Tập đoàn lương thực: Chặng đường dài biến ý tưởng thành hiện thực

14/07/2010

AGROINFO – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu đề xuất thành lập các tập đoàn lương thực, tập đoàn thủy sản để xây dựng những “đầu tàu” đủ mạnh trong điều phối từ sản xuất đến tiêu thụ những mặt hàng xuất khẩu đủ lực. Tuy nhiên, việc thành lập các tập đoàn này đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

 
 Thành lập tập đoàn lương thực, cần chú trọng thị trường nội địa (Ảnh minh họa: internet)
Ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Trưởng ban sắp xếp và đổi mới các doanh nghiệp nông nghiệp, cho biết, Bộ đang rất muốn thành lập 1-2 tập đoàn thuộc ngành lương thực. Nước ta là nước nông nghiệp, hàng năm sản xuất ra tới hơn 40 triệu tấn lương thực, và cũng đã dành ra tới 10 triệu tấn lúa hàng năm để xuất khẩu, còn lại 30 triệu tấn để tiêu thụ nội địa. Vấn đề đặt ra bây giờ là phải chú trọng đến thị trường nội địa, vì từ trước tới nay chúng ta toàn chỉ tập trung vào xuất khẩu, cho nên mỗi khi trong nước xảy ra sự cố như thiên tai, mất mùa hay biến động về giá, chúng ta đều rất lúng túng. Khi thành lập tập đoàn, vấn đề tiêu thụ nội địa sẽ được đặt thành nhiệm vụ trọng tâm.

Nhưng vẫn còn không ít băn khoăn xung quanh việc thành lập các tập đoàn này.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước – bài toán khó

Ông Nguyễn Phú Hùng, Phó vụ trưởng - Phó trưởng ban đổi mới và quản lý doanh nghiệp của Bộ cho biết, 15 tổng công ty thuộc Bộ đã hoàn thành việc sắp xếp lại trước ngày 30/6/2010.

Theo ông Nguyễn Phú Hùng, trong số 16 tổng công ty thuộc Bộ, hiện đã hoàn thành cổ phần hóa đối với 2 tổng công ty; 12 tổng công ty đã chuyển thành công ty TNHH hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; một tổng công ty đã được sáp nhập (Tổng công ty Muối được sáp nhập vào Tổng công ty Lương thực miền Bắc). Đến nay, chỉ còn Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam là đang chờ Chính phủ xem xét quyết định phương án.

Bộ cũng đã xây dựng đề án để tiến tới hợp nhất 3 tổng công ty thủy sản thành 1 tổng công ty thủy sản mới, rồi hướng tới mô hình tập đoàn. Trong số 15 tổng công ty đã hoàn thành sắp xếp, thì 2 tổng công ty đã làm lễ ra mắt, các tổng công ty còn lại đang tiếp tục gấp rút làm các thủ tục đăng ký sản xuất kinh doanh để ra mắt trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây chỉ là bước tạm thời để kịp cho các doanh nghiệp hoạt động tuân theo Luật Doanh nghiệp, sau đó các tổng công ty sẽ phải tiếp tục tiến hành cổ phần hóa.

Mục tiêu quan trọng của việc đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước là nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư để giảm gánh nặng cho Nhà nước. Song đến nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang cổ phần hóa gặp không ít khó khăn, chủ yếu là do thiếu vốn, công nghệ lạc hậu và những bất cập từ cơ chế. Sở dĩ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nông nghiệp diễn ra chậm là do hầu hết các đơn vị có lượng vốn ít, công nghệ lạc hậu, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ có khoảng 20 tỷ đồng vốn, thậm chí có tới 15% số doanh nghiệp có vốn chưa đến 1 tỷ đồng. Số doanh nghiệp có nguồn vốn ít chủ yếu nằm ở các tổng công ty xây dựng, rau quả, chè....

Đối với các nông, lâm trường thì vướng mắc nhất chính là ở khâu định giá đất đai, việc tính giá trị tài sản cố định là đất canh tác theo giá thị trường là vô cùng khó. Với việc đẩy mạnh sắp xếp lại doanh nghiệp trong thời gian qua, các doanh nghiệp ngành nông nghiệp đã thực sự được đổi mới về chất. Tuy nhiên, hậu cổ phần hóa cũng sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh cần phải giải quyết, như: làm thế nào để không bị tư nhân hóa, làm thế nào để lao động trong các doanh nghiệp nhà nước không bị thất nghiệp...

Ý tưởng liệu có thành hiện thực?

Trong ngành nông nghiệp, hiện đã có duy nhất một tập đoàn là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG). Qua hơn 3 năm hình thành, VRG từ số vốn nhà nước ban đầu với 10.000 tỷ đồng, đã huy động từ các thành phần kinh tế khác thêm được 9.000 tỷ đồng. Đến nay, sản phẩm của VRG đã chiếm lĩnh 60% thị trường cao su của cả nước, là đơn vị xuất khẩu cao su chủ lực của nước ta, và đã mở rộng địa bàn hoạt động sang Lào, Campuchia.

Muốn thành lập tập đoàn lương thực thì phải hội tụ đủ điều kiện để chi phối được quy trình sản xuất từ trồng trọt cho đến thu hoạch, sơ chế, đặc biệt là có sự hỗ trợ nông dân. Ông Nguyễn Phú Hùng cũng chia sẻ: “Vấn đề thiết lập các tập đoàn lương thực, thủy sản cũng mới chỉ ở giai đoạn ý tưởng trao đổi tiến tới xây dựng đề án, phải một năm nữa mới trình lên Chính phủ. Các doanh nghiệp nhà nước vừa mới hoàn thành sắp xếp lại trong tiến trình cổ phần hóa, nếu thành lập tập đoàn ngay thì sẽ gây xáo động liên tục".

Bản thân khi đã hình thành tập đoàn, thì tập đoàn đó cũng phải là một công ty mẹ (TNHH một thành viên), chứ không phải là các công ty thành viên dồn lại với nhau, như thế chẳng khác nào hiệp hội. Và một khi đã là một công ty mẹ, thì tập đoàn đó phải tham gia đầu tư vào các công ty con của mình với số vốn chi phối tối thiểu từ 51% trở lên. Chỉ như vậy, tập đoàn mới có tiếng nói, mới quyết định được hoạt động của các công ty con, nếu không tập đoàn chỉ là một cổ đông không có quyền chi phối.


Lê Huê (Tổng hợp)

Tin khác