TS Lê Đức Thịnh: Phải thay đổi tư duy quản lý làng nghề

30/10/2010

Khi nghiên cứu những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tới các làng nghề và hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ, TS. Lê Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) khẳng định, các gói hỗ trợ của Chính phủ cho các làng nghề chưa thực sự phù hợp.

Ông Thịnh cho rằng:

Sau khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp làng nghề không chết, hội nghề cũng không chết mà chỉ tạm dừng hoạt động trong thời gian ngắn. Và ngay sau đó, rất nhiều làng nghề đã phục hồi trong khi rất nhiều doanh nghiệp phải đến quý 1/2010 mới gượng dậy được. Những nỗ lực của các doanh nghiệp làng nghề rất đáng ghi nhận.

Sau đợt khủng hoảng vừa qua, bài học lớn nhất rút ra cho các làng nghề là gì, thưa ông?

Điều quan trọng nhất là các làng nghề phải tự cứu mình, tự học các mô hình của nhau thông qua việc cải tổ cơ cấu làng nghề, các hiệp hội, doanh nghiệp, các thể chế... Tất cả phải có một phương thức thay đổi, đi kèm với đó là thay đổi tư duy, phương thức quản lý hộ nghề.

Bài học quan trọng nhất với các làng nghề là kinh nghiệm về khả năng thích ứng đối với các biến động kinh tế. Để thích ứng được với các biến động này, một loạt cơ cấu trong làng nghề đã thay đổi, từ thị trường, lao động, sản phẩm đến thể chế. Cụ thể, hiện nay các làng nghề đã chú trọng hơn với thị trường trong nước chứ không chỉ tập trung xuất khẩu như trước. Cơ cấu sản phẩm thay đổi nhiều về mẫu mã, chất lượng, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Các làng nghề cũng phải tăng cường đào tạo lao động. Về mặt thể chế đã xuất hiện nhiều hiệp hội doanh nghiệp làng nghề, góp phần mở rộng thị trường, đưa làng nghề phát triển nhanh và mạnh hơn.

Doanh nghiệp xuất khẩu thường gặp nhiều rủi ro hơn khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, vậy theo ông tất cả các làng nghề, doanh nghiệp có nên xây dựng một hệ thống phân phối tốt ở trong nước? Điều này liệu có mâu thuẫn khi có những sản phẩm chỉ có thể xuất khẩu?

Chúng tôi muốn nói đến một quan điểm sâu hơn, đó là kể cả ở nước ngoài cũng nên có một hệ thống phân phối và làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội) đã rút ra được điều đó từ sau khủng hoảng.

Trước đây, Bát Tràng cũng xuất khẩu và không có hệ thống phân phối bên ngoài, do vậy họ thiếu thông tin nên chỉ có thể làm gia công. Sau này, họ nhận thấy không thể cứ mãi như vậy và họ quyết định phải xây dựng hệ thống phân phối trong nước. Và đến nay, coi như Bát Tràng đã thành công.

Chính phủ đã đưa ra hàng loạt gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có các làng nghề. Dưới góc độ nhà nghiên cứu chính sách, xin ông cho biết nhận xét của mình?

Những chính sách mà Đảng và Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là các hộ ở làng nghề dù đã góp phần giúp làng nghề vượt qua khó khăn nhưng chưa phát huy tác dụng như mong muốn.

Cũng giống như nền kinh tế, Chính phủ muốn chia sẻ và hỗ trợ để các làng nghề mà cụ thể là các doanh nghiệp, hộ nghề và các lao động ở đó vượt qua khó khăn. Vì thế, chỉ một thời gian ngắn, các quyết định 131, 443 và 497 đều xoay quanh việc hỗ trợ lãi suất vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ được ban hành.

Tuy nhiên, tôi khẳng định hầu hết các hộ nghề không tiếp cận được với chính sách này mà chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, có quan hệ chặt chẽ với ngân hàng. Kết quả khảo sát của chúng tôi thấy, 100% số hộ nghề tiếp cận được chính sách hỗ trợ thông qua Quyết định 131,33% số doanh nghiệp tiếp cận được Quyết định 443 và không có doanh nghiệp nào tiếp cận được với Quyết định 497, chứng tỏ 2 quyết định sau không phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của các làng nghề.

Vậy gốc của vấn đề nằm ở đâu, thưa ông?

Tôi nghĩ, câu chuyện đổi mới thể chế, thay đổi phương thức quản lý làng nghề là hai vấn đề mà chúng ta sẽ phải bàn đến rất nhiều trong tương lai.

Bằng chứng là chúng ta có rất nhiều đề án, các cấp, ngành cùng xây dựng nhưng tất cả không thể ghép lại thành một cái tổng thể trong một chương trình dài hơi.

Vấn đề thứ 2, hiện chúng ta đang quản lý hoặc hỗ trợ làng nghề giống như làm một khu công nghiệp, khu đô thị và việc quản lý hộ nghề cũng chỉ giống như hộ nông dân hay doanh nghiệp. Tư duy như thế không thực sự phù hợp với sự phát triển bởi làng nghề là một thực thể có rất nhiều thể chế trong đó. Tôi lấy ví dụ, làng nghề cũng cần doanh nghiệp nhưng xương sống của nó lại là các hộ nghề và hộ nghề không hoàn toàn giống hộ sản xuất thông thường, cũng không giống doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất của hộ nghề là năng lực, sức sáng tạo của họ chứ không phải tài sản thế chấp. Do đó, chúng ta phải thay đổi phương thức quản lý để hỗ trợ, có như vậy hộ nghề mới phát triển tốt được.

Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung hỗ trợ các hộ nghề cũng không ổn vì các làng nghề rất cần vai trò tiêu thụ của doanh nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Chúng tôi không phản đối quan điểm đó bởi các doanh nghiệp có lợi thế là tiếp cận được thị trường, tuy nhiên nếu chỉ có hộ nghề và doanh nghiệp sẽ không đủ mà bên cạnh đó phải có các thể chế, yếu tố khác để hỗ trợ như vốn xã hội. Và vốn xã hội chính là sự liên kết các thành phần trong làng nghề ấy, vì thế chúng ta cần phải phát huy hộ nghề, doanh nghiệp, và các loại hình khác nữa.

Xin cảm ơn ông!

Theo KTNT - Thuý Nga (thực hiện)


Tin khác