Diễn biến dịch lùn sọc đen: Công bố dịch từ Quảng Trị trở ra

16/03/2010

* Lập BCĐ chống dịch Diễn biến dịch lùn sọc đen (LSĐ) hại lúa ĐX tại Thái Bình cũng như nhiều tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ đang ngày càng phức tạp. Hôm qua, lần thứ 2 trong tuần này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát lại phải về Thái Bình chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác phòng trừ dịch cho các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra.

Đã 8 tỉnh có dịch

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát (tại cuộc họp trước đó, ngày 10/3), hôm qua, Cục BVTV, Viện BVTV và Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã lần lượt có báo cáo chính thức về bệnh LSĐ tại các tỉnh phía Bắc. Theo đó, cả Cục BVTV và Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đều cho biết các kết quả xét nghiệm virus của các mẫu lúa lấy tại Thái Bình và nhiều tỉnh từ Nghệ An trở ra đều cho kết quả dương tính với virus LSĐ. Cụ thể, trong số 4 mẫu lúa lấy tại Thái Bình xét nghiệm tại Cục BVTV thì có tới 3 mẫu cho phản ứng dương tính với virus LSĐ. Ba mẫu khác lấy tại Thái Bình xét nghiệm tại Trung tâm bệnh cây nhiệt đới (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cũng đều cho kết quả dương tính.  

 
 Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra chỉ đạo chống dịch tại Thái Bình

Cục BVTV hôm qua cũng đã công bố, tính đến ngày 14/3, đã có 15 tỉnh (từ Quảng Nam trở ra) có lúa mang các biểu hiện của bệnh LSĐ với tổng diện tích gần 13 nghìn hecta. Trong đó, có hơn 500 hecta lúa bị bệnh trên 20% và hơn 12 nghìn hecta lúa bị bệnh dưới 5% diện tích. Cũng theo Cục BVTV thì kết quả xét nghiệm sơ bộ tính đến ngày 14/3 đã có 8 tỉnh từ Nghệ An trở ra có mẫu lúa dương tính với virus LSĐ. Riêng tỉnh Thái Bình, diện tích bị bệnh tính đến ngày 14/3 đã tăng lên hơn 12 nghìn hecta (cuối tuần trước mới chỉ có 10 nghìn hecta).

“Viện BVTV nói có thể do lấy mẫu chưa đúng cách nên xét nghiệm mãi chưa thấy virus, vậy thì ngay ngày mai phải cử người xuống cơ sở trực tiếp lấy mẫu cho đúng chứ không thể chờ địa phương gửi mẫu lên rồi mới xét nghiệm” - Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Về diễn biến dịch, theo thống kê của Sở NN-PTNT Thái Bình thì trong vòng 1 tuần nay, một số diện tích lúa đã mắc bệnh có biểu hiện phục hồi trở lại và phát triển tốt sau khi được chăm sóc kỹ. Nhưng đáng lo là nhiều diện tích khác sau một thời gian ra lá non, phục hồi trở lại hiện lại tiếp tục quăn lá, mang biểu hiện bệnh và có khả năng nhiễm bệnh nặng hơn. Đáng lo hơn, mặc dù tổng diện tích bị LSĐ không tăng nhanh nhưng bệnh đã lây lan rất nhanh ra toàn tỉnh với 183 xã (trên tổng số hơn 280 xã) xuất hiện lúa bị bệnh. Điều này chứng minh diễn biến bệnh sẽ còn tiếp tục phức tạp hơn.

Căn cứ vào tình hình diễn biến của dịch, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: “Chúng ta đã có cơ sở khoa học và thực tế cho thấy miền Bắc đang đối mặt với một bệnh virus hại cây trồng cực kỳ nguy hiểm”.

Ông Trần Đức Viên, Hiệu trưởng trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội: “Nếu cần, tôi sẽ cho SV xuống đồng”

Ông Viên cho rằng, dịch LSĐ rất nguy hiểm nhưng cần phòng chống chủ động, tích cực và cương quyết theo phương châm dựa vào dân để dập dịch. “Trường chúng tôi có hơn 2.000 SV chuyên ngành BVTV, nếu Bộ cần, tôi sẽ cho SV xuống địa phương hỗ trợ chống dịch” – ông Viên thẳng thắn.

Trong khi đó chiều qua, Viện BVTV lại báo cáo xét nghiệm các mẫu lúa tại Thái Bình tại Viện này là vẫn... chưa thấy virus LSĐ. Tuy nhiên, Viện này cũng thừa nhận việc virus LSĐ có mặt tại miền Bắc là có thật. Có thể do khâu lấy mẫu chưa đúng nên việc xét nghiệm không chính xác.

Xung quanh phương án xử lí lúa bị bệnh, Viện KHNN Việt Nam tiếp tục ủng hộ phương án cho chăm sóc phục hồi. Tuy nhiên, Viện này kiến nghị nên thống nhất phương pháp chăm sóc. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cũng băn khoăn: “Chỗ này bảo phục hồi bằng bón phân vi sinh, chỗ kia lại bảo phun phân bón lá... nên không thống nhất”. Trước băn khoăn này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã giao cho TT Khuyến nông Thái Bình lập tức cho thực nghiệm trên ruộng lúa bệnh để rút ra phương pháp chăm sóc và chọn loại phân bón phục hồi phù hợp. Đồng thời ngay ngày hôm nay, Bộ trưởng giao Cục BVTV phải gấp rút hoàn thành khung chuẩn về cách phòng trừ, xử lí lúa bị bệnh, đồng thời bắt tay ngay vào khảo nghiệm các loại thuốc trừ rầy lưng trắng và rầy nâu nhỏ để thống nhất loại thuốc hiệu quả nhất.

Có lúa bị LSĐ là công bố dịch!

Tại Hội nghị chiều qua, Viện BVTV cho biết biểu hiện bệnh LSĐ tại các tỉnh hiện hết sức khác nhau. Ví như tại Quảng Ngãi cho thấy lá lúa non càng bị bệnh nặng hơn lá trước, nhưng ở Hải Dương, Thái Bình lại hoàn toàn ngược lại... Dấu hiệu nhận biết lúa bệnh vì vậy hết sức khó khăn. Sở NN-PTNT Thanh Hóa băn khoăn cho rằng, không thể chờ tới lúc có kết quả xét nghiệm lúa dương tính với virus LSĐ thì mới công bố dịch. Vả lại theo Pháp lệnh BVTV thì phải có 5% diện tích lúa bệnh địa phương mới được công bố dịch.

Vì vậy đối với bệnh virus nguy hiểm như LSĐ thì không thể chờ tới lúc bệnh xuất hiện trên diện rộng như vậy được. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Minh, nguyên Cục trưởng Cục BVTV gay gắt: “Triệu chứng bệnh LSĐ, phác đồ điều trị bệnh chúng ta đã có cả rồi, vậy việc gì phải cần tới lúc có kết quả xét nghiệm âm hay dương tính với LSĐ hay không làm gì? Cứ thấy biểu hiện là công bố dịch và xử lí ngay theo phác đồ chứ cũng không cần phải 5 hay 10% diện tích mới công bố dịch”.

Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định hôm nay, Bộ NN-PTNT sẽ cho công bố dịch LSĐ từ Quảng Trị trở ra ngay lập tức chứ không công bố dịch theo Pháp lệnh BVTV nữa. “Có công bố dịch thì mới có cơ chế để xin Chính phủ hỗ trợ dập dịch, vì vậy không thể chờ tới lúc sửa đổi được Pháp lệnh BVTV nữa” – Bộ trưởng kiên quyết.

Cũng theo kiến nghị của ông Minh, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thống nhất từ ngày hôm nay, Bộ NN-PTNT sẽ chính thức thành lập BCĐ chống dịch LSĐ trên cả nước do Thứ trưởng Bùi Bá Bổng làm Trưởng BCĐ, Cục BVTV làm cơ quan thường trực. BCĐ phòng chống dịch sẽ liên tục theo dõi tình hình diễn biến của dịch và công tác phòng chống, 1 tuần BCĐ sẽ họp 1 lần.

 

Phạm Khánh (Theo Lê Bền / Báo Nông Nghiệp)


Tin khác