GIÁO SƯ VIỆN SĨ ĐÀO THẾ TUẤN QUA HỒI TƯỞNG VÀ THƯƠNG TIẾC CỦA BẠN BÈ, HỌC TRÒ

25/01/2011

Agroinfo - Ngày 19 tháng 01 năm 2011, Giáo sư, Viện sỹ Đào Thế Tuấn đã vĩnh biệt chúng ta, hưởng thọ 80 tuổi. Sự ra đi của nhà Nông học tâm huyết và tài năng này để lại khoảng trống cho ngành Nông học cũng như niềm thương tiếc cho gia đình và nhiều bạn bè, học trò. Đã có không ít học trò của ông chia sẻ và bày tỏ tình cảm đó trên báo và diễn đàn.

1. Trên Tạp chí Tia sáng, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển Nông thôn (IPSARD) không ngần ngại, gọi Giáo sư - Viện sỹ Đào Thế Tuấn là “Con người tuyệt đẹp”, và cũng lấy cụm từ này làm tiêu đề cho bài viết của ông.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn mở đầu bằng câu nói đầy xót thương: “Một trong những cây đại thụ ít ỏi của ngành khoa học nông nghiệp đã ngã xuống. Bên cạnh sự tiếc thương về trí tuệ quí báu là sự đau xót về tình cảm với một Con Người đẹp đẽ - kết tinh của một gia đình đại trí thức chân chính.”
Trong bài viết, ông cũng căn cứ nhiều vào tư liệu Hồi kí của giáo sư Đào Thế Tuấn (một trong những tư liệu hiếm hoi mà không phải ai cũng được đọc), độc giả được hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp của Giáo sư.
Trước hết là về tuổi thơ và thời gian đi học: “Bác (tức chỉ giáo sư Đào Thế Tuấn) lớn lên trong một môi trường học vấn lý tưởng. Trước hết là học từ sách vở. Tủ sách gia đình rất phong phú không những có sách nghiên cứu mà cả sách văn học bằng tiếng Việt và Pháp. Cụ Đào Duy Anh đã đi thăm các nhà thế gia ở miền Trung để mượn và sao chép nhiều tài liệu lịch sử quý giá mà ngay các thư viện cũng không có. Cụ mời một nhà nho giúp sao chép các sách mượn về và dạy cậu Tuấn học chữ Hán. Gia đình mở hiệu sách Vân Hoà (lớn nhất ở Huế khi đó) và sau đó xây dựng thành một thư viện lớn nên Cậu Tuấn từ nhỏ đã say mê đọc và học hỏi từ sách vở.”
Sinh ra trong một gia đình trí thức, cha là Giáo sư Đào Duy Anh – một học giả lớn của Việt Nam, nên có thể nói giáo sư Đào Thế Tuấn được tắm trong môi trường “học thuật”, tri thức. Vì thế, “Khi đi học phổ thông cậu học bằng tiếng Pháp, lên lớp 6 thì bắt đầu học thêm tiếng Anh và tiếng Latinh. Tiếng Việt mẹ dạy ở nhà. Cha cho học thêm chữ Hán. Vốn ngoại ngữ phong phú sau này được bổ xung thêm tiếng Nga, giúp bác Đào Thế Tuấn mở rộng khả năng trao đổi và tiếp thu kiến thức nghiên cứu.”
Và “Cả Bố và mẹ đều là thầy dạy cho Bác Tuấn, dạy rất thiết thực. Cụ bà Trần Như Mân dòng dõi nhà quan nhưng lại truyền cho con tư tưởng tiến bộ và lòng yêu nghề canh nông. Bà đã dạy cho con kỹ thuật và nuôi tằm để vừa học vừa chơi. Sau này khi thấy Bác Tuấn theo học nông nghiệp bà rất mừng. Những câu chuyện mẹ kể về nổi khổ cực của nông dân và những chuyến đi cùng Bố, Mẹ về miền quê, định hình mối quan tâm đến nông thôn trong tâm hồn non trẻ của cậu bé Tuấn. Cha hướng dẫn cậu vào các hoạt động xã hội, từ năm 6 tuổi Đào Thế Tuấn đã gia nhập Hướng đạo sinh, rồi Thiếu sinh Lê Lai đi theo các huynh trưởng hướng đạo như các ông Hoàng Đạo Thuý, Tạ Quang Bửu..., nhờ đó dù nhỏ đã biết nấu ăn, may vá, làm công việc thủ công, hoạt động xã hội, làm từ thiện và hình thành lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước. Qua Bố và bạn bè của Bố, Bác Đào Thế Tuấn tiếp xúc với kiến thức chính trị sớm, đọc nhiều tài liệu Việt Minh, về chủ nghĩa Mác Lê Nin bằng tiếng Việt, tiếng Pháp trong tủ sách của cha và bắt đầu tham gia công tác từ bé.”
Tất cả những tháng năm tuổi thơ được theo học tiếp xúc với những nhà cách mạng, với những tài liệu sách vở vô cùng giá trị ấy, đã làm một nền tảng tri thức, kiến văn rất chắc chắn cho giáo sư Đào Thế Tuấn phát triển tài năng trên con đường khoa học của mình sau này, với những thành tựu mà ít nhà Nông học nào có thể đạt được.
Và, bài viết cũng bộ lộ tình cảm yêu quý và tiếc thương vô hạn của tác giả với giáo sư Đào Thế Tuấn “Không còn nữa nhà trí thức tài hoa Đào Thế Tuấn; người yêu nước từ thủa ấu thơ, khi có giặc thì cầm súng bảo vệ tổ quốc, khi hoà bình thì nghiên cứu hạt lúa, củ khoai; người lãnh đạo mà tài sản quí nhất trong nhà chỉ là sách vở. Nhưng còn mãi với chúng ta giọng nói miền Trung sang sảng của giáo sư khẳng khái tranh cãi học thuật; mãi còn đó nụ cười hóm hỉnh, dí dỏm của Giáo sư khi bàn bạc về lẽ đời; nhớ mãi dáng vẻ ngơ ngác, cặm cụi tìm tòi của con người mà trí tuệ và lòng bao dung vượt qua những trăn trở đời thường. Chỉ có tương lai mới cho chúng ta biết đã mất gì khi mất đi Đào Thế Tuấn và cũng chỉ có thời gian mới cho chúng ta biết mình được gì do ông để lại. Vĩnh biệt Giáo sư Đào Thế Tuấn - Con Người tuyệt đẹp của một Gia Đình tuyệt đẹp”.
 
2. Trên báo điện tử Vietnamnet, một học trò của giáo sư Đào Thế Tuấn, tiến sĩ Lê Đức Thịnh (cũng công tác ở IPSARD) kể một số câu chuyện về người thầy của mình qua bài viết “Vị giáo sư đáng kính và món nợ với nông dân.
Sau khi kể lại câu chuyện thời gian đầu, khi giáo sư Đào Thế Tuấn thành lập Bộ môn Hệ thống nông nghiệp, giáo sư yêu cầu cán bộ xuống hai địa bàn huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng và huyện Chợ Đồn Bắc Kạn để thực tiễn, làm việc, sinh hoạt, ăn ở cùng bà con nông dân. Dù “Một vài tháng chúng tôi mới về Hà Nội, nhưng không tháng nào Giáo sư không về địa phương để trao đổi, dạy bảo các học trò cũng tại nhà nông dân.”, từ đó, TS. Lê Đức Thịnh viết: “Với ông, (tức giáo sư Đào Thế Tuấn) thực tiễn là trường học, nông dân là người thầy dạy lớn nhất của những người làm công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.”
Đáng chú ý, bài viết của TS.Thịnh kể lại những trăn trở trước lúc đi xa của giáo sư Đào Thế Tuấn với 7 vấn đề mà ông mới viết liên quan đến người nông dân.
”Với ông, đây là những trăn trở, là cái nợ mà ông chưa trả đối với người nông dân.
Bảy vấn đề đó là: 1) thu nhập của họ còn quá thấp, 2) giá đất nông nghiệp thấp (tài sản duy nhất của họ định giá quá thấp và không được bảo vệ; 3) ít được hưởng phúc lợi xã hội nhất so với càng tầng lớp khác nhất là về giáo dục, y tế;  4) sống trong điều kiện môi trường càng ngày càng ô nhiễm;  5) đã nghèo lại luôn bị nạn hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành; 6) thương mại không công bằng, người dân luôn bị ép giá;  7) cuối cùng là thiếu các phương tiện, công cụ để giảm, thoát nghèo, như cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu kém, khó tiếp cận vốn, lao động trẻ khỏe xa rời nông nghiệp.”
Khi giáo sư bị bệnh nặng mà vẫn đau đáu, trăn trở với nông dân như thế, thật đáng kính.
3. Trên báo Nông nghiệp Việt Nam, một học trò khác của giáo sư Đào Thế Tuấn là TS. Lê Hưng Quốc viết về người thầy của mình với tựa đề “Tưởng nhớ GS Đào Thế Tuấn, nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu
Mở đầu, TS. Lê Hưng Quốc viết “Được tin GS.VS Đào Thế Tuấn qua đời, thế hệ học trò chúng tôi thấy đột ngột và tiếc thương sâu sắc, xin thắp một nén hương tưởng niệm người thầy, nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu của nước ta với sự thành kính từ đáy lòng mình
Nói về đóng góp của GS.VS Đào Thế Tuấn với nông nghiệp nước ta mấy chục năm qua, TS Lê Hưng QuốC cho rằng “Trước hết phải nói tới việc đóng góp trong lĩnh vực đào tạo cán bộ khoa học nông nghiệp. Với vốn ngoại ngữ giàu có của mình, GS Tuấn có thể nói là người chuyển dịch khoa học công nghệ nông nghiệp của nước ngoài vào nước ta với khối lượng tài liệu hàng đầu. GS là người trực tiếp giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ cán bộ khoa học nông nghiệp ở Học viện Nông lâm, ĐH Nông nghiệp, Viện KHKTNN Việt Nam… Nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ đầu đàn tiếp nối trong các lĩnh vực khoa học nông nghiệp.”
Bên cạnh đó, TS Lê Hưng Quốc nhấn mạnh tới đóng góp của giáo sư Đào Thế Tuấn về nghiên cứu phát triển nông thôn trong thời kỳ đổi mới. Tác giả viết “GS Đào Thế Tuấn là nhà khoa học nông nghiệp đi đầu trong nghiên cứu phát triển nông thôn trong thời kỳ đổi mới, lấy nông dân làm trung tâm. Trong KH nông nghiệp, cái khó nhất là chuyển được thành tựu khoa học vào thể chế thị trường. Các công trình nghiên cứu của GS Tuấn đã góp phần đóng góp chỉ ra giá trị nông nghiệp, cách tổ chức sản xuất trong thị trường, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong hội nhập hiện nay.”
Một câu nói của giáo sư Đào Thế Tuấn được tác giả nhớ mãi, đó là: “Thực chất của công nghiệp hoá, hiện đại hoá là phát triển công nghệ”.
4. Trên Blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện – Viện nghiên cứu Hán Nôm, nhiều bạn bè, học trò của giáo sư Đào Thế Tuấn cũng chia sẻ tình cảm của mình trước sự ra đi vĩnh hằng của giáo sư.
TS. Nguyễn Xuân Diện – một chuyên gia Hán Nôm viết “xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn. Cầu nguyện anh linh Giáo sư Đào Thế Tuấn được đời đời thanh thản cõi vĩnh hằng!”
TS Hoàng Quý Thân nói: “Thế là từ nay chúng ta không còn được gặp gở và nhìn thấy hình ảnh ông trong cuộc sống đời thường nửa nhưng tôi nghĩ rằng đại đa số của hơn 86 triệu người dân chúng ta sẻ nhớ đến ông mỗi lần bưng bát cơm lên miệng và khi xa tổ quốc nhìn thấy hạt gạo việt nam trên thị trường giới chúng ta lại nhìn thấy hình bóng Ông xuất hiện đâu đây! Xin gửi lời chia buồn tới gia đình cố Giáo sư-Viện sĩ lời tiếc thương sâu sắc của gia đình chúng tôi, mong Ông yên nghĩ nơi vĩnh hằng.”
Nhà giáo Vũ Thế Long xúc động: “Nhận tin sét đánh Anh Đào Thế Tuấn đã ra đi. Với chúng tôi, anh là một người thầy vĩ đại. Anh đã cùng anh chị em trong ngành Sinh khảo cổ học đặt những viên gạch đầu tiên cho nghiên cứu lịch sử nông nghiệp nước nhà. Anh thực sự là một trong những nhà khoa học lăn lộn với nông dân để làm khoa học nông nghiệp vì nhân dân. Đem lại lợi ích thực sự cho Nhân Dân. Với tôi, anh là một tấm gương về gìn giữ nếp nhà của người Việt. Xin vĩnh biệt anh. Một tấm gương sáng cho các nhà khoa học chúng ta. Xin thành kính phân ưu cùng gia đình”.
Còn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì nói “Thay mặt Hội các ngành sinh học Việt Nam, xin kính viếng hương hồn GS. VS Đào Thế Tuấn, người anh cả trong lĩnh vực Nông nghiệp và Sinh học, một tấm gương về tài năng, nghị lực và đức độ. Kính mong GS yên nghỉ chốn vĩnh hằng. Đau xót chi buồn cùng gia quyến”.
 
5. Trên trang website của Bảo tàng Nhân học VN – thuộc ĐHKHXH&NV Hà Nội , PGS. TS Lâm Mỹ Dung – một học trò “ruột” của cố GS Trần Quốc Vượng (bạn thân của GS Đào Thế Tuấn) viết: “GS.VS. Đào Thế Tuấn còn là một trong rất ít nhà nông học quan tâm nghiên cứu lịch sử cây lúa nước. Nhớ những ngày nắng đổ lửa tháng 5 năm 2010 ông vẫn tới công trường khai quật Thành Dền của chúng tôi để mục sở thị những dấu tích liên quan đến lúa nước thời Tiền Đông Sơn. Những nghiên cứu của ông về lúa tìm thấy trong các địa điểm khảo cổ học Xóm Trại, Đồng Đậu... đã thực sự giúp ích rất nhiều cho các nhà khảo cổ Việt Nam và quốc tế và những nghiên cứu của ông hợp tác với GS. Trần Quốc Vượng, GS. Hà Văn Tấn... đã thúc đẩy sự hợp tác liên ngành giữa khảo cổ học với nhiều ngành khoa học khác. Những cây đại thụ của nền khoa học nước nhà cứ lần lượt về cõi vĩnh hằng để lại những khoảng trống không thể lấp đầy.”
Chỉ sau mấy ngày GS –VS Đào Thế Tuấn qua đời, trên khắp các trang báo viết, báo điện tử, Blog có hàng trăm lời chia sẻ, những hồi ức khác , nhớ về GS –VS, Nhà nông học và cũng là một người am tường văn hóa Việt Nam mà chúng tôi chưa liệt kê vào đây.

 Trung tâm thông tin Agroinfo


Tin khác