Khóc – cười chuyện liên kết trồng rừng ở Krông Bông

15/06/2010

AGROINFO - Có những diện tích rừng đã đến chu kỳ khai thác, nhưng người trồng không biết phải định đoạt thế nào; nhưng cũng có không ít những diện tích rừng còn non thì lại bị người dân chặt bán với giá rẻ, đó là thực trạng “dở khóc dở cười “ trong liên kết trồng rừng của người dân ở huyện Krông Bông với Công ty Cổ phần Nghiệp Lâm (CTNL) TP. Hồ Chí Minh.

Câu chuyện liên kết trồng rừng giữa Công ty Nghiệp Lâm (CTNL) với người dân ở 3 xã Hòa Lễ, Cư Kty và Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông bắt đầu từ đầu năm 2005. Sau khi được UBND tỉnh cho phép thuê hơn 900 ha đất theo Quyết định 1076/QĐ-UB ngày 19-7-2004 tại 3 xã nói trên, doanh nghiệp này đã thực hiện liên kết với người dân để tiến hành trồng rừng. Với phương thức liên kết được công ty đưa ra khá hấp dẫn: trên diện tích đất lâm nghiệp được giao, Công ty đầu tư cho người dân về giống, công chăm sóc, phòng cháy, chữa cháy rừng… với suất đầu tư 11,8 triệu đồng/ha cho 1 chu kỳ 5-7 năm; sản phẩm được ăn chia theo tỷ lệ: người dân 60%, doanh nghiệp 40%.

Nhiều diện tích rừng trồng liên kết rất tốt giữa người dân xã Hòa Lễ với Công ty Cổ phần Nghiệp Lâm.

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, đơn vị này chỉ thực hiện liên kết trồng khoảng 200 ha và đồng thời cũng từ đó “biệt tăm biệt tích”. Những hộ gia đình nhận liên kết, một phần đã lỡ “đâm lao phải theo lao”, phần thì tiếc công chăm sóc trong 2 năm cây rừng lên xanh tốt, nên dù không được công ty đầu tư theo những cam kết trong hợp đồng họ vẫn bỏ tiền túi để thuê nhân công chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy… Thế nhưng, khi diện tích rừng đến kỳ khai thác, người dân không biết phải định đoạt thế nào, bởi đây không phải là tài sản của riêng họ. Anh Võ Viết Sâm ở thôn 4 xã Hòa Lễ thở dài ngao ngán: “3 ha rừng nhận trồng liên kết với CTNL, những tưởng sẽ là cơ hội để cho chúng tôi xóa đói giảm nghèo, nhưng Công ty chỉ đầu tư giống và trả tiền công chăm sóc trong năm đầu, sau đó thì không còn thấy lui tới. Theo hợp đồng, mỗi chu kỳ khai thác Công ty sẽ đầu tư 11,8 triệu đồng/ha, nhưng chúng tôi chỉ mới nhận được 1 triệu đồng rồi tự chăm sóc rừng cho đến tận bây giờ. Khi 3 ha keo lai đã đủ tuổi, chúng tôi muốn khai thác, bán để trang trải số nợ phải vay mượn đầu tư chăm sóc trong 4 năm qua cũng không được, vì đây không phải là tài sản của riêng mình. Đã đành là vậy nhưng giờ muốn tìm kiếm doanh nghiệp để cùng nhau giải quyết lại khó như “mò kim đáy bể”! Trong khi gia đình thì không còn đất để canh tác, phải làm thuê cuốc mướn kiếm sống qua ngày, đã nghèo giờ càng khốn đốn hơn.” Và không riêng gì anh Sâm, gần 30 hộ ở thôn 4 nhận trồng rừng liên kết với CTNL cũng đều lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Anh Võ Thanh Sơn, Thôn trưởng thôn 4 nhìn rừng keo buồn bã: “Năm 2005, tôi cũng là một trong những gia đình hăng hái nhận trồng liên kết 1 ha. Ngày ấy ai cũng vui mừng vì nghĩ rằng sự hỗ trợ đầu tư về vốn này sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của người dân nghèo nơi đây, có người còn kỳ vọng có thể đó là cơ hội để làm giàu. Thế nhưng, doanh nghiệp này bỗng nhiên biến mất. Hiện rừng đã đến kỳ khai thác, nếu tình trạng này cứ kéo dài thì những rừng keo nơi đây rồi cũng biến thành củi cả thôi…”.
Còn ở xã Cư Kty, khá nhiều hộ dân không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi, lại nợ nần tiền vay mượn đầu tư trong những năm doanh nghiệp phá vỡ cam kết hợp đồng, nên họ đành chặt non bán tháo chỉ mong hoàn vốn. Anh Võ Văn Hiệp ở thôn 3 bức xúc: “Chẳng hiểu cung cách làm ăn của doanh nghiệp này như thế nào nữa. Chúng tôi đã đợi hết năm này qua năm khác, đã 4 năm rồi, mà doanh nghiệp vẫn bặt tăm. Chỉ còn 1-2 năm nữa là đến thời hạn thanh lý hợp đồng, nhưng liệu doanh nghiệp có quay lại để bao tiêu sản phẩm và chia lợi nhuận theo tỷ lệ như đã ký kết!” Hơn 20 hộ dân ở thôn 3 đều có chung nỗi bức xúc ấy, có lẽ đó cũng là lý do vì sao 1 ha rừng tư thương chỉ mua với giá 15 triệu đồng (chưa trừ chi phí đầu tư cũng không bằng trồng sắn, trồng bắp) họ vẫn bán.

Không có vốn tiếp tục đầu tư, nhiều hộ dân ở xã Cư Kty đã chặt bỏ diện tích rừng trồng liên kết với công ty để trồng hoa màu.

Chia sẻ nỗi niềm cùng những người dân nơi đây, ông Nguyễn Lân, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, sau 1 năm tiến hành thực hiện ký kết các hợp đồng kinh tế với người dân, CTNL đã không có mặt ở địa phương để thực hiện các nghĩa vụ như đã ký kết. Đến nay đã 4 năm, chính quyền địa phương nhiều lần cố gắng liên hệ theo địa chỉ, số điện thoại mà công ty này đã đăng ký nhưng không cách gì liên lạc được. Ngoài diện tích người dân đã chặt phá để trồng hoa màu hoặc bán non với giá rẻ, hiện vẫn còn khá nhiều diện tích rừng trồng liên kết người dân tự đầu tư, chăm sóc đạt chất lượng khá tốt. Và nguyện vọng được khai thác của người dân là hoàn toàn chính đáng. Chính vì vậy, vừa qua UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra để nắm bắt hiện trạng rừng cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân để có hướng xử lý. Trước mắt, huyện sẽ thông báo qua các phương tiện thông tin đại chúng yêu cầu đơn vị này về địa phương để giải quyết những tồn tại; đồng thời sẽ kiến nghị với UBND tỉnh, Sở NN và  PTNT , Tài Nguyên – Môi trường tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo hướng xử lý nhanh và phù hợp nhất với nguyện vọng của người dân”.


Phạm Khánh (Theo Báo Dak Lak)

Tin khác