Hợp tác công tư phát triển ngành cà phê

29/04/2011

Ngày 29.4, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD và Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa về “Xây dựng mô hình thể chế ngành hàng, chỉ dẫn địa lý sản phẩm cà phê và HTX kiểu mới tại các vùng trồng cà phê tỉnh Lâm Đồng, Quảng Trị, Sơn La và Điện Biên”.

Tham dự và chứng kiến tại lễ ký kết, có sự hiện diện của Đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT; Đại diện một số Cục, Vụ Bộ NN&PTNT; Bộ Công thương; Ban Biên tập bản tin cà phê VN; Hiệp Hội Cà phê Ca cao Việt Nam- VICOFA; một số cơ quan tổ chức quốc tế,... cùng đại diện nhiều cơ quan truyền thông báo chí.
 
Theo đó, Thỏa thuận hợp tác giữa IPSARD và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa được thực hiện trong 3 năm với nhiều nội dung hợp tác chính như:  
- Xây dựng các tổ chức nông dân sản xuất cà phê dựa trên hệ thống quản lý chất lượng thực hành tốt như mô hình hợp tác xã cà phê kiểu mới, chi hội để tiến tới tổ chức chuỗi ngành hàng và kết nối 4 tỉnh trên với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam;
- Xây dựng chỉ dẫn địa lý và phát triển thương hiệu cho mặt hàng cà phê chè tại một số địa phương có điều kiện phù hợp, tiến tới mặt hàng cà phê chè được bảo hộ trong nước và Châu Âu, dựa trên tuyên truyền mô hình nông thôn mới;
- Giám sát, kiểm tra, duy trì hoạt động của hợp tác xã và chuỗi cung ứng cà phê từ sản xuất đến phân phối; quản lý chất lượng theo chỉ dẫn địa lý được cấp và tìm kiếm nguồn đầu tư của Trung ương và địa phương để thực hiện mô hình.”
Cũng trong buổi lễ, ông Nguyễn Trí Ngọc - Đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT; Tiến sĩ Đặng Kim Sơn – Viện trưởng IPSARD, ông Nguyễn Văn An – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa đã dành nhiều thời gian trả lời các vấn đề báo chí quan tâm liên quan đến mô hình hợp tác công – tư này.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc –Cục trưởng cục trồng trọt Bộ NNPTNT: Hiện nay, 5 ngành hàng nông nghiệp hiện đang được khuyến khích phát triển là chè, cà phê, thủy sản, rau và hoa quả. Hy vọng việc hợp tác giữa 1 doanh nghiệp kinh doanh và cơ quan tư vấn của nhà nước sẽ đạt những kết quả để tạo tiền đề cho sự phát triển của mô hình đối tác công tư . Mô hình đối tác công tư trong phát triển nông nghiệp được Bộ ủng hộ và Cục sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo trong việc hoàn thiện mô hình này.
 
Một chuyên gia của IPSARD cho rằng, hợp tác công tư là một hình thức hợp tác mới của IPSARD và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, đòi hỏi sự thống nhất và nỗ lực của các bên khi triển khai thực hiện. Cùng với sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan quản lý; kinh nghiệm trong nghiên cứu, thử nghiệm và đối thoại chính sách của IPSARD; kinh nghiệm trong quản lý, kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, hai bên tin tưởng rằng hợp tác giữa hai bên trong xây dựng mô hình thử nghiệm chính sách tổ chức thể chế ngành hàng sẽ thành công và góp phần phát triển ngành cà phê tại các bốn tỉnh. Đồng thời, hai bên cũng hy vọng góp phần tăng cường hợp tác công tư trong nông nghiệp nông thôn và thúc đẩy công tác thử nghiệm chính sách thông qua mô hình trong thời gian tới.  
 
Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam là công ty đã niêm yết trên sàn  tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội  Mã chứng khoán : THV.   Vốn điều lệ: 550.000.000.000 (Năm trăm năm mươi tỷ) đồng
Các lĩnh vực kinh doanh chính: Chế biến nông sản;Buôn bán hàng lương thực, thực phẩm;Mua bán máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất; Kinh doanh, cho thuê kho hàng, nhà xưởng;Trồng cây cà phê, cây lâu năm, trồng rừng;Trồng cây cao su;Chế biến lâm sản, mộc, gỗ;Sản xuất phân bón các loại: phân vi sinh, NPK, chế phẩm từ chất thải nông công nghiệp; ...v.v...
 
 
Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) được chính thức thành lập năm 2005 trên cơ sở Viện Kinh tế Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), có chức năng tham mưu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho Bộ, ngành và Chính phủ. Trên cơ sở đó, bước đầu Viện đã thu hút được một lực lượng cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản và có tinh thần làm việc tốt về công tác. Viện hiện có 3 phòng chức năng, 4 bộ môn nghiên cứu (trung bình khoảng 10 người/bộ môn) và 4 trung tâm/cơ sở độc lập (khoảng 15-25 người/trung tâm)
Ipsard có chức năng nhiệm vụ chính là:
- Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ xây dựng chính sách và đánh giá tác động của chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình...phát triển nông nghiệp nông thôn.
Thông tin đa chiều, đa phương tiện nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định của các đối tượng quản lý, sản xuất kinh doanh, đầu tư... liên quan đến ngành nông nghiệp nông thôn
- Thực hiện các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, tư vấn, xây dựng mô hình với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
 
  Phòng Truyền thông - AGROINFO

 


Tin khác