Nông nghiệp giữ đà xuất siêu

11/06/2010

Năm 2009, khi nền kinh tế phải nhập siêu trong bối cảnh khủng hoảng thì ngành Nông nghiệp lại xuất siêu. Trong những tháng đầu năm 2010, đà xuất siêu này vẫn được giữ vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, tính đến tháng 5, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông lâm thuỷ sản đều thể hiện xu hướng tăng trưởng khá do giá cả của phần lớn các mặt hàng đều tăng so với năm 2009.

Các mặt hàng tăng trưởng khá

Giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm và thủy sản tháng 5 ước đạt 1,61 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm lên 7,22 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2009.

Trong đó, các mặt hàng nông sản đạt 3,9 tỷ USD, tăng 7%; thuỷ sản đạt 1,62 tỷ USD, tăng 17,3%; lâm sản đạt 1,12 tỷ USD, tăng 9,5%.

Nếu so với tổng giá trị nhập khẩu của các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ nông, lâm, thuỷ sản trong 5 tháng qua là 5,4 tỷ USD, thì nông nghiệp đã xuất siêu tới trên 1,8 tỷ USD.

Xuất khẩu thuỷ sản có kim ngạch cao nhất,  5 tháng đạt 1,62 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu hàng đầu tăng trưởng ổn định: Nhật Bản tăng 17,8%, Hoa Kỳ 16,5%, Hàn Quốc 19,7%...

Tiếp theo là gạo,  với tổng lượng gạo xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 2,9 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,5 tỷ USD. Với nhóm lâm sản và đồ gỗ, xuất khẩu tháng 5 các mặt hàng lâm sản chính và đồ gỗ ước đạt 300 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 1,12 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm đã có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là thủy sản, gạo, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép. Như vậy, nông nghiệp đã đóng góp tới một nửa số mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD của cả nước.

Năm ngoái, khi nền kinh tế phải nhập siêu trong bối cảnh khủng hoảng thì ngành nông nghiệp lại xuất siêu. Nông sản là một trong những mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt khoảng 15,4 tỷ USD.

Có được kết quả trên, bên cạnh nỗ lực của người nông dân, là nhờ những chính sách, ưu đãi, gói kích cầu kịp thời của Nhà nước dành cho nông nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn.

 

Nhưng vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm nay, giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản cả nước dự kiến sẽ đạt mức 16 tỷ USD (tăng 700 triệu USD so với năm 2009).

Trong đó, xuất khẩu thuỷ sản dự kiến đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với 2009. Tuy nhiên, thách thức đối với ngành là giá thuỷ sản xuất khẩu tăng rất chậm, trong khi  giá nguyên liệu, nhân công, bao bì lại tăng 10-15% so với cuối năm 2009.

Thêm nữa, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường EU trở nên khó khăn hơn khi quy định chống đánh bắt thủy sản trái phép (IUU) bắt đầu được thực hiện từ năm 2010 gây khó khăn cho người nông dân và DN xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU.

Việc xuất khẩu sản phẩm gỗ của VN mặc dù rất khả quan nhưng không phải không có khó khăn. Từ tháng 4/2010, Hoa Kỳ bắt đầu thực thi Đạo luật Leacy nhằm kiểm soát chặt  hơn tính hợp pháp trong việc khai thác và buôn bán gỗ, sản phẩm gỗ.

Trái ngược với mức tăng trưởng của các mặt hàng nông sản khác, cà phê vẫn ở giai đoạn trầm lắng, xuất khẩu cà phê đã giảm cả về lượng và giá trị, tổng lượng cà phê xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2010 đạt 584 nghìn tấn, chỉ đạt 810 triệu USD, giảm 11,4% về lượng và 17,3% về giá trị.

Nhiều thị trường nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam như Đức, Hoa Kỳ, Ý, Tây Ban Nha… đều có mức giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị, trong đó riêng thị trường Bỉ giảm tới 16% so với cùng kỳ 2009.

(Theo Vũ Trọng // Công thông tin Chính phủ)


Tin khác