Nghịch lý xuất khẩu nông-lâm-thủy sản: Giá trị tăng cao, lãi giảm

04/05/2011

Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đạt 8 tỷ USD, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân không được hưởng lợi nhiều từ thành quả này.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,  trong 4 tháng đầu năm nay, lĩnh vực nông nghiệp đã xuất siêu 3,2 tỷ USD, nguyên nhân chính là nhờ giá nông – lâm - thuỷ sản trên thế giới tăng cao. 
Nhìn chung, trong 4 tháng qua, hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng mạnh về giá.
Giá cà phê xuất khẩu tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ vậy, xuất khẩu cà phê đạt 1,4 tỷ USD, tăng 45,4% về lượng và gấp hơn 2 lần về giá trị.
Tương tự, 4 tháng đầu năm, cao su xuất khẩu chỉ tăng 31,3% về lượng (204.000 tấn), nhưng lại tăng gấp 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái (897 triệu USD).
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 4 tháng đạt 1,6 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,2 tỷ USD (trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 52,6%).
Một số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao khác là hạt điều, hạt tiêu, chè. Ước tính, đến hết tháng 4, xuất khẩu hạt điều cả nước đạt 39.000 tấn, chỉ bằng 85,4% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kim ngạch lại tăng 15% (đạt 275 triệu USD). Giá điều xuất khẩu hiện đã tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, xuất khẩu hạt tiêu giảm 4,9% về sản lượng, nhưng giá trị lại tăng tới 53,5% (đạt 208 triệu USD). Giá hạt tiêu xuất khẩu trung bình 3 tháng đầu năm đạt 4.895 USD/tấn, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 
Riêng mặt hàng gạo lại có dấu hiệu đi ngược trào lưu. Giá gạo giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước đã xuất khẩu 2,8 triệu tấn gạo, tăng 30% về lượng, với trị giá 1,4 tỷ USD, chỉ tăng 22,7%.  Hai thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam là Indonesia và Cuba. Trong khi đó, thị trường truyền thống là Philippines lại nhập khẩu ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy các mặt hàng nông – lâm – thuỷ sản xuất khẩu thắng lớn về giá cả và kim ngạch, song các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và người nông dân lại thu được lợi nhuận rất ít, thậm chí còn bị lỗ do chi phí đầu vào tăng mạnh.
Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang (Agifish) nhận xét, hầu hết các đơn hàng xuất khẩu trong quý I vừa qua đều được ký từ năm ngoái khi mức giá đầu vào còn tương đối thấp. “Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu tăng mạnh, cộng với giá điện, nước, cước vận chuyển tăng mạnh, khiến những lô hàng xuất khẩu này hầu như không có lãi, thậm chí còn bị lỗ”, ông Ký nói.  
Tuy kim ngạch xuất khẩu nông - lâm – thuỷ sản tăng mạnh, nhưng kim ngạch nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, phân bón phục vụ nông nghiệp cũng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, ước ở mức 4,8 tỷ USD.
Một số mặt hàng nhập khẩu chính là phân bón (trị giá 416 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và 19,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái); thuốc trừ sâu và nguyên liệu  (198 triệu USD, tăng 7,2%); gỗ và sản phẩm gỗ (356 triệu USD, tăng 18%); thức ăn gia súc và nguyên liệu (804 triệu USD, tăng 4,6%); lúa mì (262 triệu USD, tăng 37,5%)…
Trong khi đó, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cũng cho hay, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phêViệt Nam vẫn bị ép giá khi xuất khẩu và đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, nên không cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI trong khâu thu mua nguyên liệu.
AGROINFO – Theo Báo Đầu tư
 

Tin khác