Đắk Lắc: Hệ thống giám sát hộ phát huy hiệu quả

05/03/2010

AGROINFO - Vưa qua, chúng tôi theo chân Tiến sĩ Vũ Trọng Bình – GĐ Trung Tâm Phát Triển Nông Thôn - Viện chính sách và chiến lược PTNNNT đến 2 xã Giang Reh và Hoà Sơn của huyện Krông Bông - tỉnh Đắk Lắc để tìm hiểu về Hệ thống giám sát nông hộ đang được triển khai ở đây.

Lắng nghe ý kiến từ phía người dân, chúng tôi ghi nhận được thông tin: “Đời sống của người dân ở đây nói chung, đã và đang tiếp tục được cải thiện. Hệ thống giám sát hộ phát huy hiệu quả tốt, nhất là với bảng theo rõi về chi tiêu hàng ngày. Trước đây, người dân chúng tôi không có thói quen ghi chép lại mọi thứ sau khi mua bán, nên có nhiều khoản tiền chúng tôi không biết đã chi dùng vào việc gì. Nhưng từ khi có cán bộ của Trung tâm phát triển nông thôn đến đây hướng dẫn, chúng tôi làm theo và thấy, việc ghi lại chi tiêu giúp cho gia đình kịp thời điều chỉnh những khoản chi không hợp lý để cân đối kinh tế ”.


Nói về đời sống dân chủ cơ sở, một người dân ở xã Giang reh có ý kiến: “Trước đây, mỗi khi có nguồn vốn dành cho người nghèo vay về đến xã thì danh sách các hộ nghèo là do chính quyền xã tự trọn ra, sau đó họp dân lại để bình bầu lấy kiến cho hay không cho những hộ này vay, được làm chưa được chính xác lắm. Nhưng khi người dân có ý kiến xã đã làm chính xác và minh bạch hơn. Tuy nhiên, theo tôi việc làm này sẽ đơn giản và hiệu quả hơn nữa nếu như nó được làm ngược lại. Nghĩa là, khi có vốn cho người nghèo vay về đến xã, xã ra một bản thông báo cho tất cả người dân biết, từ đó người dân của từng thôn, từng bon…họp nhau lại để tự bình bầu, biểu quyết trọn ra hộ nghèo nhất đưa lên cho xã duyệt. Khi xã duyệt xong, xã công bố danh sách những người được vay vốn cho nhân dân biết. Như vậy, vừa đảm bảo tính minh bạch, vừa có cơ sở để người dân đối chiếu với danh sách những người mà họ đưa lên, lại vừa gắn kết được tình làng nghĩa xóm”.

Người dân xã Hoà Sơn chao đổi với phóng viên

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại thôn 1 xã Giang reh - huyện Krông Bông thì số gia đình tự có vốn để sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 1/5 trên tổng số hộ toàn thôn. Những gia đình còn lại, trong quá trình sản xuất mùa vụ họ phải đi mua chịu vật tư nông nghiệp của các đại lý có trụ sở tại xã, đến khi cây trồng, vật nuôi cho thu hoạch họ bán sản phẩm của mình cho chính những đại lý này. Như vậy, những đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp ở đây, vô hình chung đã trở thành một mắt xích quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của vùng. Bởi, họ vừa là người cung vật tư nông nghiệp cho dân sản xuất, lại vừa là người đi mua, gom sản phẩm của nông dân lại với nhau để có một khối lượng lớn rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Nông dân ở đây nói rằng: “Các đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp cho họ sản xuất không giàng buộc họ phải bán sản phẩm của mình sau khi thu hoạch cho đại lý. Người dân có thể bán cho bất kì ai mà họ muốn hay thấy được giá. Miễn là, có tiền người dân phải thanh toán số vật tư đã ứng cho đại lý thì tới vụ sau đại lý mới lại cho họ mua chịu”.


Bên cạnh đó, các đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp ở đây còn đóng vai trò như một “ngân hàng thu nhỏ” có dao dịch theo cả hai chiều là cho dân vay và gửi tiền có lãi suất – Lãi suất mà “ngân hàng thu nhỏ” trả cho 1 triệu đồng tiền gửi của dân là 20 nghìn đồng / tháng, lãi suất cho vay là 25 nghìn đồng / tháng. Điều khoản vay mượn của “ngân hàng” này là…“thế chấp bằng niềm tin”, không cần sổ đỏ nhà đất như ngân hàng nhà nước. Ông Nguyễn Tấn Hưởng – thôn 1 xã Giang reh cho biết: “Một năm sản xuất nông nghiệp, trừ tất cả các khoản chi phí đi rồi gia đình tôi còn để ra được 50 triệu đồng. Số tiền chưa dùng đến tôi đem giửi đại lý để có lãi suất”. Chúng tôi hỏi ông Hưởng “Sao bác không đem gửi ngân hàng nhà nước cho an toàn ?”. Ông Hưởng cười và nói: “Giửi đại lý cũng an toàn mà. Đại lý cho mình mua vật tư nông nghiệp chịu có lo mình mất mùa đâu ?”.


Đến xã Hoà Sơn, chúng tôi được cô Lê Thị Thanh ở thôn 10 cho biết: “Sau thiên tai và sau khủng hoảng kinh tế năm 2009, tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân trong xã nói chung, gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn sản xuất. Tín hiệu đáng mừng nhất là vừa qua ở đây có đại diện của công ty TNHH - NEW HOPE về làm việc và cam kết phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc của người dân khi mua và sử dụng thức ăn chăn nuôi của công ty”. Người dân ở xã Hoà Sơn nói riêng và nhiều xã khác nói chung, đang mong chờ những động thái tương tự từ các nhà cung cấp vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu … dống công ty NEW HOPE.


Phạm Khánh


Tin khác