Quảng Trị: Xơ xác làng tôm

21/07/2010

AGROIFO - Bỏ ra hàng chục triệu đồng để nuôi tôm, người dân các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong (Quảng Trị) khấp khởi chờ vụ thu hoạch sau những ngày chăm bẵm vất vả. Thế nhưng, tôm bỗng dưng... lăn ra chết đỏ hồ, khiến họ lâm vào cảnh trắng tay.

Tôm hết, vốn cạn!

Mới 8 giờ sáng nhưng trời đã nắng chang chang, chúng tôi tìm về thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải (Gio Linh). Trên cánh đồng tôm rộng bao la của thôn, không khí thật trầm lắng. “Đáng ra giờ này bọn tui đã chuẩn bị thu hoạch tôm. Những năm trước cả làng vui lắm vì trúng mùa nhưng năm nay thì hẩm hiu quá chú ơi. Tôm chết hết rồi còn đâu”, chị Nguyễn Thị Xuân vừa thu lượm xác tôm chết vừa than thở.

Chị cho biết, năm vừa rồi thấy dân làng đầu tư nuôi tôm thắng lớn nên gia đình chị cũng đánh liều vay ngân hàng thuê xe múc ruộng... thành hồ nuôi tôm. Ban đầu thấy tôm phát triển tốt, chị rất mừng và hy vọng về một mùa tôm bội thu. “Thế mà trời chẳng thương, sắp đến kỳ thu hoạch tôm lăn đùng ra chết. Bao nhiêu vốn liếng và hy vọng của gia đình tui rứa là tiêu tan, không biết sắp tới lấy gì mà trả nợ”, chị Xuân lo lắng nói.

Dưới cái nắng oi bức, xác tôm chết đã phân hủy bốc mùi hôi thối nồng nặc. Anh Trần Văn Tâm ở thôn Xuân Hòa vừa xách bao vôi rắc quanh hồ vừa than: “Mấy vụ đầu gia đình tui nuôi cũng có lãi nhưng mùa này do dịch bệnh nên tôm chết gần hết. Khi tôm vừa có biểu hiện bệnh tui đã tranh thủ vớt vát số tôm còn lại bán để bù vốn mua giống nhưng chẳng ăn thua vì giá thấp quá”.

Người nuôi tôm ở Quảng Trị đang lâm vào tình cảnh tôm chết đỏ hồ (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Theo những người dân nơi đây, giá tôm năm nay khá cao, loại 40 con/kg là 120.000- 135.000 đồng, nhưng do bán non nên bà con chỉ bán được với giá 30.000 đồng/kg. Không riêng gì gia đình chị Xuân, anh Tâm mà hàng chục hộ nuôi tôm tại thôn Xuân Hòa cũng lâm vào cảnh lao đao, nợ nần chồng chất. Theo thống kê của xã Trung Hải, hiện diện tích nuôi tôm của xã đã bị bệnh chết trên 16 hồ (bình quân mỗi hồ rộng 500- 2.000m2).

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị, do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, nguồn giống không đảm bảo và môi trường ao nuôi không được xử lý tốt nên trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều loại dịch bệnh, đặc biệt là ở tôm sú, trong đó bệnh tôm đầu vàng lần đầu tiên xuất hiện tại xã Vĩnh Thành khiến 44,5ha mất trắng; xã Vĩnh Sơn cũng bị thiệt hại 1,2ha.

Bệnh đốm trắng ở tôm sú và tôm thẻ chân trắng cũng đã làm 21,8ha tôm ở xã Vĩnh Sơn, 15ha ở xã Trung Hải và 11ha tôm thẻ tại huyện Triệu Phong bị nhiễm bệnh. Rất nhiều diện tích nuôi tôm gần đến kỳ thu hoạch nhưng do nhiễm bệnh nên người dân đành bán sớm, cố vớt vát vốn, còn diện tích mới thả nuôi bị nhiễm bệnh thì buộc phải tiêu huỷ để tránh lây lan ra diện rộng. Tính đến đầu tháng 7/2010, diện tích tôm sú bị dịch bệnh đốm trắng và đầu vàng trên địa bàn toàn tỉnh là 81,5ha.

Dập dịch khó khăn

Trao đổi với chúng tôi về tình hình dịch bệnh tại địa phương, ông Trần Lương Xuân, cán bộ văn phòng UBND xã Trung Hải lo lắng nói: “Dịch bệnh gây thiệt hại nặng cho bà con. Ngay khi phát hiện, chúng tôi đã báo cáo các cơ quan chức năng để xử lý. Chúng tôi đã nhận được mẫu text xét nghiệm là do tôm bị bệnh đầu vàng và Chi cục Thú y cũng đã tích cực tiến hành trợ giúp người dân xử lý ao hồ, nhưng đến nay hiệu quả dập dịch vẫn chưa cao”. Theo ông Xuân, một nguyên nhân khác khiến công tác dập dịch khó khăn là do một số người dân khi biết hồ nuôi tôm của mình nhiễm bệnh đã chán nản, không hợp tác với Chi cục Thú y để dập dịch khiến tình hình dịch bệnh càng lan rộng.

Theo ông Lê Bình, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, để tránh dịch bệnh lây lan, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch. Trong đó đề nghị cấp trên cấp kinh phí hỗ trợ người dân xử lý ao hồ, text mẫu bệnh phẩm khi phát hiện có dấu hiệu bệnh, đồng thời khoanh nợ, giãn nợ, cho vay vốn để bà con tái đầu tư sản xuất.


Phạm Khánh (Theo Báo KTNT)

Tin khác