhiên việc tổ chức hệ thống phân phối nông sản trong nước cũng đang gặp những trở ngại nhất định xuất phát từ hiệu quả của hầu hết các hệ thống phân phối liên kết dọc hàng nông sản chưa cao bởi sự liên kết dài hạn, phân công chuyên môn hóa, hợp tác hoá trong hệ thống còn nhiều hạn chế; những thiếu hụt về các điều kiện của môi trường kinh doanh trong nước, cũng như từ nhận thức và năng lực, tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp…Có quá nhiều loại hình tổ chức mua bán và tư thương nhỏ lẻ khiến cho thị trường trở nên manh mún, tản mạn. Việc thiếu tính liên kết giữa các tác nhân tham gia vào chuỗi phân phối thường dẫn tới hệ quả là người tiêu dùng phải mua các sản phẩm nông sản với giá cao hơn rất nhiều so với giá trị thực; người sản xuất thiếu thông tin thị trường (về chủng loại, chất lượng, giá cả, mẫu mã....v.v.) dẫn đến tình trạng sản xuất thừa, thiếu hoặc sản xuất ra những sản mà người tiêu dùng không có nhu cầu; nhà phân phối bán lẻ gặp nhiều khó khăn và tốn kém chi phí cho hoạt động thu mua nhỏ lẻ và không có nguồn hàng ổn định.

Mặt khác, mặc dù thời điểm Việt Nam phải thực hiện cam kết WTO về mở cửa thị trường bán lẻ đã qua nhưng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp phân phối trong nước nói chung và hệ thống phân phối thực phẩm nói riêng còn nhiều hạn chế. Năng lực về vốn, tài chính, tổ chức hoạt động và đặc biệt là thông tin thị trường của hệ thống phân phối nông sản hiện nay chưa được cải thiện.

Từ những vấn đề trên, việc nghiên cứu đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế này và đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các hệ thống phân phối bán lẻ đối với mặt hàng nông sản, thực phẩm là vấn đề cấp thiết. Tổng quan về các nghiên cứu đã có về hệ thống phân phối nói chung và hệ thống phân phối một số hàng hóa nông sản nói riêng cho thấy:

Các nghiên cứu trước đó tập trung vào 3 hướng chính: nghiên cứu cấu trúc của hệ thống phân phối và các yếu tố liên quan; nghiên cứu các liên kết dọc của hệ thống từ người sản xuất, nhà cung cấp trung gian và các nhà bán lẻ; nghiên cứu hành vi mua hàng của nhà bán lẻ.

Các nghiên cứu tại Việt Nam thường chỉ tập trung nghiên cứu các kênh phân phối nói chung mà chưa có những nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống phân phối các mặt hàng nông sản, thực phẩm.

Các nghiên cứu tại Việt Nam cũng chưa hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu có tính chất lịch sử, cho phép đánh giá những thay đổi của hệ thống phân phối nói chung và hệ thống phân phối thực phẩm nói riêng; cấu trúc hành vi của nhà phân phối một cách toàn diện.

Các nghiên cứu khác thường có nội dung quá rộng trong khi thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu tương đối toàn diện và cập nhật, và cũng thường bỏ qua những khác biệt về văn hóa – xã hội với tư cách là những yếu tố ảnh hưởng đến thói quen, thị hiếu của người tiêu dùng trong việc lựa chọn kênh phân phối, đây là một cơ sở quan trọng mà các nhà phân phối bán lẻ thường rất quan tâm.

Do vậy, “Nghiên cứu hệ thống phân phối một số nông sản chính tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh” là rất cần thiết. Nghiên cứu này sẽ tập trung vào một số khía cạnh sau như hệ thống hoá và làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về phát triển hệ thống phân phối đối với hàng hoá nông sản, thực phẩm. Đánh giá thực trạng, nhu cầu, năng lực tiêu thụ nông sản của các nhà phân phối bán lẻ trong hệ thống phân phối và thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các loại hình phân phối bán lẻ. Đánh giá của người tiêu dùng về hệ thống phân phối bán lẻ nông, sản thực hiện nay. Đề xuất các giải pháp nhằm phát triển hệ thống phân phối đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam trong thời gian tới.

Hệ thống phân phối nông sản hiện nay rất đa dạng. Ảnh minh họa: Internet

Kết quả nghiên cứu

Nghiên cứu đã khái quát toàn diện hệ thống phân phối của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về tất cả các khía cạnh. Sự tiếp cận toàn diện đó đã cho thấy những ưu điểm, khuyết điểm của cả hệ thống. Đó chính là những nhận định quan trọng để thực hiện quá trình hoàn thiện hệ thống này.

Về cơ sở hạ tầng: Với mục tiêu làm rõ thực trạng hệ thống phân phối nông sản hiện nay, phần nội dung này tập trung mô tả các yếu tố về: (i) cơ sở hạ tầng bao gồm vốn, mặt bằng, trang thiết bị phục vụ kinh doanh; (ii) khả năng tổ chức quản lý và điều hành bao gồm tổ chức lao động, trình độ năng lực của cán bộ; (iii) hoạt động thông tin thị trường và một phần đặc biệt quan trọng là (iv) năng lực kinh doanh phân phối nông sản.

Tổ chức quản lý điều hành: Công trình tiếp cận họat động tổ chức, quản lý điều hành trên ba phương diện: Lao động, trình độ cán bộ và hoạt động đào tạo. Ba chỉ số này cho phép đánh giá về chất lượng nhân lực và hoạt động tổ chức quản lý, điều hành hệ thống phân phối hiện nay.

Hoạt động thông tin thị trường: Phát triển hoạt động điều tra nhu cầu của khách hàng, đánh giá của khách hàng với các sản phẩm/mặt hàng của mình là hoạt động cần thiết và ngày càng quan trọng với hoạt động của mỗi doanh nghiệp. Đối với loại hình phân phối hiện đại như siêu thị hay chuỗi bán lẻ thuộc kênh phân phối dọc, hoạt động nghiên cứu thị trường đã được các doanh nghiệp quan tâm và tổ chức khá thường xuyên.

Số liệu khảo sát cho thấy, có 94,1% doanh nghiệp đã có tổ chức hoạt động nghiên cứu thị trường. Trong số đó, số doanh nghiệp tiến hành hoạt động này hàng quý chiếm 58,8%; tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành hàng năm chiếm 23,5%; tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành hàng tháng, chiếm 11,8%.

Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong sự phát triển của các doanh nghiệp ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Những ưu thế về quảng cáo, giá thành dịch vụ, về đối tượng khách hàng/đối tác kinh doanh… là những ưu thế, thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các website của các doanh nghiệp.

Thực trạng hoạt động phân phối nông sản: Nghiên cứu đã tiếp cận hoạt động phân phối trên các kênh: Hoạt động phân phối nông sản của siêu thị; Chuỗi cửa hàng bán lẻ thuộc kênh phân phối dọc; Hộ kinh doanh độc lập tại chợ đầu mối; Cửa hàng, quầy sạp bán l. Đây là một bức tranh tổng thể và toàn diện về hệ thống phân phối nông sản hiện nay ở Hà Nội và TP HCM…

Các nội dung quan trọng khác trong báo cáo tập trung về Yêu cầu và năng lực trong quá trình phân phối nông sản, Liên kết chuỗi giá trị trong phân phối. Đặc biệt là nghiên cứu chỉ ra thói quen lựa chọn kệnh phân phối của người tiêu dùng. Đây chính là chìa khóa giúp nhà phân phối nông sản tiếp cận thị trường.

Thông tin chi tiết về báo cáo:

Liên hệ: Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp – Nông thôn (AGROINFO/IPSARD)

Số 6 Nguyễn Công Trứ - Hai Bà Trưng – Hà Nội. ĐT: 043.9725153

Email: truyenthongNNNT@ipsard.gov.vn

AGROINFO


Tin khác