Trả công xứng đáng cho nông dân

09/05/2011

Từ 1.5, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, cá nhân có địa chỉ cư trú hợp pháp và được UBND cấp xã xác nhận là trực tiếp sản xuất và phục vụ sản xuất; các DN có ký và thực hiện tiêu thụ nông sản và dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

Đây là nội dung Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định 63 ngày 15.10.2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đó chính là tín hiệu vui của những người làm nông nghiệp nước ta. Bởi lẽ, quá trình thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch là khâu quan trọng trong quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Nó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, hướng đến xây dựng NTM hiện đại, bền vững và có tính cạnh tranh cao.
Bên lề kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XII, bà Ngô Minh Hồng- đại biểu TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Mặc dù, Chính phủ đã tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thuỷ lợi, máy móc và có những lan toả lớn, tuy nhiên, nguồn vốn cho khu vực này chưa thoả đáng và kết quả chưa được mong muốn”.
Bà Hồng lấy ví dụ, việc thiếu kho dự trữ khiến DN “bó tay” và hệ quả cuối cùng là ND phải bán lúa non. "Mục tiêu đảm bảo người trồng lúa có lãi tối thiểu 30-40% có vẻ to tát nhưng chưa xứng đáng với công sức nông dân bỏ ra; trong khi khâu lưu thông, thương mại thì hưởng lãi lớn"- bà Hồng nhấn mạnh.
Thu nhập của người ND xứng đáng trên thửa ruộng của họ và công sức họ bỏ ra, tất nhiên, không thể giải quyết tức thời. Nhưng rõ ràng, "lương" ND không chỉ dừng lại thuần tuý sự "mặc cả" giữa ND và DN mà cần có những chính sách hợp lý hơn của Nhà nước.
Theo TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: “Cơ giới hóa thu hoạch lúa tiến triển chậm, một phần là do chưa có mẫu máy nào thực sự thích hợp, hiệu quả. Việc phát triển máy gặt đập liên hợp không những là lời giải cho bài toán thu hoạch lúa, mà còn là đầu tàu thúc đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa nghề trồng lúa”. Hiện vùng ĐBSCL mới có khoảng 480 máy gặt đập liên hợp, trong 10 năm tới, cần khoảng 6.000-7.000 máy...
Trên thực tế, đa số nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều thu hoạch và chế biến theo phương pháp thủ công hoặc với máy móc cũ kỹ. Hệ quả tất yếu của thực tế này là ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, làm giảm giá trị nông sản.
Nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản, giảm xuất khẩu thô góp phần tăng thu nhập cho người ND không có nghĩa là bỏ quên việc tăng chất lượng thu hoạch và sau thu hoạch.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Tin khác